Nước mắm Long Trì

(Baohatinh.vn) - Sinh ra trên miền cát mặn mòi gió biển, một thời tôi đã từng theo cha lênh đênh trên chiếc thuyền nan ra khơi, vào lộng kiếm kế sinh nhai. Mùa biển lặng, kiếm được mớ tôm, mớ cá, mẹ tôi không bán mà đem ủ thạp làm nước mắm để dành kho nấu thức ăn trong những ngày biển động. Nước mắm Long Trì dần trở thành thương hiệu rất gần gũi với người tiêu dùng miền Trung.

Ngày đó, quê tôi sao mà nghèo thế? Cả cái làng Long Trì (nay là thôn Phú Long - xã Kỳ Phú - Kỳ Anh) đất chật, người đông, ruộng đồng khô cằn, mùa hạ nắng cháy sém lưng, mùa mưa sũng cát. Đông về, ngoài khơi biển động, trong lộng ầm ào sóng dữ gào thét thâu đêm. Tiết trời mùa đông buốt rét thấu da, đến cành cây, ngọn cỏ cũng phải co quắp trong giá lạnh. Cư dân vùng biển quê tôi quanh năm tần tảo, hai mùa mưa nắng cũng chỉ biết nhờ vào mớ tép, con tôm. Bữa cơm đạm bạc thường ngày của gia đình tôi cũng như bao gia đình khác trong làng chỉ có khoai hấp chan với nước mắm tự làm.

Nước mắm Long Trì ảnh 1
Nước mắm Long Trì làm bằng thủ công cho hương vị rát thơm ngon

Nước mắm của người Long Trì chủ yếu được làm từ các loại cá: trích lầm, cơm, nục, ve, dò, lẹp hoặc tép, tôm... Nước mắm làm bằng cá hoặc tép rất thơm ngon, có hàm lượng đạm cao. Hồi bé, tôi rất thích ăn cơm chan với nước mắm suông, có vị béo ngòn ngọt và mùi thơm thoang thoảng hương vị mặn mòi của biển.

Nhớ lại thời còn nhỏ, cứ đến bữa, mẹ tôi bê cái nồi cơm hấp khoai ra xới xáo cho đều rồi chia cho mỗi đứa một bát, xong cả mấy anh em chan mỗi đứa một thìa nước mắm cá ở ngoài thạp. Ngon đáo để. Vị ngọt đậm đà của nước mắm làng Long Trì thoang thoảng cái mặn mòi của biển cả mà không nơi nào có được cứ theo mãi suốt cuộc đời tôi.

Long Trì quê tôi xưa cõi còm dáng mẹ, lối đi về bờ cát lặn bàn chân. Suốt cuộc đời cha vặn lưng cong vắt theo mái chèo, lênh đênh trên biển cả. Bên bờ chân sóng bạc, vai mẹ gầy mặn chát mồ hôi. Tôi lớn lên trong tảo tần khuya sớm của mẹ, trong mưu sinh mặn mòi muối biển của cha. Từ ngàn xưa, sóng dữ, mưa giông và những cung bậc thanh âm êm đềm của gió biển được se kết thành duyên nợ cuộc đời, làm nên cốt cách văn hóa truyền thống của đất và người Long Trì.

Ngày xưa, ở làng Long Trì có lễ cầu ngư gắn với hội thi chèo bơi vui lắm, nhân văn lắm. Lễ hội thường được tổ chức vào dịp đầu xuân năm mới nhằm cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, trời êm biển lặng, cầu cho những chuyến ra khơi gặp nhiều may mắn. Đó cũng lời cầu nguyện đầu năm để người dân Long Trì đánh bắt được thật nhiều cá tôm, làm được thật nhiều nước mắm cá tươi ngon.

Mẹ tôi kể, ngày xưa, vào dịp tháng ba trở đi, trời yên, biển lặng, từ ngoài khơi, từng đàn cá, tép tôm dày đặc kết thành từng mảng lăn theo con sóng dạt vào vùng lộng, có nơi sát gần bờ với trữ lượng rất lớn. Già trẻ, gái, trai đều đánh bắt được cá, tép. Đàn ông, trai trẻ của làng thì đi thuyền dã cào để bắt tép vùng lộng, còn bà già, phụ nữ, trẻ em thì dùng vợt bắt tép trong bờ (cư dân làng Long Trì còn gọi là mùa ruốc). Cái thứ tép ruốc, cá cơm, cá ve hay cá lẹp mà đem ủ thạp làm nước mắm thì tuyệt vời. Cái thứ nước mắm được làm ra từ cá tôm nước mặn có màu vàng trong, sánh đặc tựa như mật ong, thơm ngon tuyệt đỉnh.

Ở Hà Tĩnh, các làng vùng ven biển nhà nào cũng làm nước mắm thủ công. Mẹ tôi là con dâu của làng Long Trì nhưng bà rất sành món làm nước mắm tép. Theo mẹ tôi, nguyên liệu làm nước mắm là cá, tép vừa đánh bắt ở biển lên đang tươi rói, đem trộn với một ít muối rồi ủ ngay vào thạp gỗ hoặc vại sành. Cách ủ cứ lớp cá, lớp muối và lớp thính (bột gạo rang cháy vừa đủ thơm). Khi cá đầy thạp, dùng tấm vải màn sạch buộc vây kín và dùng túp nón hoặc nắp đậy lại, khi trời nắng thì mở ra phơi. Dưới ánh sáng và năng lượng mặt trời, trong thời gian khoảng vài ba tháng, cá sẽ được ủ chín và tiết ra nước mắm màu vàng có vị mặn thơm ngon, có thể đem dùng làm thức ăn ngay.

Đi qua những thăng trầm, nghề làm nước mắm Long Trì cũng dần mai một do thanh niên trai làng nơi đây lớn lên không có vốn làm ăn, phải đi biển thuê cho các chủ thuyền lớn trong Nam, ngoài Bắc, số thì đi làm thuyền viên đánh bắt xa bờ cho tàu thuyền nước ngoài. Phụ nữ làng Long Trì an phận thủ thường với thiên chức làm mẹ, nuôi con, trông coi nhà cửa để chồng đi làm ăn phục vụ cuộc sống gia đình. Nhiều người dân Long Trì đã từ bỏ nghề chế biến nước mắm truyền thống. Phần nữa, ngày nay, nước mắm công nghiệp đang chiếm lĩnh thị trường nên nước mắm thủ công dần bị mai một. Tuy nhiên, một số gia đình vẫn còn duy trì nghề làm nước mắm truyền thống.

Tháng tư, tiết trời đêm trở nên thanh tao vời vợi, chi chít những vì sao lấp lánh trên tầng cao như một tín hiệu vui cho ngư dân Long Trì bám biển ra khơi, một mùa bội thu đầy ắp tôm cá. Thạp nước mắm bà tôi muối năm nào vẫn còn nguyên vị trí cuối góc sân nhà thoang thoảng mùi thơm ngọt ngào, mặn nồng hương vị biển lan tỏa vào không gian, xen lẫn tiếng sóng vỗ về nơi bờ cát nghe rạo rực. Những cung bậc thanh âm của vùng quê biển Long Trì chất chứa kỷ niệm tuổi thơ tôi...

Chủ đề Đánh bắt - Nuôi trồng thủy hải sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast