Phát triển kinh tế tập thể (Bài 1): “Không bột sao gột nên hồ?!”

(Baohatinh.vn) - Hoạt động kém hiệu quả là thực trạng đang diễn ra đối với nhiều HTX hiện nay. Câu hỏi đặt ra là vì sao những HTX yếu kém có tính hệ thống, thậm chí ngừng hoạt động nhưng vẫn chưa được “khai tử”...

“Vỏ” không “ruột”

Được thành lập cách đây hơn 10 năm, nhưng suốt quá trình hoạt động, HTX Nông nghiệp Bồng Giang (Đức Giang - Vũ Quang) không hề tạo được dấu ấn. Đơn vị đăng ký hoạt động cung cấp vật tư và các dịch vụ nông nghiệp khác, song, trên thực tế, HTX chỉ đơn thuần dẫn nước tưới tiêu đồng ruộng. Doanh thu eo hẹp, chỉ trông chờ vào nguồn thủy lợi phí được phân bổ hàng năm và kinh phí ít ỏi mà nhân dân trả trong hợp đồng bảo vệ hoa màu; phương thức kinh doanh tẻ nhạt, không đúng ngành nghề đăng ký, chưa chủ động nắm bắt thông tin, đổi mới hoạt động theo nhu cầu thị trường nên “số phận” HTX Nông nghiệp Bồng Giang rất bấp bênh, lương xã viên cũng “bữa no, bữa đói”.

Phát triển kinh tế tập thể (Bài 1): “Không bột sao gột nên hồ?!” ảnh 1

Xã viên HTX Kinh doanh dịch vụ Thống Nhất Thạch Ngọc (Thạch Hà) chăm sóc bí xanh.

Nếu HTX Bồng Giang chưa xây dựng được phương án sản xuất cụ thể thì điểm yếu của HTX Sản xuất, kinh doanh rượu nếp truyền thống Đức Thanh III (Đức Thanh - Đức Thọ) lại rơi vào thế “bí” khi thiếu nguồn vốn trầm trọng. Giám đốc HTX Phan Đình Phú cho biết: “HTX gồm 15 xã viên nhưng chủ yếu là hộ khó khăn về kinh tế nên khi thành lập, mỗi người chỉ đóng góp 1 triệu đồng. Với nguồn vốn ít ỏi, HTX không đủ nguồn lực đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, vì thế, hoạt động theo lối thủ công, quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả thấp”.

HTX Hải Trọng (Xuân Mỹ - Nghi Xuân) được thành lập tháng 5/2013 với chức năng chính là chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, sau khi khai sinh chưa đây 1 năm, HTX này đã “chết yểu”. Theo Giám đốc HTX, nguyên nhân dẫn tới giải thể là thiếu nguồn hỗ trợ từ các cấp.

Theo thống kê của Liên minh HTX Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 62 HTX ngừng hoạt động và 53 HTX hoạt động cũng như không. Theo quy định, nếu HTX xin ngừng hoạt động thì sau 6 tháng hoặc 1 năm, phải có giải trình cụ thể; còn đối với HTX ngừng hoạt động lâu dài, không thực hiện đúng quy định pháp luật, phải có biện pháp xử lý hoặc giải thể. Thế nhưng, trên thực tế, sự việc không hề đơn giản. Bằng chứng là đã hàng chục năm “án binh bất động” song đến nay, các HTX này vẫn chưa tuyên bố “khai tử”.

HTX Hòa Bình (Thạch Ngọc - Thạch Hà) thành lập năm 2010 với 7 thành viên là những người tàn tật trong và ngoài xã, nuôi ý định trồng rau sạch cung cấp cho thị trường, song đã nhanh chóng khai tử sau thời gian ngắn khai sinh. Không chỉ HTX Hòa Bình, đó cũng là tình trạng chung của nhiều HTX trên địa bàn huyện Thạch Hà.

Nghi Xuân là địa phương có số lượng HTX ngừng hoạt động lớn nhất tỉnh. Theo phân tích của một số chuyên gia thì cơ chế thành lập khá thông thoáng là nguyên nhân khiến nhiều HTX đua nhau “mọc”, song lại không đủ sức đương đầu với thị trường. Cá biệt, xã Xuân Hội có đến 9 HTX thành lập xong rồi không hoạt động như: Đại Dương, Trường Giang, Triệu Xuân, Cường Thịnh…

Vì đâu nên nỗi?

Lý giải nguyên nhân yếu kém của các HTX, Chủ tịch Liên minh HTX Nguyễn Trọng Quế cho rằng: “Trước hết, do bản thân HTX chậm đổi mới, chậm khắc phục những khó khăn nội tại, nhất là đất sản xuất, vốn kinh doanh… Nhiều HTX chưa quan tâm đến phương án sản xuất, hoạt động còn mang tính hành chính, sự vụ đơn thuần. Thêm vào đó, quy mô sản xuất nhỏ; thiếu vốn; trang thiết bị, kỹ thuật lạc hậu; lao động có tay nghề không nhiều”.

Cũng theo ông Quế, đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành ở các HTX này đa phần năng lực yếu, thiếu tâm huyết, chưa biết tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, không biết hạch toán kinh doanh... cũng khiến các HTX “dẫm chân tại chỗ”.

Ông Nguyễn Trọng Hảo - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cũng nhấn mạnh: “Tư tưởng bảo thủ, hoài nghi với mô hình HTX kiểu cũ. Nhận thức về bản chất, giá trị của HTX kiểu mới chưa đầy đủ, thậm chí có lúc sai lệch. Việc thành lập mới, chuyển đổi HTX còn mang tính hình thức, hoạt động chưa đúng Luật HTX, chưa xử lý dứt điểm những tồn tại của HTX kiểu cũ… đã kìm hãm sự đi lên của HTX”.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn: Liên minh HTX tỉnh chưa phát huy hết vai trò “bà đỡ” của mình và các cấp, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, tạo điều kiện để các HTX phát triển.

Thực trạng các HTX ngừng hoạt động vẫn chưa được giải quyết dứt điểm cũng tồn tại nhiều vấn đề. Xã Sơn Kim 2 (Hương Sơn) có 3 HTX lâm nghiệp (Thượng Kim, Đoàn Kết, Trường Sơn) ngừng hoạt động đã hàng chục năm song “tên tuổi” vẫn tồn tại. Lý giải điều này, Phó Chủ tịch UBND xã Đào Quốc Quỳnh cho rằng: “Đây là các HTX phát triển, bảo vệ rừng, khi đi vào hoạt động do không đủ kinh phí trang trải nên một thời gian ngắn cũng giải tán. Thành lập không có quy chế rõ ràng, những lần triệu tập xã viên để giải quyết vụ việc nhưng không ai đứng ra chủ trì vì không còn thủ lĩnh và HTX còn vướng về vấn đề tiền nong…”.

“Trên thực tế, một số địa phương chỉ mới quan tâm đến lượng chứ chưa đi sâu vào chất của HTX. Theo đó, hàng năm, công tác phân loại chưa được đánh giá khách quan, thiếu tiêu chí cụ thể, công tác kiểm tra, báo cáo tài chính chưa được các huyện hướng dẫn thực hiện nghiêm túc. Phải chăng, do chạy đua với các tiêu chí nông thôn mới, khi quy định mỗi xã phải có từ 5 HTX, 3 tổ hợp tác… mà các địa phương đã bỏ ngỏ chất lượng? Thành lập đã khó, nên tâm lý ngại giải thể cũng là điều dễ hiểu” - Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho biết thêm.

Lãnh đạo UBND xã Thạch Ngọc cũng thừa nhận: “Để xảy ra tình trạng này, có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương khi chưa thực sự chú ý tới vấn đề này”. Chung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho rằng: “Công tác giải thể còn gặp khó khăn khi quy trình phức tạp và thẳng thắn mà nói cũng đã có giai đoạn huyện buông lỏng quản lý đối với các HTX”.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast