Kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Song song với mục tiêu tiếp tục phát triển sản phẩm mới, Hà Tĩnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ các chủ thể OCOP thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường.

Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, sau gần 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Tĩnh đã có 249 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao và 3 sao. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Tham gia hội thảo trao đổi tăng cường mối quan hệ về thương mại, đầu tư tại Thái Lan vào tháng 8 vừa qua, 9 doanh nghiệp của Hà Tĩnh đã ký kết hợp tác xuất khẩu với 10 doanh nghiệp của nước bạn.

Trong đó, việc đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội nghị, triển lãm trong tỉnh, trong nước và quốc tế được xem là “mũi chiến lược” được các đơn vị liên quan như: Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cùng các tổ chức, đoàn thể tích cực tổ chức, khâu nối.

Theo đó, các đơn vị liên quan đã tổ chức, kết nối triển khai các hoạt động như: hội chợ sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực tỉnh Hà Tĩnh hằng năm, phiên chợ đêm cuối tuần, phiên chợ sản phẩm OCOP, phiên chợ OCOP trực tiếp trên sóng truyền hình tỉnh…

Kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Phiên chợ đêm gắn với tuyến phố đi bộ ở TP Hà Tĩnh tổ chức đầu tháng 9/2022 đã thu hút hàng nghìn người đến trải nghiệm.

Ngoài ra, các sản phẩm OCOP còn được tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ và các sự kiện lớn như: hội chợ OCOP toàn quốc, hội chợ đặc sản vùng miền, hội nghị kết nối các nhà cung cấp, hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu.

Đặc biệt, qua các chương trình xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có thêm kênh để đưa sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh vào phân phối trong hệ thống siêu thị như: Big C, Winmart, Coo.pmart…

Kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

HTX Chế biến hải sản Phú Sáng (Cẩm Xuyên) tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mang lại kết quả cao. HTX hiện đang mở rộng nhà xưởng để tiếp tục đầu tư sản xuất.

Dù mới tham gia OCOP năm 2021 với sản phẩm nước mắm đạt hạng 3 sao nhưng đến nay, sự phát triển của HTX Chế biến hải sản Phú Sáng (Cẩm Xuyên) rất đáng kể. Từ chỗ sản xuất theo kiểu truyền thống, nhỏ lẻ, mỗi đợt chỉ sản xuất xấp xỉ 5.000 lít và bán “thô” theo can, chai thì đến nay, cơ sở này đã áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, bao bì nhãn mác đẹp mắt, mỗi đợt lên đến 72.000 lít.

Xem việc tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm là cơ hội để quảng bá sản phẩm, HTX Chế biến hải sản Phú Sáng đã rất tích cực tận dụng. Chị Nguyễn Thị Sáng - Giám đốc HTX cho hay: “Chúng tôi thường xuyên được Sở Công thương cùng các đơn vị liên quan tạo cơ hội để tham gia xúc tiến thương mại ở các “sân chơi” trong và ngoài tỉnh. Đây là cơ hội rất lớn để chúng tôi quảng bá, tiêu thụ sản phẩm”.

Kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Nhân viên Cơ sở sản xuất cu đơ Phong Nga (Thạch Hà) đóng hàng để gửi đi ngoại tỉnh.

Hiện nay, thương mại điện tử đã trở thành một kênh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả. Các sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh cũng đang tiếp cận và khẳng định “lên sàn” là nhiệm vụ hàng đầu để mở rộng thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP của tỉnh đã mạnh dạn đầu tư chi phí để lập fanpage, website, chạy quảng cáo trên các mạng xã hội, thuê đơn vị quảng cáo, làm hình ảnh…

Ông Nguyễn Văn Phong - chủ cơ sở sản xuất cu đơ Phong Nga (Thạch Hà) cho biết: "Hiện nay, ngoài phương thức bán hàng truyền thống thì bán hàng qua các kênh thương mại điện tử chiếm hơn 50% thị phần của chúng tôi. Việc nhận đơn đặt hàng qua zalo, facebook, gian hàng trên sàn đã ngày càng trở thành công việc thường xuyên của cơ sở. Cho nên, ngoài đầu tư nhân lực sản xuất trực tiếp, cơ sở cũng đang tập trung đầu tư nhân lực phụ trách về mảng này.

Kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Giao diện sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh hatiplaza.com đã hoàn thiện 374 gian hàng OCOP.

Bên cạnh sự đầu tư của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hoạt động này cũng được Hà Tĩnh chú trọng triển khai các giải pháp phát triển kênh tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử. Đến nay, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh hatiplaza.com đã hoàn thiện 374 gian hàng OCOP; gian hàng OCOP của tỉnh đã có mặt trên 10 sàn giao dịch thương mại điện tử các tỉnh trong cả nước (Huế, Yên Bái, Hà Nam, Phú Yên, Cần Thơ, Gia Lai, Thái Bình, Quảng Trị...); phối hợp Bộ Công thương và các sàn thương mại điện tử lớn triển khai mô hình “Gian hàng Việt trực tuyến” đối với sản phẩm cam Hà Tĩnh và bưởi Phúc Trạch; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng tải, vận hành gian hàng lên các sàn: Sendo, Voso, Postmart, shopee…

Kết nối thị trường tiêu thụ cho sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Trung tâm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP và hàng hóa sản xuất trong tỉnh Hà Tĩnh Ced Central có đa dạng sản phẩm OCOP của tỉnh

Đặc biệt, với mong muốn bảo đảm sản phẩm OCOP được tiêu thụ ổn định, tỉnh cũng đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ cho người dân qua việc thành lập các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Trung tâm trưng bày, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP và hàng hóa sản xuất trong tỉnh Hà Tĩnh Ced Central (TP Hà Tĩnh) hiện nay là điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP lớn nhất tỉnh. Anh Trần Quốc Huy - đại diện Công ty CP Ced Central cho biết: “Trung tâm đi vào hoạt động cuối năm 2019, được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê mặt bằng 2 năm đầu. Đến nay, trong số các sản phẩm bày bán tại trung tâm có 70 - 80% là sản phẩm OCOP của Hà Tĩnh với các mặt hàng chủ lực như: nước mắm, gạo, rượu nhung hươu, miến... Việc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được chúng tôi thực hiện nghiêm túc để có những sản phẩm chất lượng nhất đến với khách hàng”.

Theo đánh giá, các thành phần kinh tế đã tham gia đầu tư vào hệ thống cửa hàng OCOP, cơ sở vật chất từng bước được đầu tư khang trang, hiện đại; số lượng, chủng loại hàng hóa phục vụ tại các cửa hàng ngày càng phong phú; sản phẩm được bày bán chủ yếu là được sản xuất trong tỉnh, sản phẩm OCOP của tỉnh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nên từng bước đã trở thành địa chỉ tin cậy cho khách hàng.

Trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, cần tập trung thực hiện một số giải pháp như: ưu tiên nguồn lực cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các thị trường trọng điểm trong nước và xuất khẩu; tiếp tục đa dạng hóa các kênh xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử; đề xuất Bộ Công thương triển khai các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cấp vùng; tiếp tục tổ chức các sự kiện để quảng bá và kích cầu người tiêu dùng trong tỉnh như: phiên chợ đêm cuối tuần, lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp của tỉnh…

Và điều quan trọng hơn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tập trung phát triển sản xuất hàng hóa, đáp ứng sản lượng, nâng cao chất lượng, tính đồng đều, ổn định khi cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tập trung thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý sản phẩm OCOP; tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm sau khi được đánh giá, xếp hạng…

Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast