Người Việt chi 157.000 tỷ đồng/năm mua điện tử, điện lạnh

Dự kiến từ nay đến năm 2020, mức chi tiêu dành cho sản phẩm điện tử, điện lạnh tại Việt Nam ước tính khoảng 157.000 tỷ đồng/năm.

Dân số trẻ kéo thị trường điện tử, điện lạnh tăng mạnh. Ảnh: internet

Dân số trẻ kéo thị trường điện tử, điện lạnh tăng mạnh. Ảnh: internet

Trong đó, nhóm sản phẩm điện tử chiếm khoảng 60.000 tỷ đồng và các nhóm thiết bị điện lạnh gia đình chiếm khoảng 97.000 tỷ đồng.

Đây là kết quả nghiên cứu thị trường do Công ty TNHH Nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ GFK Việt Nam vừa công bố.

Ông Huỳnh Phước Cường, Giám đốc Khối bán lẻ GFK Việt Nam cho biết, kết quả nghiên cứu này dựa trên thông tin của Tổng cục Thống kê Việt Nam và Ngân hàng Thế giới.

Qua kết quả cho thấy, sự cải thiện trong thu nhập bình quân đầu người đang tác động đáng kể đến tổng mức chi tiêu trên hộ gia đình, đặc biệt là với các thiết bị điện, điện tử gia dụng phục vụ gia đình. Tỷ lệ dân số trẻ Việt Nam hiện khoảng 60%, và nhu cầu sử dụng sản phẩm điện tử của các hộ gia đình gia tăng do mức sống ngày càng được cải thiện.

Thu nhập bình quân đầu người tính tại thời điểm hiện tại đã đạt mức hơn 2.109 USD/người/năm, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm còn 2,31%, tốc độ tăng lạm phát - chỉ số giá tiêu dùng còn ở mức 0,63% và tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,68% trong năm 2016.

GFK dự đoán mức tổng chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam sẽ tăng lên khoảng 3.737 USD/hộ gia đình/năm vào khoảng năm 2020.

Cũng theo ông Cường, khi Việt Nam đã chính thức là thành viên của TPP, các hiệp định FTA với EU và Hàn Quốc, cùng với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN…, thuế suất sẽ giảm dần về 0% cho hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ những nước cùng là thành viên FTA với Việt Nam.

Khi đó, sản phẩm điện tử, điện lạnh ngoại nhập có chất lượng cao và giá thành cạnh tranh sẽ ngày càng đổ bộ mạnh mẽ vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh thì trấn an, việc Việt Nam gia nhập hàng loạt FTA đặt doanh nghiệp Việt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt, tuy nhiên các doanh nghiệp lớn không thể nào chiếm lĩnh hết thị phần, vẫn có chỗ đứng dành cho doanh nghiệp nhỏ, tùy vào năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp.

Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu, do đó thay vì kêu ca, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thích nghi và tìm ra chiến lược phù hợp cho mình để phát triển.

Ông Đào Tiến Dương, Phó tổng giám đốc AMD Group cũng nhìn nhận, thị trường điện tử, điện lạnh Việt Nam tưởng như đã bão hòa, nhưng thực ra còn rất nhiều khoảng trống cho các thương hiệu mới nhảy vào.

Ngay như thương hiệu điều hòa Saijo Denki của Thái Lan đã bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam từ mùa hè năm 2016 này.

Sử dụng hệ thống phân phối là cách đưa sản phẩm vào thị trường nhanh nhất. Đó cũng là một lý do khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã thâu tóm những hệ thống phân phối đã có thương hiệu và uy tín trên thị trường Việt Nam.

Biểu lộ rõ nhất là việc tỷ phú Thái Lan đã mua hệ thống siêu thị Big C và Metro tại Việt Nam và những hàng hóa của Thái Lan như Saijo Denki sẽ có được lợi thế trên thị trường Việt Nam dù vào muộn.

Theo VnEconomy

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast