Những "cây xăng di động" trên biển: Nguy cơ cháy nổ, tiếp tay dầu lậu!

(Baohatinh.vn) - Cảng cá Cửa Sót (Thạch Kim - Lộc Hà) hiện có khoảng 200-250 tàu thuyền thường xuyên hoạt động, với lượng dầu tiêu thụ hàng ngày khá lớn. Tuy nhiên, ngoại trừ một điểm bán xăng dầu của Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh, còn lại các tàu thuyền khác đều buôn bán nhộn nhạo, không đảm bảo an toàn cháy nổ, tiêu chuẩn đo lường và có nguy cơ tiếp tay cho các đối tượng buôn bán dầu lậu.

Những "cây xăng di động" trên biển: Nguy cơ cháy nổ, tiếp tay dầu lậu! ảnh 1

Không ai biết được mức độ chính xác của các cột bơm trên tàu dầu không phép này!

Theo thông tin chúng tôi có được, tại cảng Cửa Sót hiện có 8 tàu thuyền hoạt động buôn bán dầu, trong đó, 3 tàu buôn bán lớn có cột bơm, tẹc lớn với dung tích mỗi tẹc khoảng 7.000-10.000 lít. Tẹc được thiết kế chìm hẳn dưới khoang tàu; cột bơm được dựng giữa thân tàu, giống như các cây xăng dầu nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn trước đây. Ba tàu lớn này của các ông: Nguyễn Văn Dũng, Dư Xuân Bình (trú ở Thạch Kim), Đặng Ngọc Sơn (trú ở Thạch Bằng). Số tàu còn lại thuộc dạng “buôn thúng, bán mẹt” bằng cách đựng dầu trong thùng phuy, thậm chí, trong can nhựa và bán lẻ cho các tàu. Không có con số thống kê chính xác, nhưng mỗi tháng, có hàng nghìn lít dầu được bán cho các tàu cá vào ra tại đây.

Ông Phùng Văn Diệu - Cửa hàng trưởng Cửa hàng Xăng dầu Thạch Kim cho biết: “Hiện có nhiều tàu bán dầu trên cảng nên thị phần của đơn vị giảm mạnh. Trước đây, trung bình mỗi tháng bán được 7.000 lít, nhưng nay chỉ khoảng 4.000 lít, có tháng chỉ được 3.000 lít. Có thông tin thêm 4 chủ tàu đang đóng tàu mới để đặt tẹc, lắp cột bơm kinh doanh dầu. Trước đây, các tàu nhỏ lẻ mua dầu của chúng tôi rồi bán cho tàu cá, nhưng nay, họ làm tẹc lớn, lắp cột bơm thì họ lấy dầu chỗ khác”.

Những "cây xăng di động" trên biển: Nguy cơ cháy nổ, tiếp tay dầu lậu! ảnh 2

Những tàu dầu này hoạt động không có giấy phép, không hóa đơn, chứng từ

Một chủ tàu cá tại cảng Cửa Sót cho biết: “Tôi lấy hàng quen mối lâu rồi nên không bỏ mối được, nhưng cũng nghi ngờ về chất lượng, khối lượng dầu của các tàu này. Bởi lẽ, họ hoạt động không có giấy phép, không hóa đơn, chứng từ; cột bơm cũng không biết có được kiểm định, có chính xác hay không? Đặc biệt, chúng tôi nghi ngờ họ lấy dầu trôi nổi vì thấy xe nhập hàng cho các tàu thường vào đêm khuya hoặc 1-2h sáng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc các tàu dầu hoạt động không có phép, không đăng ký kinh doanh, mất an toàn cháy nổ, không đảm bảo tiêu chuẩn đo lường… các lực lượng chức năng trên địa bàn đều biết, nhưng cũng chưa vào cuộc xử lý. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Đình Chiến - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót cho biết: “Do quá nhiều việc, vả lại, thấy họ buôn bán nhỏ lẻ nên cũng chưa làm. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp này”.

Những "cây xăng di động" trên biển: Nguy cơ cháy nổ, tiếp tay dầu lậu! ảnh 3

Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ từ những "cây xăng" di động thế này

Ông Nguyễn Đình Khoa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt nhưng cũng gặp nhiều khó khăn bởi tàu hoạt động trên biển, trong khi lực lượng quản lý thị trường không có phương tiện nên rất khó kiểm tra, xử lý. Mới đây, vất vả lắm chúng tôi mới xử phạt được tàu của ông Đặng Ngọc Sơn với số tiền 20 triệu đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiểm tra, siết chặt tình trạng này”.

Một thực tế khó khăn là, hiện nay chưa có quy chuẩn nào để áp dụng cấp phép cho hoạt động kinh doanh xăng dầu trên biển, vì thế, Sở Công thương cũng chưa thể cấp phép cho các tàu dầu hoạt động. Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Hiện nay, có 3 tàu ở cảng Cửa Sót nộp hồ sơ xin cấp phép nhưng chưa cấp được. Sở Công thương đang làm thủ tục bổ sung quy hoạch 3 điểm buôn bán xăng dầu tại cảng Cửa Sót. Và, có thể phải đến năm 2016, bộ quy chuẩn về điều kiện cấp kinh doanh xăng dầu trên biển mới ra đời, lúc đó mới có thể cấp phép hoạt động cho các tàu này”.

Trong khi Nhà nước chưa ban hành quy định cấp phép, các ngành chức năng cần siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên biển, nhằm đảm bảo an toàn cháy nổ, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt là tránh nguy cơ các tàu dầu này tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast