Lập lại trật tự, kỷ cương trong kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm

(Baohatinh.vn) - Đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện Kế hoạch 249 của Ban ATGT tỉnh về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh và sử dụng mũ không phải mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy, bước đầu đã lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động kinh doanh và sử dụng MBH.

Truy xuất xứ, phạt cơ sở kinh doanh

Ông Bùi Phong An - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cho biết, thực hiện Kế hoạch 249 của Ban ATGT tỉnh, đơn vị đã phối hợp với các địa phương thành lập đoàn kiểm tra chất lượng MBH lưu thông trên thị trường. Đoàn đã kiểm tra 47 cơ sở kinh doanh MBH tại các địa phương trong tỉnh, đồng thời tổ chức cho các cơ sở này ký cam kết kinh doanh MBH đạt chuẩn cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản nhắc nhở, cảnh cáo 23 cơ sở, xử phạt hành chính 4 cơ sở; thu hồi và tiêu hủy 247 MBH không đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật.

Lực lượng liên ngành kiểm tra việc kinh doanh MBH trên địa bàn TP Hà Tĩnh
Lực lượng liên ngành kiểm tra việc kinh doanh MBH trên địa bàn TP Hà Tĩnh

Theo ông Bùi Phong An, tình hình kinh doanh MBH đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tình trạng kinh doanh MBH giả mạo tem hợp quy; mũ kém chất lượng, mũ không có tem hợp quy giảm so với năm trước. Phần lớn MBH tại các cơ sở kinh doanh đều ghi nhãn theo quy định và có gắn tem hợp quy CR. Ý thức chấp hành của các hộ kinh doanh đã được nâng lên rõ rệt, điển hình như các hộ: Trần Văn Trị (TP Hà Tĩnh), Nguyễn Thị Loan, Vũ Thùy Hương (thị trấn Cẩm Xuyên), Lê Văn Thông, Kiều Đình Ánh, Nguyễn Thị Tịnh (TX Hồng Lĩnh), Nguyễn Văn Quang (thị trấn Đức Thọ)...

Bên cạnh sự chuyển biến về ý thức của người bán hàng, hơn ai hết, người tiêu dùng cũng đã có sự thay đổi về nếp nghĩ trong việc mua mũ đạt chuẩn để tự bảo vệ tính mạng cho bản thân. Ông Nguyễn Văn Công (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Trước đây, với tôi và nhiều người khác, việc đội MBH là cả một vấn đề. Có chăng cũng chỉ để đối phó với lực lượng chức năng khi ra đường. Nhưng nay, qua các phương tiện truyền thông và qua những vụ tai nạn xảy ra trên địa bàn, tôi đã ý thức được rằng, đội MBH tốt chính là để bảo vệ tính mạng cho mình trước những rủi ro khi tham gia giao thông”.

Cùng với công tác kiểm định chất lượng MBH của ngành chuyên môn, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện và xử lý đối với các cơ sở kinh doanh MBH giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy chế nhãn hàng. Trong đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm theo Kế hoạch 249 của Ban ATGT tỉnh, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 26 cơ sở kinh doanh MBH lớn trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kiểm tra, phát hiện 15 cơ sở vi phạm; tịch thu, tiêu hủy 672 chiếc; tổng số tiền xử phạt hơn 20 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc và không ghi nhãn hàng hóa theo quy định. Theo nhận định của ông Võ Viết Linh – Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4, sau đợt kiểm tra, xử phạt quyết liệt này, chắc chắn các cơ sở sẽ không dám kinh doanh mặt hàng MBH không đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Cũng trong tháng thực hiện Kế hoạch 249 của Ban ATGT tỉnh, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã lập biên bản xử lý hơn 2.000 trường hợp tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy không đội MBH hoặc đội MBH không đúng quy cách. Đối với trường hợp người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy đội mũ không phải MBH thì đang ở mức dừng xe, tuyên truyền, nhắc nhở chưa xử phạt.

Những khó khăn, vướng mắc

Dẫu cả người bán và người mua đều có sự đổi thay trong ý thức, nhưng để “nói không” với tình trạng MBH kém chất lượng thì thực tế vẫn còn không ít khó khăn. Ông Võ Viết Linh cho biết: “Với chúng tôi, trong quá tình kiểm tra, xử lý còn gặp nhiều vướng mắc. Đó là các cơ sở sản xuất MBH kém chất lượng nằm trên địa bàn tỉnh khác nên việc xử lý tận gốc rất khó; MBH được bày bán ở những cơ sở nhỏ lẻ, không đăng ký kinh doanh và di chuyển cơ động, gây khó khăn trong quá trình kiểm tra. Ngoài ra, việc kiểm tra chất lượng MBH phải thực hiện giám định, tuy nhiên, hiện nay, trong tỉnh chưa có đơn vị chuyên môn làm công tác này nên phải gửi đi giám định tại Hà Nội nên mất nhiều thời gian và kinh phí”.

Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng kiểm định chất lượng mũ bảo hiểm.
Cán bộ Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng kiểm định chất lượng mũ bảo hiểm.

Được biết, việc đội mũ không phải MBH dành cho người đi mô tô, xe máy sẽ bị xử phạt như đối với hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách với mức phạt cho hành vi trên là 100.000-200.000 đồng. Tuy nhiên, theo Thiếu tá Bùi Đức Thuận - Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Tĩnh thì: “Đối với hành vi không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai thì lực lượng CSGT dễ phát hiện, còn đối với hành vi sử dụng MBH không đảm bảo chất lượng, CSGT rất khó phát hiện trong trường hợp người sử dụng đang lưu thông trên đường. Việc dừng xe đối với trường hợp này là rất khó khăn, nếu không phát hiện hành vi vi phạm TTATGT khác”.

Theo Thông tư liên tịch số 06/2013 của liên bộ Khoa học & Công nghệ - Giao thông vận tải - Công an - Công thương, MBH phải có cấu tạo đủ 3 bộ phận: vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo; kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định và đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, được gắn dấu hợp quy CR, ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật. Mũ có kiểu dáng nhái, không đáp ứng đủ tiêu chuẩn kỹ thuật trên sẽ không được coi là MBH.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast