Hàng xách tay, không cần “bay”!

(Baohatinh.vn) - Cùng với các sản phẩm được gắn mác hàng Việt Nam xuất khẩu, xu hướng tìm mua hàng xách tay đang ngày càng được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Chính vì thế, nhiều chủ shop, nhiều trang facebook cá nhân đã kết hợp hoặc chuyển sang kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, không phải ở đâu cũng là hàng xách tay "xịn" và không ít khách hàng chỉ lấy sự tin tưởng đối với người bán làm thước đo nên đã mua phải sản phẩm kém chất lượng.

>> Bát nháo thị trường hàng may mặc

Thật - giả hàng xách tay

Hàng xách tay là những hàng hóa được sản xuất tại nhà máy của hãng sản xuất. Tất cả các chất liệu cũng như mẫu mã, nhãn mác, bao bì nguyên đai, nguyên kiện của hãng sản xuất. Hàng được xách tay nên không bị tính thuế, do đó, giá cả khi về thị trường Việt Nam luôn cạnh tranh và rẻ hơn hàng chính ngạch rất nhiều.

Hàng xách tay, không cần “bay”! ảnh 1

Cuối năm 2014, Công an Hà Nội thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm hàng hoá các loại được nhập lậu về Việt Nam. (Ảnh: Tiền phong)

Mùa đông vừa qua, thị trường quần áo Hà Tĩnh bỗng “sốt” các sản phẩm thời trang thương hiệu Uniqlo của Nhật Bản, Zara, Hàn Quốc. Nhiều shop với sự năng động của mình cũng đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng này. Không chỉ bán tại shop, họ còn bán online qua mạng xã hội facebook. Tuy nhiên, không phải địa chỉ nào cũng bán 100% hàng xách tay bởi họ đã trà trộn hàng nhái để đánh lừa khách hàng. Và những khách hàng chỉ mua mà không cần biết hoặc không biết cách kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất liệu của sản phẩm đã bị “móc túi” một cách công khai.

Anh Hùng (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Cuối năm 2014, trong chuyến công tác Hà Nội, tôi có ghé cửa hàng chuyên áo phao lông vũ Uniqlo. Đối thoại với chủ shop một lúc thì anh ta nói, thực ra, đây là hàng Việt Nam may nhưng nhập vải của Nhật. Tôi đem thông tin đó nói lại với một địa chỉ bán hàng Uniqlo xách tay tại Hà Tĩnh thì họ khẳng định, Việt Nam mình không có nơi nào may vì nếu thế thì thị trường đã tràn ngập. Hoang mang trước các nguồn thông tin khác nhau nên tôi quyết định không bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua về sản phẩm không rõ xuất xứ”. Không chỉ anh Hùng mà nhiều người đã bị nhiễu thông tin khi chất vấn các chủ cửa hàng về xuất xứ sản phẩm.

Theo quảng cáo trên một trang facebook về hàng hè của Uniqlo, chị Nga (phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) cũng đặt mua 1 chiếc áo chống nắng và 1 áo phông nam của thương hiệu này. Sản phẩm mà chị mua được đính vô thiên lủng các loại mác nhưng tuyệt đối không tìm thấy mã vạch và chất liệu thì khô cứng chứ không phải mềm, mịn như quảng cáo và giá cũng không hề “mềm”. Cũng tìm đến mặt hàng xách tay, chị Hoa (phường Nguyễn Du) đã mua một chiếc váy của thương hiệu Zara với giá gần 2 triệu đồng nhưng chất liệu thì chẳng khác gì những chiếc váy đính mác Zara có xuất xứ Trung Quốc bày bán ở chợ.

Tôi đem thắc mắc này hỏi một người bạn chuyên kinh doanh quần áo ở Hà Nội thì được biết: “Tại Quảng Châu (Trung Quốc), có một địa điểm chuyên làm hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Các sản phẩm này đều được đính mác đầy đủ. Sau khi về kho tại Việt Nam thì hàng cũng theo đơn mà tỏa đi muôn phương và được khoác tấm áo “xách tay”.

Nhận biết hàng chính hãng

Sự phát triển của mạng xã hội và nhu cầu của khách hàng đang là cơ hội để nhiều cá nhân kinh doanh các mặt hàng xách tay. Chỉ cần gõ cụm từ “hàng xách tay” trên phương tiện tìm kiếm Google đã có gần 14 triệu kết quả, trong đó, phần lớn là các website, faceboook chuyên kinh doanh hàng Mỹ, Nhật, Hàn, EU... Với tâm lý muốn mua hàng hiệu giá rẻ, nhiều khách hàng đang bị móc túi bằng những chiêu thức lừa đảo của một số chủ shop. Rất nhiều người mua hàng hiệu và sau đó đã thấy sản phẩm y chang kiểu dáng, chất liệu bày bán ở chợ với giá rẻ chỉ bằng 1/2 thậm chí là 1/3.

Các trang facebook chuyên bán hàng xuất khẩu trên mạng

Các trang facebook chuyên bán hàng xuất khẩu trên mạng

Tình trạng mua phải hàng được quảng cáo là VNXK và xách tay đang diễn ra công khai trên thị trường, tuy nhiên, với ngành chức năng, vấn đề kiểm tra, xử lý hết sức khó khăn. Ông Trần Hữu Hạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Tĩnh cho biết: “Với lực lượng quá mỏng, trong khi các quy định của pháp luật chưa thật sự hợp lý đã gây không ít khó khăn cho chúng tôi trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Quy trình kiểm tra xử lý các hộ kinh doanh cá thể phải đúng quy định báo trước 3 ngày theo Thông tư 09 năm 2014 của Chính phủ. Hơn nữa, mặc dù chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng cung cấp số điện thoại của người phụ trách địa bàn, nhưng phần đa người tiêu dùng còn e ngại, chưa có sự tương tác với đội QLTT trong việc cung cấp thông tin về các địa chỉ bán hàng vi phạm. Trong năm 2014, trong số 3.700 vụ vi phạm bị chúng tôi xử lý chỉ có 5 vụ là do nhân dân báo tin”.

Để không bị “gài bẫy”, khách hàng cần trang bị cho mình những kiến thức nhất định nhằm thẩm định xuất xứ hàng hóa. Cách nhanh nhất và hiệu quả nhất chính là hỏi chủ shop hóa đơn mua hàng, đó là chứng từ hợp pháp chứng minh được sản phẩm có thực là hàng xách tay không. Q.H - một chủ shop online chuyên kinh doanh hàng xách tay cho biết: “Ngoài kiểm tra hóa đơn thì khách hàng có thể kiểm tra mã vạch, bởi vì tất cả đều có thể làm giả, kể cả tem chống hàng giả nhưng mã vạch thì không”.

Hàng xách tay mà thực chất là hàng lậu Trung Quốc đang được bán công khai trên các trang mạng xã hội. Trước khi nhận được sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần trang bị kiến thức cần thiết nếu không muốn mình thì rơi vào cảnh “tiền mất tật mang”.

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast