Hiệp định Thương mại VEFTA: Việt Nam chuẩn bị nắm bắt các cơ hội

Hiệp định Thương mại tự do sắp ký kết giữa Việt Nam với EU (VEFTA) sẽ mang lại những cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ.

“Không có Hiệp định nào chỉ có lợi cho một bên. Hiệp định Thương mại tự do sắp ký kết giữa Việt Nam với EU sẽ mang lại những cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Và Việt nam phải có sự chuẩn bị tốt để nắm bắt những cơ hội ấy”. Đó là lời khẳng định của Đại sứ Vương Thừa Phong, Trưởng phái đoàn Việt nam tại Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc phỏng vấn với phóng viên VOV thường trú tại Pháp.

Hiệp định Thương mại VEFTA: Việt Nam chuẩn bị nắm bắt các cơ hội ảnh 1
Đại sứ Vương Thừa Phong (bên trái) trao đổi với Chủ tịch Hội đồng châu Âu. (Ảnh: Uỷ ban châu Âu)

PV:Thưa Đại sứ, sau 3 năm với 14 vòng đàm phán, Việt nam và Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kết thúc cơ bản Đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa của việc hai bên kết thúc đàm phán ?

Đại sứ Vương Thừa Phong: Với việc công bố kết thúc đàm phán về cơ bản, điều này đã thể hiện: Thứ nhất, đây là hiệp định có tính chất của thế hệ mới, hiệp định toàn diện nhất mà Việt Nam ký với nước ngoài, bao gồm tất cả các lĩnh vực rộng lớn như đầu tư, thương mại, mua sắm chính phủ, dịch vụ và các vấn đề về chỉ dẫn địa lý, sở hữu trí tuệ, quyền lao động cũng như các vấn đề bảo đảm môi trường phát triển bền vững, rất rộng rãi.

Thứ hai, đây là hiệp định thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển, điều này thể hiện sự đánh giá cao của EU đối với Việt Namm và EU coi đây là mô hình cho các nước đang phát triển mà sắp tới EU sẽ đàm phán để ký FTA.

Thứ ba, đây là hiệp định giữa hai nền kinh tế có tính chất và cơ cấu bổ sung cho nhau, giữa một bên là nền kinh tế EU gồm 28 nước phát triển hiện đại có công nghệ kỹ thuật cao và bên kia là Việt Nam, một nền kinh tế năng động bậc nhất của châu Á và là đối tác lớn của nhiều nước trên thế giới.

Thứ tư, đây là hiệp định có những điều khoản hỗ trợ cho Việt Nam có thời kỳ quá độ để thích ứng với các yêu cầu của EU. Lộ trình dỡ bỏ các hàng rào thuế quan khác nhau, ví dụ sau 10 năm Việt Nam mới phải dỡ bỏ các mức thuế trong khi EU dỡ bỏ trong 7 năm. Điều này cũng tạo điều kiện cho Việt Nam vươn lên nắm bắt các cơ hội hợp tác mà EU mang lại.

Thứ năm, Hiệp định sẽ tạo điều kiện thúc đẩy quá trình thương lượng đàm phán FTA giữa EU và ASEAN mà Việt Nam đang tích cực đóng góp trong bối cảnh ASEAN sắp trở thành cộng đồng kinh tế vào cuối năm nay.

Điểm cuối cùng, đây là thành quả, kết quả đáng khích lệ trong việc thực hiện đường lối, chủ trương của Việt Nam về hội nhập quốc tế; đây là thành quả của chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

PV:Tiếp theo việc kết thúc đàm phán, sẽ còn những bước đi và thủ tục như thế nào để đi tới ký kết chính thức và triển khai thực hiện Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU, thưa Đại sứ?

Đại sứ Vương Thừa Phong: Các bước tiếp theo như hai bên đã công bố, có một số bước mang tính kỹ thuật và thủ tục là chính. Hai bên sẽ trao đổi để giải quyết nốt các vấn đề kỹ thuật, hoàn thiện các văn bản.

Công việc này dự kiến sẽ hoàn thiện trong vài ba tháng tới. Sau đó hai bên sẽ tiến hành ký kết chính thức. Tôi hy vọng Hiệp định có thể được ký kết trong quý 4 nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với EU.

Những thủ tục phê chuẩn Hiệp định sau khi ký là quá trình phức tạp, lâu dài. Đây là hiệp định toàn diện, rất rộng liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có cả những lĩnh vực nhạy cảm nên quá trình phê chuẩn có thể kéo dài, nhất là đối với Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu.

PV:Đại sứ có thể cho biết phía Việt Nam cần có những chuẩn bị như thế nào để nắm bắt những lợi ích mà Hiệp định mang lại cũng như vững vàng đối phó với những thách thức từ hiệp định?

Đại sứ Vương Thừa Phong: Trước hết phải xác định, Hiệp định mang lại những cơ hội rất lớn cho phát triển kinh tế và thương mại của Việt Nam, nhưng song song với cơ hội, cũng có nhiều thách thức rất lớn. Không có Hiệp định nào chỉ có lợi cho một bên cả. Như Cao ủy EU đã phát biểu đây là hiệp định cân bằng, có lợi cho cả hai bên.

Thứ hai, đây là hiệp định giữa hai nền kinh tế có tính chất bổ sung cho nhau nhưng đồng thời có sự cạnh tranh khá quyết liệt, kể cả những mặt hàng truyền thống như nông sản, thực phẩm. Nếu hàng hóa của chúng ta chất lượng kém sẽ có thể bị loại, bị mất cả thị trường trong nước đối với những mặt hàng như thịt, sữa, rau quả. Những mặt hàng này của EU rất có thế mạnh, và người tiêu dùng Việt Nam sẽ ưa chuộng hàng của EU nếu chất lượng của Việt Nam không bằng.

Thứ ba, hiệp định này đòi hỏi phía Việt Nam phải sửa đổi chính sách, những quy định cho phù hợp. Các tiêu chuẩn hiệp định đề ra rất khắt khe, yêu cầu pháp lý rất chặt chẽ; có những phần liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm như dân chủ, nhân quyền, quyền của người lao động, vấn đề môi trường…

Điểm cuối cùng, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là những chủ thể chính trong quá trình hợp tác và cạnh tranh, khi Hiệp định thương mại tự do với EU mang lại.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không phân biệt nhà nước hay tư nhân mà phải cải cách mạnh, không ngừng ra sức phấn đấu vươn lên, nâng cao chất lượng sản phẩm, phải đủ mạnh, năng động, tích cực, xông xáo, phải có ngoại ngữ giỏi, có năng lực đàm phán, cạnh tranh và hội nhập thì mới có điều kiện nắm bắt, phát huy được những cơ hội, thuận lợi do Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU mang lại.

PV:Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

Theo VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast