Nâng tầm chợ “quê”

(Baohatinh.vn) - Từ khi được chuyển đổi mô hình quản lý, Trung tâm Thương mại Chợ Hội (Cẩm Xuyên) được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại, từng bước trở thành chợ đầu mối của cả tỉnh.

Nâng tầm chợ “quê” ảnh 1

Trung tâm Thương mại chợ Hội chuẩn bị nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ tết cổ truyền của người dân

Những ngày áp tết, đường dẫn vào đình chính của Trung tâm Thương mại Chợ Hội đông như trẩy hội. Các ki-ốt hàng điện tử, đồ gia dụng san sát sặc sỡ màu sắc từ các loại bóng nháy, câu đối đỏ. Chợ Hội đang vào “cao điểm” của đợt mua sắm phục vụ tết.

Tấp nập người mua sắm, vận chuyển hàng hóa nhưng chợ vẫn thoáng đãng, sạch sẽ nhờ được bố trí khoa học. Ngay cạnh khu vực bán lẻ, khu vực bán buôn tạo ấn tượng mạnh với người tiêu dùng qua khẩu hiệu, thể hiện quyết tâm của nhà quản lý: “Dùng hàng Việt là yêu nước, dùng hàng Hà Tĩnh là yêu quê hương”. Nói về vấn đề này lại nhớ đến những chia sẻ đầy tâm huyết của Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển công thương Miền Trung - Phạm Anh Tuấn khi ông muốn đưa chợ Hội trở thành một trong những trung tâm giao thương hàng hóa lớn nhất tỉnh. Từ đó, tạo thành dòng chảy lưu thông hàng hóa hai chiều, nơi bao tiêu sản phẩm của địa phương và là đầu mối lấy hàng tận gốc, có xuất xứ về trên địa bàn Hà Tĩnh. Đồng thời, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Thế nhưng, vấn đề này lại không hề đơn giản với “người mở đường” như ông.

Tổng Giám đốc Phạm Anh Tuấn cho biết: “Lâu nay, mô hình kinh doanh của tiểu thương chủ yếu là qua các mối trung gian. Không chỉ giá cả “đội lên” mà quan trọng là phần lớn hàng không rõ xuất xứ, không hóa đơn, tạo cơ hội để gian lận thương mại và gây hậu quả cho người tiêu dùng. Điều đó đã làm nên động lực để chúng tôi xây dựng khu bán buôn, nhằm đưa nguồn hàng chất lượng đi thẳng từ nhà máy đến người tiêu dùng. Những nỗ lực đã mang lại kết quả khi công ty được kết nạp vào “Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam”, mở ra cơ hội để thương hiệu Hà Tĩnh tiếp cận với môi trường rộng lớn. Và, sự thành công mang tính bước ngoặt chính là công ty đã kết nối với hơn 100 doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Phước tại hội nghị kết nối cung cầu năm 2014.

Hiện nay, Trung tâm Thương mại Chợ Hội có trên 70% mặt hàng sản xuất trong nước, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Một mặt, công ty bán buôn, bán lẻ một số sản phẩm chủ lực của tỉnh ra thị trường trong và ngoài nước; mặt khác, là đối tác quan trọng của các thương hiệu nổi tiếng như: chăn - ga - gối - nệm EverHome, Vina giày, gốm sứ Bát Tràng…

Buổi trưa thường là thời điểm đông khách nhất của gian hàng bán buôn. Nhất là vào những ngày, doanh thu của cửa hàng đã đạt hàng trăm triệu đồng mỗi ngày. Chị Lê Thị Hằng Nga - Cửa hàng trưởng cho biết: “Hàng hóa rất đa dạng và phong phú, từ may mặc, gian hàng Thái Lan, gốm sứ đồ gỗ… Từ loại thường đến loại cao cấp, tất cả đều có hóa đơn, chứng từ trước khi xuất kho. Về giá, chúng tôi cam kết bán đúng với giá nhà sản xuất đưa ra.

Đặc biệt, để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, gian hàng này chỉ phục vụ những khách hàng là nhà bán lẻ, có thẻ thành viên. Hiện nay, ngoài các tư thương ở chợ Hội thì một số tư thương ở các chợ lẻ trên địa bàn Cẩm Xuyên, Kỳ Anh cũng đã tìm đến”. Để kích cầu mua sắm, khu mua sắm này có nhiều hình thức khuyến mãi như tặng thẻ Vip, giảm chiết khấu phần trăm cho khách hàng thường xuyên...

Bà Nguyễn Thị Minh, tiểu thương kinh doanh hàng quần áo đã 20 năm ở chợ Hội không ngờ có ngày được buôn bán trong điều kiện tốt như hiện nay. Bà chia sẻ: “Ngày trước chật chội, xập xệ, bây giờ được đầu tư hiện đại, nên từ gian hàng đến lối đi lại thoáng đãng, tạo điều kiện để tiểu thương kinh doanh thuận lợi. Công ty còn lập hệ thống bán buôn, chỉ cần tranh thủ buổi trưa vắng khách là tiểu thương có thể đi nhập hàng chỉ cách vài bước chân, không phải lặn lội ra tận Vinh, Hà Nội”.

Xã hội hóa đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý chợ nông thôn là hướng đi tất yếu, tạo điều kiện để phát triển các thành phần kinh tế và cơ sở hạ tầng chợ nông thôn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast