Góc khuất trong dịch vụ cầm đồ (Bài cuối): Nơi “tiếp tay” cho tội phạm

(Baohatinh.vn) - Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Tĩnh có 119 cơ sở cầm đồ được quản lý và không ít trong số đó dù vô tình hay cố ý đã trở thành địa chỉ tiêu thụ những tài sản trộm cắp, đánh bạc... ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự trên địa bàn.

>> Bài 1: Cầm đồ và nhiều biến tướng

“Sân sau” của hàng phạm tội

Không thể phủ nhận rằng, dịch vụ cầm đồ là “cứu cánh” phục vụ nhu cầu chính đáng của một bộ phận khách hàng cần tiền gấp, tuy nhiên, với những chế tài xử phạt chưa đủ mạnh cũng như kẻ hở của các văn bản pháp luật phần nào dần đưa dịch vụ cầm đồ trở thành “địa chỉ đỏ” của tài sản do phạm tội mà có.

Trung tá Nguyễn Công Dũng - Phó trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết: “Các tài sản như xe máy, ô tô, giấy tờ tùy thân… có thể chứng minh chính chủ qua giấy đăng ký, còn vàng bạc, máy tính, điện thoại… rất khó để làm việc này. Vậy nên đây là một trong những quy định chưa chặt chẽ, rất dễ để các đối tượng lách luật”.

Những mặt hàng phổ biến có thể "hóa giá" trong tiệm cầm đồ.
Những mặt hàng phổ biến có thể "hóa giá" trong tiệm cầm đồ.

Theo Thông tư số 33/2010-TT-BCA, khi thực hiện dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở kinh doanh phải lập hợp đồng theo quy định. Người đến cầm đồ, thế chấp phải xuất trình CMND hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng để chủ cơ sở kiểm tra, đối chiếu và photocopy lưu lại tại cơ sở. Không được nhận cầm đồ đối với hàng hóa, tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có. Khi có nghi ngờ hàng hóa, tài sản do phạm tội mà có phải thông báo ngay với cơ quan công an có thẩm quyền kiểm tra, xử lý...

Thế nhưng, qua “thực tế” tại nhiều cửa hàng cầm đồ tại TP Hà Tĩnh, chúng tôi thấy rằng, đa số các tiệm cầm đồ chẳng cần khách xuất trình CMND, hộ chiếu, hay lập hợp đồng nói gì đến khách hàng chứng minh được quyền sở hữu với tài sản cầm đồ. Thậm chí còn không ghi tên người cầm (hoặc người đi cầm khai tên giả) vào tờ biên nhận, ghi loại tài sản, số tiền và thời gian cầm đồ. Khả năng trả nợ của khách cũng không thành vấn đề. Để “nắm đằng chuôi”, các chủ cơ sở này chỉ quan tâm đến định giá hàng cầm với giá rất thấp nên khách không chuộc vẫn không ảnh hưởng đến tài chính của các chủ tiệm mà còn bán được giá khi thanh lý hàng quá hạn.

Một người từng có “thâm niên” trong nghề cầm đồ cho biết: Không khó để nhận biết hàng chính chủ hay không vì những đối tượng cầm đồ gian thường không biết rõ về giá trị thực của món hàng cộng với tâm lý muốn tẩu tán được hàng gấp nên thường bị chủ tiệm cầm đồ “bắt thóp” để chỉ định giá thấp. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên chủ tiệm thường “lơ” đi để kiếm lời vì thông thường những đối tượng này không có nhu cầu quay lại chuộc.

Lợi dụng những lỏng lẻo trong loại hình kinh doanh có điều kiện này, không ít đối tượng đã sử dụng các tiệm cầm đồ làm “sân sau” để tẩu tán hàng do phạm tội mà có. Ngày 14/8/2013, Đội Quản lý hành chính - Công an TP Hà Tĩnh phối hợp với Công an phường Tân Giang bắt giữ 2 đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản là máy tính xách tay nhãn hiệu Dell trị giá 6 triệu đồng. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận đã lấy trộm chiếc máy tính trên và 3 điện thoại di động, trong đó 3 chiếc điện thoại đã được cầm cố tại một tiệm cầm đồ ở Kỳ Anh với giá 1 triệu đồng.

Tiếp đó, ngày 20/11/2013, Công an TP Hà Tĩnh đã vạch trần hành vi giả danh công an đi trộm cắp tài sản của Lê Trung Đức (Thạch Hà). Sau khi trộm một chiếc máy tính xách tay hiệu Vaio trị giá 18 triệu đồng, Đức đã mang đi cầm đồ lấy tiền tiêu xài, lợi dụng lòng tin của người bị hại nghĩ mình là công an nên Đức đã bày trò cho người bị hại đến chuộc. Với thủ đoạn tương tự, Đức tiếp tục trộm chiếc máy tính trên lần thứ 2 và chỉ đến khi Công an TP Hà Tĩnh phát hiện và xử lý thì người bị hại mới vỡ lẽ mình... “chăm ong tay áo”.

Siết chặt công tác quản lý

Thiếu tá Hồ Văn Phương - Đội trưởng Đội Quản lý hành chính - Công an TP Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 119 cơ sở cầm đồ được cấp phép kinh doanh, trong đó gần 50 cơ sở hoạt động đúng hình thức kinh doanh đăng ký, trung bình mỗi năm có 15-20 cơ sở đăng ký mới. Việc quản lý được phân cấp về từng phường nên công tác kiểm tra, giám sát có điều kiện sâu sát hơn. Tuy nhiên, công tác quản lý và xử lý gặp nhiều khó khăn khi các tiệm cầm đồ có nhiều mánh khóe để lách luật”.

Công tác quản lý, kiểm tra các tiệm cầm đồ được Công an TP Hà Tĩnh triển khai định kỳ, phối hợp với đơn vị nghiệp vụ các cấp để kiểm tra giấy phép kinh doanh, sổ sách. Cụ thể: năm 2013, lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt hành chính 26 trường hợp, thu 36 triệu đồng; 6 tháng đầu năm 2014, xử phạt 6 trường hợp, thu 9,2 triệu đồng và 6 vụ thu từ các tiệm cầm đồ tài sản do phạm tội mà có. Tuy nhiên, công tác này cũng chỉ quản lý được bề nổi, các lỗi vi phạm hành chính chủ yếu là không có hợp đồng cầm cố tài sản, không báo cáo định kỳ, hàng “không chính chủ” hoặc không có giấy ủy quyền cầm cố, vi phạm kho bãi… Trong khi đó, việc xử lý hình sự đối với những trường hợp này rất khó.

Lý giải vấn đề này, Thiếu tá Hồ Văn Phương cho biết thêm: Không đối tượng phạm tội nào đem tài sản đến cầm cố bảo đây là tài sản trộm được. Và khi xác minh tài sản đó là của kẻ phạm tội cầm cố thì tiệm cầm đồ cũng nói không biết, vậy nên để chứng minh đó là lỗi vô ý hay cố ý gặp rất nhiều khó khăn”.

Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chưa hợp lý phần nào làm gia tăng những biến tướng trong dịch vụ cầm đồ. Theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP: cầm cố, thế chấp tài sản mà không có hợp đồng theo quy định bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng; hành vi cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do các hành vi vi phạm pháp luật khác mà có bị phạt từ 5-15 triệu đồng; hành vi nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác bị phạt từ 2-5 triệu đồng… Như vậy, chế tài xử phạt ở mức này cũng chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận từ việc cầm đồ gian mang lại.

Trước vấn đề này, Trung tá Nguyễn Công Dũng - Phó trưởng Công an TP Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian tới, Công an thành phố sẽ tăng cường kiểm tra thường xuyên các tiệm cầm đồ trên địa bàn quản lý; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, tố giác tội phạm, biểu dương, khen thưởng việc phát hiện vi phạm; tăng cường công tác chuyên môn, nghiệp vụ để kịp thời chấn chỉnh hoạt động của dịch vụ cầm đồ theo hướng minh bạch hơn”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast