Một mối quản xăng dầu có minh bạch hơn?

Liệu biện pháp này có đảm bảo minh bạch, hạn chế tình trạng độc quyền, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng?

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương tiếp tục chỉnh sửa dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Điểm mới đáng chú ý trong lần sửa đổi này là chuyển quyền chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ Bộ Tài chính sang Bộ Công Thương. Đồng thời, sửa lại biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu.

Những thay đổi này sẽ tác động như thế nào đến thị trường xăng dầu và liệu có đảm bảo minh bạch, hạn chế tình trạng độc quyền, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng?.

Ảnh: KT
Ảnh: KT

Thời gian qua, liên bộ Tài chính – Công Thương cùng có trách nhiệm điều hành giá xăng dầu. Trong đó, Bộ Công thương chủ yếu giữ trách nhiệm quản lý việc xuất nhập khẩu, hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp; còn Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát và điều chỉnh giá mặt hàng này cho phù hợp với diễn biến giá cả thế giới và trong nước.

Tuy nhiên, tới đây, điều hành giá xăng dầu sẽ quy về một đầu mối duy nhất là Bộ Công Thương. Theo một số chuyên gia, giá không tách khỏi hoạt động kinh doanh, hoạt động thị trường. Do vậy, việc giao quyền cho Bộ Công Thương chủ trì điều hành giá xăng dầu có ưu điểm là trách nhiệm quy về một mối cho cơ quan nhà nước duy nhất quản lý thay vì liên bộ như trước đây. Cách làm này được kỳ vọng sẽ không còn cảnh đùn đẩy trách nhiệm khi có vấn đề trong điều hành giá mặt hàng vốn nhạy cảm này.

Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc trao quyền điều hành giá xăng dầu sang Bộ Công Thương cũng không khỏi khiến dư luận lo ngại về tính khách quan, minh bạch, khi Bộ này chịu trách nhiệm về xuất nhập khẩu xăng dầu, quản lý hệ thống phân phối và hầu hết doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, nay lại thêm quyền điều hành giá. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cần thiết phải có cơ chế giám sát giá chặt chẽ. Mới đây, Thủ tướng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo điều hành giá do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh làm Trưởng Ban, với sự tham gia của các bộ trong đó có 2 bộ Tài chính – Công Thương… Đây có thể coi là điểm mới mang tính đột phá về quản lý giá của nhà nước, được kỳ vọng là sẽ giảm thiểu tiêu cực trong điều hành giá các mặt hàng thiết yếu trong đó có xăng dầu.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng: “Hiện Bộ Công Thương quản lý xuất nhập khẩu, hệ thống phân phối và được quyết định giá thì nguy cơ quyền lực tập trung hoặc lạm dụng độc quyền… Cơ chế giám sát là cần thiết và cơ chế giám sát này phải cao hơn cấp bộ. Ban chỉ đạo điều hành giá không chỉ chỉ đạo điều hành giá mà còn tạo cơ chế giám sát, đặc biệt kê khai giá, kiểm toán giá, công khai các yếu tố hình thành giá, công khai biến động giá. Như vậy, vừa quản lý giá theo thị trường hơn, đồng thời giảm thiểu các lạm dụng trong quản lý giá”.

Một điểm mới trong sửa đổi Nghị định 84 lần này là chỉnh sửa lại biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, nếu giá cơ sở tăng hoặc giảm đến 2%, doanh nghiệp được quyết giá, thay vì mức 5% như trong dự thảo hiện nay.

Về điểm này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả cho rằng, mặc dù giảm biên độ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu xuống đến 2%, tức là doanh nghiệp được tự quyết giá tăng - giảm khoảng 500 đồng/lít, nhưng thực tế vẫn chưa phù hợp với thể chế xác định giá đối với thị trường xăng dầu hiện nay còn hiện tượng độc quyền (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex vẫn chiếm hơn 50% thị phần).

PGS.TS Ngô Trí Long kiến nghị: “Đối với thị trường độc quyền hiện nay, không thể để doanh nghiệp tự định giá dù biên độ rất hẹp, doanh nghiệp vẫn lợi dụng biên độ đó để tăng giá gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự. Hiện vẫn còn doanh nghiệp chiếm gần 50%, trong bối cảnh này nhà nước cần định giá tối đa hay còn gọi là giá trần, chẳng hạn như giá sữa bắt đầu áp giá trần. Việc áp dụng giá trần là hoàn toàn phù hợp”…

Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và tác động không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Dư luận kỳ vọng vào cơ chế điều hành giá xăng dầu đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, phù hợp và kịp thời với diễn biến giá thị trường; đồng thời tránh tình trạng lạm quyền và độc quyền.

Hiện Bộ Công Thương đang gấp rút chỉnh sửa Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84 về kinh doanh xăng dầu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng này./.

Việt Hà

Nguồn: VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast