Hợp tác xã sẽ được hoạt động tín dụng nội bộ

Quy định này được nêu tại dự thảo Thông tư hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với hợp tác xã đang được Bộ Tài chính soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi.

Cơ chế tài chính mới tạo cho các hợp tác xã năng động hơn. Trong ảnh: Hợp tác xã nông nghiệp Thanh An, Thanh Chương, Nghệ An trong một buổi họp về bảo hiểm vật nuôi. Ảnh: Thanh Bình

Cơ chế tài chính mới tạo cho các hợp tác xã năng động hơn. Trong ảnh: Hợp tác xã nông nghiệp Thanh An, Thanh Chương, Nghệ An trong một buổi họp về bảo hiểm vật nuôi. Ảnh: Thanh Bình

Theo đó, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là hợp tác xã) được sử dụng vốn nhàn rỗi của mình và huy động tiền gửi của thành viên để cho thành viên vay, theo hình thức tín dụng nội bộ.

Muốn vậy, các hợp tác xã phải xây dựng phương án: về tiền huy động, tiền cho vay, lãi suất cho vay, lãi suất tiền gửi, cơ sở vật chất và các điều kiện thực hiện tín dụng nội bộ; xây dựng quy chế hoạt động tín dụng nội bộ phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan và được đại hội thành viên thông qua.

Hợp tác xã phải tổ chức hạch toán riêng hoạt động tín dụng nội bộ. Cụ thể như: Mở sổ hạch toán các hoạt động cho vay, nhận tiền gửi và các hoạt động thu chi khác liên quan. Cuối tháng, cuối quý phải kiểm kê quỹ tiền mặt, đối chiếu công nợ; tổ chức công tác quản lý hoạt động tín dụng nội bộ, theo quy định; các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có) và chế độ kế toán hiện hành.

Về việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp sự thảo này qui định như sau:

Hợp tác xã thực hiện góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp theo quy định và phù hợp với các quy định pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán và các quy định có liên quan.

Hợp tác xã không được sử dụng tài sản đang đi thuê hoạt động, đi mượn, nhận giữ hộ, nhận gia công, nhận bán đại lý, ký gửi để thực hiện góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp.

Đối với khoản góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, các hợp tác xã cũng phải trích lập dự phòng theo quy định về trích lập dự phòng tổn thất đối với các khoản đầu tư tài chính dài hạn...

Việc chuyển nhượng vốn góp, cổ phần của hợp tác xã xác thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005, Luật Chứng khoán và các văn bản sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn.

Tiền thu từ chuyển nhượng vốn góp, cổ phần của hợp tác xã, sau khi trừ giá trị vốn đầu tư ghi trên sổ sách kế toán, chi phí chuyển nhượng và thực hiện nghĩa vụ thuế theo quy định, số tiền còn lại phải hạch toán vào kết quả kinh doanh.

Các quy định về quản lý hoạt động dụng nội bộ của hợp tác xã, thực hiện theo: Thông tư số 06/2004/TT-NHNN ngày 27/9/2004 hướng dẫn tín dụng nội bộ hợp tác xã; Thông tư số 04/2007/TT-NHNN ngày 13/6/2007 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung Thông tư số 06/2004/TT-NHNN; Thông tư số 15/VBHN-NHNN ngày 21/5/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về tín dụng nội bộ hợp tác xã.

Các quy định liên quan đến góp vốn, mua bán cổ phần, thành lập DN của hợp tác xã thực hiện theo: Điều 20 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã. Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009; Thông tư số 89/2013/TT-BTC ngày 28/6/2013 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 228 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có)

Theo Vũ Long/Thời báo Tài chính VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast