“Luồng sinh khí” trong phát triển công nghiệp nông thôn

(Baohatinh.vn) - Mặc dù đi vào hoạt động chưa lâu, song 7 cụm công nghiệp (CCN) gắn với làng nghề có tổng quy hoạch trên 83 ha trong toàn tỉnh đã trở thành “luồng sinh khí” trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Môi trường sản xuất cải thiện, không gian đầu tư công nghệ được mở rộng, giá trị sản xuất tăng khá hàng năm là những kết quả của CCN gắn với làng nghề đóng góp vào quá trình phát triển công nghiệp nông thôn.

“Luồng sinh khí” trong phát triển công nghiệp nông thôn ảnh 1

Nhằm khai thác tiềm năng của các công nghiệp gắn với làng nghề là xây dựng mối liên kết, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đa dạng. Ảnh: Sỹ Ngọ

Những gam màu sáng

Quy hoạch gần 25 ha, trong đó, có 15,65 ha mặt bằng có thể sản xuất thuộc hai CCN Thái Yên (13 ha) và Trường Sơn (2,65 ha), Đức Thọ là địa phương có hoạt động sản xuất CN - TTCN thuộc top đầu của tỉnh với tổng giá trị sản xuất năm 2014 từ 2 CCN này đạt trên 550 tỷ đồng. Ông Phan Đăng Trị - chủ cơ sở sản xuất đồ mộc trong CCN Thái Yên cho biết: “Khi vào hoạt động trong CCN, có mặt bằng để mở rộng sản xuất, nhận được sự hỗ trợ bằng nhiều hình thức của các đơn vị liên quan, cơ sở đã đầu tư 4 máy chạm khắc gỗ công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất lao động”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thế - Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đức Thọ khẳng định: “Sự hình thành và phát triển các CCN gắn với làng nghề trên địa bàn vừa góp phần bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, vừa đẩy nhanh quá trình phát triển CN -TTCN nông thôn của địa phương. Hiện, 5,5 ha giai đoạn 1 của CCN Thái Yên đã được lấp đầy với 33 dự án, đạt tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng, riêng CCN chiếm 40% giá trị sản xuất toàn xã. Mặc dù mới thành lập (2014) nhưng CCN Trường Sơn đã được lấp đầy giai đoạn 1 với 8 dự án, mang lại giá trị sản xuất gần 35 tỷ đồng”.

Thị xã Hồng Lĩnh mặc dù chỉ có một CCN gắn với làng nghề rèn Trung Lương hoạt động nhưng giá trị sản xuất năm 2014 đạt trên 300 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển CN - TTCN địa phương. Theo báo cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Hồng Lĩnh, lúc mới thành lập CCN, có 11 cơ sở đăng ký thuê đất và hoạt động sản xuất, kinh doanh với các ngành chủ yếu là rèn, đúc, gia công cơ khí thì tới nay, đã có 14 cơ sở đang hoạt động với nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất vật liệu xây dựng, cán kéo thép, tôn xốp, sửa chữa ô tô… với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 12,96%. Đặc biệt, khi vào cụm, đã hạn chế được tình trạng các cơ sở sản xuất xả thải trực tiếp ra mương thoát nước, giảm ô nhiễm bụi khói và đặc biệt là phù hợp với quy hoạch phát triển chung của thị xã theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ông Nguyễn Đức Hà – Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương cho biết: “Phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, quy mô công nghiệp phát triển theo từng năm và đóng góp tích cực vào thu ngân sách cũng như sự phát triển KT-XH của địa phương. Đặc biệt, thực hiện chương trình phát triển công nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, đa số các CCN gắn với làng nghề trên địa bàn đã phát huy tiềm năng, lợi thế, là thành tố quan trọng trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp”.

“Luồng sinh khí” trong phát triển công nghiệp nông thôn ảnh 2

Sau khi có mặt bằng ông Phan Đăng Trị (chủ cơ sở sản xuất đồ mộc trong CCN Thái Yên) đã mở rộng cơ sở sản xuất đồ mộc, đầu tư máy chạm khắc gỗ công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất lao động.

Còn đó những khó khăn

Tuy có bước phát triển khá, nhưng thời gian qua, việc đầu tư phát triển các CCN gắn với làng nghề ở tỉnh ta còn nhiều mặt hạn chế. Công tác quy hoạch giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng còn chậm; việc bố trí ngân sách và xúc tiến các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào các cụm chưa đáp ứng yêu cầu; phát triển sản xuất chưa thật sự gắn với bảo vệ môi trường (nhiều cụm chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường); mặt hàng của doanh nghiệp chưa ổn định, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động và phát triển bền vững của các khu, CCN… là những tồn tại khiến CCN gắn với làng nghề chưa tạo được “sức bật” trong quá trình phát triển.

CCN Thạch Đồng được hình thành gắn với việc lưu giữ và phát triển làng nghề dệt, nhuộm truyền thống. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ đầu tư vào cụm vẫn chưa đáng kể hay những điểm vướng về thủ tục làm “khó” các nhà đầu tư đang đòi hỏi những giải pháp hiệu quả từ các đơn vị chức năng để đáp ứng được yêu cầu khi thành lập cụm.

Theo thông tin từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng thị xã Hồng Lĩnh, để phát huy hơn nữa hiệu quả của các CCN gắn với làng nghề, địa phương tiếp tục tập trung các nguồn vốn ngân sách nhà nước, đồng thời, xã hội hóa đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất ngày một tăng của các cơ sở. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thuê đất cũng như có các chính sách hỗ trợ phù hợp. Ngoài ra, địa phương đang tiến hành thành lập ban quản lý các CCN - TTCN chuyên trách hoặc bán chuyên trách, tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực để bảo đảm sự phát triển bền vững các làng nghề, CCN”.

“Một trong những hướng đi sắp được triển khai để khai thác tiềm năng của các CCN gắn với làng nghề là xây dựng mối liên kết, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đa dạng (liên kết giữa các CCN ven biển như Thạch Kim, Cẩm Nhượng, Kỳ Ninh về chế biến thủy, hải sản; các CCN Thái Yên, Yên Huy, Trường Sơn về chế biến gỗ); xây dựng liên kết với các nhà phân phối, các DN thương mại, dịch vụ để tìm kiếm thị trường và đảm bảo ổn định đầu ra, nguồn nguyên liệu cho sản phẩm; tạo điều kiện để cơ sở công nghiệp, làng nghề duy trì và phát triển sản xuất, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới…” - ông Nguyễn Đức Hà cho biết thêm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast