Ngô, khoai xuống... phố!

(Baohatinh.vn) - Những cơn gió đầu mùa mang theo hương thơm “điếc mũi” từ ngô, khoai nướng. Đã thành thông lệ, độ này, những sạp ngô, khoai nướng được dịp “ăn nên làm ra”, vừa cho thu nhập khá, vừa tạo nên nét văn hóa ẩm thực... “dễ gần”. Tuy nhiên, những quầy khoai nướng vỉa hè cũng tạo nên không ít mối lo khi ngày càng nở rộ như hiện nay.

“Một vốn… nhiều lời”

Trời nhá nhem tối, đi dọc các tuyến đường Xuân Diệu, Nguyễn Công Trứ, Trần Phú,… người đi đường thường được mời gọi bởi hương thơm hấp dẫn của từng củ khoai căng tròn, từng bắp ngô vàng ươm. Đồ nghề không quá cầu kỳ, chỉ cần một lò nướng tự chế, ít chiếc ghế con con, dăm chiếc bàn nhựa là đã có thể thành một quầy hàng đông nghịt khách. Vốn đầu tư không lớn, lại không quá nặng nhọc nên nghề nướng ngô, khoai nhanh chóng trở thành “cần câu cơm” của nhiều người dân có thu nhập thấp.

Từng có 5 năm “trong nghề”, quầy khoai nướng của bà Đường (61 tuổi, ở TP Hà Tĩnh) trên đường Trần Phú là chỗ đến lý tưởng của các bạn trẻ. Ngô ngọt và thơm, khoai bùi và nóng hổi, bà bán hàng vui tính, dễ gần đã tạo nên “thương hiệu” khoai nướng bà Đường. Đang bận rộn lật trở từng củ khoai trên bếp than hồng rực nhưng bà vẫn nhiệt tình chia sẻ: “Mùa nào thức nấy. Ngày hè nóng bức thì bán nước chè, hoa quả, ngày đông lại có thêm ngô, khoai nướng để đáp ứng nhu cầu của khách nên địa điểm này gắn bó với bà cũng lâu lắm rồi. Ngày đông khách thì cả vốn và lãi trên 1 triệu đồng, ngày ít cũng được 300-400 nghìn”.

Ngô, khoai xuống... phố! ảnh 1

Bên cạnh “mặt được”, những quầy ngô, khoai vỉa hè cũng đặt ra mối lo về an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo ATGT.

Cùng một món khoai, ngô nướng nhưng mỗi nơi có mỗi kiểu chế biến khác nhau. Có nơi luộc qua rồi mới nướng, có nơi lại nướng trực tiếp; nơi quét thêm lớp gia vị vàng ươm, mằn mặn, cay xé lưỡi, nơi lại để nguyên để thực khách nếm trọn vị…

Được biết, các sạp nướng thường lấy khoai, ngô theo xe từ Đà Lạt chuyển về nên cũng mua được giá khá sát. Trung bình ngô giá 5-6 nghìn đồng/bắp, khoai lang 25-27 nghìn đồng/kg, tuy nhiên, khi hiếm hàng thì cũng phải đội lên vài giá. Ngoài ra, để có thêm thu nhập, các quầy hàng này còn kinh doanh kèm mía hấp, xúc xích nướng, nước uống các loại… Điều này cũng giúp họ thu về khoản lãi không nhỏ. “Quầy của bà mỗi ngày bán được 50-70 củ với giá 10.000 đồng/củ, bán kèm mấy thức uống khác cũng thu về số lãi khá. Chẳng thế mà, không biết từ lúc nào, tưởng nghề vừa làm, vừa chơi, hóa ra lại thành nghề chính của cả nhà” - bà Đường hào hứng chia sẻ.

Lắm nỗi lo

Với sự dân dã, ấm cúng và tiện lợi, loại ẩm thực đường phố này đang chiếm được cảm tình của đông đảo thực khách, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, cũng chính vì sự đơn giản đến xuề xòa nên đặt ra không ít mối lo về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Những củ khoai chưa kịp nướng bị vứt lăn lóc dưới nền đường; người bán vô tư dùng tay trần gọt vỏ rồi cũng bàn tay ấy đếm tiền, trả tiền thừa cho khách. Trong khi đó, khách hàng lại vô tư ăn uống mà không quan tâm đến bụi đường, khói xe. Đó là chưa kể nguồn gốc xuất xứ, chất lượng của nguyên liệu có đảm bảo sức khỏe của người dùng…

Hơn nữa, do tận dụng vỉa hè làm chỗ kinh doanh nên còn gây ra tình trạng lấn chiếm hành lang giao thông. Một người dân đi thể dục quanh đường Xô Viết Nghệ Tĩnh nửa đùa, nửa thật: “Mùa hè cũng như mùa đông, bắt đầu từ xẩm tối là người bán dọn bàn ghế ra vỉa hè. Ít thì không nói nhưng càng ngày, người bán càng nhiều, làm những người đi bộ cũng rất vất vả để… tránh vỉa hè”.

Điều đáng nói, những chỗ tập trung nhiều quán vỉa hè lại nằm ở điểm dễ thấy, thu hút nhiều người tham gia giao thông như ngã tư, ngã năm, giao đường quốc lộ… Trong khi đó, khách đông, ý thức dừng, đỗ xe lại chưa cao nên xe “tập kết” tràn ra cả lòng đường.

Người bán hàng không nên quá lạm dụng, lấn chiếm vỉa hè, dọn dẹp để đảm bảo môi trường đô thị, đặc biệt là coi trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn các thực khách lại nên cẩn trọng hơn trong việc dừng, đỗ xe để đảm bảo ATGT. Trộm nghĩ, nên chăng, cần bố trí, sắp xếp lại và có giải pháp tổ chức phố ẩm thực vỉa hè một cách trật tự, khoa học.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast