Giá sữa "lách luật" phi mã

Liên tục trong những tuần qua, giá sữa trên thị trường đã biến động tăng từ 5-10% đối với cả sữa nội và sữa nhập khẩu. Bộ Tài chính khẳng định: Sẽ theo sát diễn biến thị trường sữa để có những can thiệp phù hợp theo quy định của Luật Giá.

Các sản phẩm sữa đang bước vào cuộc đua tăng giá mới
Các sản phẩm sữa đang bước vào cuộc đua tăng giá mới

Giá sữa tăng tới 10%

Những tháng cuối năm 2013, giá sữa đã có 3 đợt điều chỉnh với mức tăng thấp nhất từ 3-5%, có những loại tăng tới 10%. Người tiêu dùng chưa kịp “hoàn hồn” thì những ngày đầu sau Tết Nguyên đán, thị trường sữa tiếp tục “dậy sóng” với những thông báo giá mới từ các đại lý. Khảo sát trên thị trường cho thấy, một số hãng sữa đã thông báo điều chỉnh giá là Abbott Việt Nam, Mead Jonhson và Vinamilk với mức tăng từ 6-9% tùy loại. Một đại lý sữa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội) cho biết: Chúng tôi vừa nhận được thông báo của nhà cung cấp dự kiến từ ngày 1/3 các loại sữa bột như Similac, Enfa, Pedia Sure… sẽ tăng giá thêm từ 3-5%.

Lý do để tăng giá sữa vẫn là giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao từ cuối năm 2013, nên các nhà sản xuất không thể không điều chỉnh giá. Thông tin từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, từ tháng 12/2013 đến nay đã có 2/6 công ty thuộc diện phải đăng ký giá gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh tăng giá về Bộ với mức tăng từ 5-10%, trong đó có 1 công ty gửi hồ sơ kê khai giá đề nghị điều chỉnh tăng giá 11/27 mặt hàng với mức tăng từ 5-9%, chưa điều chỉnh do việc giải trình chưa rõ về nguyên nhân điều chỉnh.

Đơn cử Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (có Văn bản số 2013002/FIN ngày 5/12/2013 kê khai giá điều chỉnh mức giá bán của 16/28 dòng sản phẩm, các mức tăng phổ biến 5-7%. Theo hồ sơ của công ty, nguyên nhân tăng giá là do giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng từ ngày 1/8/2013, với mức tăng từ 12,6-12,8%. Vì vậy công ty điều chỉnh giá bán ra thị trường tăng phổ biến từ 5-7%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá - khẳng định, so với yếu tố đầu vào qua kiểm tra, theo dõi thì với tỷ lệ tăng giá nhập khẩu theo tờ khai hải quan thực tế tăng 12,6-12,8% thì mức giá bán tăng tương ứng khoảng 5-10%. Do đó, mức điều chỉnh phù hợp với biến động của đầu vào.

Cục Quản lý giá đang đề nghị Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan phối hợp theo dõi diễn biến thị trường sữa để có biện pháp phù hợp.

Sẽ có biện pháp bình ổn nếu thị trường sữa diễn biến xấu

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thông lệ hàng năm thì giá sữa thường tăng vào thời điểm đầu năm và sau đó sẽ ổn định. Vì thế Cục Quản lý giá sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu có diễn biến xấu sẽ đề xuất các biện pháp, bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. “Trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, chúng ta điều hành theo quy luật của thị trường, có điều tiết của nhà nước, nhưng không hành chính hóa trong điều hành giá sữa” - ông Tuấn nói

Cục Quản lý giá cũng căn cứ vào các quy định hiện hành về quản lý giá, các Sở Tài chính địa phương đã thực hiện kiểm tra, rà soát các hồ sơ kê khai giá khi các doanh nghiệp sữa gửi hồ sơ kê khai điều chỉnh giá bán, đề nghị các công ty giải thích rõ nguyên nhân điều chỉnh giá, trường hợp nguyên nhân tăng giá không hợp lý, không có cơ sở hoặc không chứng minh nguyên nhân điều chỉnh giá do biến động của yếu tố đầu vào thì cơ quan quản lý sẽ yêu cầu doanh nghiệp không điều chỉnh giá.

Duy Minh

Nguồn: Báo Công thương

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast