Hàng Việt - thật, giả lẫn lộn!

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến hàng nội (Made in Viet Nam). Ngoài những khách hàng lựa chọn thương hiệu Việt ở các cửa hàng nổi tiếng, phần lớn khách hàng bình dân với nguồn tài chính hạn hẹp, chỉ có thể tìm hàng Việt ở các chợ. Tuy nhiên, nhiều người đang lo ngại vì tình trạng thật, giả lẫn lộn...!

“Thích mác nào để chị... dán”!

Chuyện thật như đùa, ấy thế mà đang nhan nhản ở các ki-ốt chợ TP Hà Tĩnh. Chẳng là có lần, tôi cùng chị bạn tìm mua hàng may mặc. Giữa hằng hà quần quần, áo áo, chúng tôi phải mất một hồi lâu mới chọn được thứ vừa mắt. Thấy tôi có vẻ trăn trở vì món đồ cầm trên tay không phải là “Made in Viet Nam”, chị P. chủ quầy hàng khoát tay: “Ối dào, chị cam đoan với em, hàng ở chợ này 90% là hàng Trung Quốc! Em thích “mác” nào có “mác” đó luôn”.

Hàng Việt - thật, giả lẫn lộn! ảnh 1

Người dân lo ngại vì tình trạng hàng Việt thật, giả lẫn lộn... (Ảnh minh họa từ internet)

Giật mình, tôi quay ra hỏi: “Thấy dạo này hàng “Made in Viet Nam” đầy đấy thôi?!”. Vì là khách quen nên như để chứng minh, chị lôi ra từ trong tủ tập giấy bìa được “thiết kế” vuông vắn, có biểu tượng thời trang hẳn hoi, kèm theo câu sologan quen thuộc “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Chị P. tiếp lời: “Ban đầu, chị cũng nghĩ mình nhập thế nào thì bán thế đấy, nhưng vì khách “dè chừng”, lại thấy nhiều người trong đình chợ này đi in sẵn “mác” Việt, chị cũng làm theo để thay thế khi cần thiết”. Và, chỉ cần cái loắng tay, cái áo “Made in China” đã biến thành “Made in Viet Nam” như thường.

Theo khảo sát của chúng tôi, mặt hàng bị “đội lốt” nhiều nhất vẫn là hàng may mặc. Từ quần Jean, áo sơ mi cho đến đồ lót đều nhập nhằng thật - giả. Ngay cả như quần áo trẻ em - mặt hàng người tiêu dùng kén chọn nhất cũng khó có thể nhận biết. Chị Nguyễn Thị Thảo (phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Mua hàng ở chợ bây giờ như đi mò trong bóng tối, chỉ thấy có “mác” Việt thì động viên mình cho yên tâm, chứ người bán có bao giờ cho xem giấy tờ chứng thực đâu”. Đối với mặt hàng dành cho trẻ em, nhà sản xuất bao giờ cũng “tinh vi” hơn một chút, thường in “mác” ngay trên vải chứ không có nhãn riêng. Tuy nhiên, theo nhà buôn thì không ít trong số đó là nhãn của xưởng may gia công, còn nguyên liệu (vải) vẫn của Trung Quốc là chủ yếu.

Thậm chí, còn có “Tàu thật” và “Tàu nhái” khiến cho người tiêu dùng “nháo nhác”! Thế cho nên, để bảo vệ bản thân mình và con trẻ, chị Nguyễn Thị Phúc (phường Nguyễn Du) chọn cách: “Hy hữu lắm tôi mới mua quần áo cho con ở chợ, chỉ vài bộ đồ ngủ (vì cho rằng, loại đồ này ít bị làm giả - PV), còn lại tôi chọn cửa hàng “Made in Viet Nam”, tuy giá có đắt nhưng yên tâm hơn!”.

Khó kiểm soát

Ông Nguyễn Đình Khoa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 - Chi cục Quản lý thị trường cho biết: “Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc tại các chợ. Tuy nhiên, tiểu thương chủ yếu là người buôn bán nhỏ, hàng hóa gom ở các đầu mối, do đó, chủ buôn không xuất hóa đơn GTGT mà chỉ có hóa đơn bán lẻ. Điều này khiến công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái trở nên khó khăn. Đặc biệt là hàng nhập khẩu, lâu nay, người tiêu dùng chỉ mới quan tâm đến mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, còn hàng may mặc thì chưa được để ý nhiều”. Cũng theo ông Khoa, hiện nay đã có văn bản phân cấp trách nhiệm cho địa phương quản lý nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trên địa bàn. Sự vào cuộc của chính quyền sở tại sẽ là cơ sở đầu tiên trong “cuộc chiến cam go” này.

Hàng Việt - thật, giả lẫn lộn! ảnh 2

Nhãn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” được người bán hàng tự “thiết kế” gắn vào hàng may mặc trôi nổi để đánh lừa người tiêu dùng.

Có người cho rằng, hàng giả, hàng nhái đã trở thành một ngành công nghiệp thực sự. Nó xuất phát từ thói quen tiêu dùng. Nhu cầu thẩm mỹ tăng cao trong khi mức thu nhập không tương xứng thì ắt hẳn người ta muốn tìm sản phẩm rẻ hơn mà vẫn đảm bảo tiêu chí đẹp, hợp “gu”. Tất nhiên, không phải chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất làm hàng giả, hàng nhái, có chăng, tỷ lệ hàng hóa đến từ đất nước này cao hơn.

Hơn nữa, Việt Nam lại là nước láng giềng, việc ảnh hưởng dòng chảy thị trường âu cũng là điều tất yếu. Một yếu tố nữa, nền công nghiệp may mặc của nước ta vẫn đang ở trình độ gia công nên việc chủ nhà máy này “móc nối” với nhà buôn ngoài để làm hàng giả, hàng nhái nhằm thu lợi nhuận cũng không có gì lạ.

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast