Quản lý hội chợ thương mại: Trách nhiệm thuộc về ai?

(Baohatinh.vn) - Trước những mặt trái của các hội chợ thời gian gần đây, không chỉ người tiêu dùng mà các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng đang dần “quay lưng” với sân chơi xúc tiến thương mại này. Đi tìm câu trả lời từ các cơ quan chức năng, phóng viên chỉ nhận được cái lắc đầu đùn đẩy trách nhiệm...

>> Hội chợ thương mại: “Nghiệp dư” đến bao giờ?!

Doanh nghiệp trong tỉnh đứng ngoài “sân chơi”

Tại hội chợ thương mại phát triển kinh tế vừa được tổ chức tại TP Hà Tĩnh, đơn vị tổ chức đã dành 30 gian hàng cho DN trong tỉnh, nhưng chỉ có 7 cơ sở sản xuất tham gia. Theo tìm hiểu, hầu hết các hội chợ, đơn vị tổ chức đều dành 1/3 gian hàng cho các DN trong tỉnh nhưng thực tế cho thấy, việc huy động DN địa phương tham gia còn rất hạn chế.

Phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương đánh giá: “Số lượng DN có gian hàng tham gia hội chợ chưa nhiều. Do đó, công tác quảng bá và giới thiệu nhãn hiệu, thương hiệu, công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chưa được như mong muốn”.

quan ly hoi cho thuong mai trach nhiem thuoc ve ai

Rất cần có thêm những "sân chơi" như Hội chợ quốc tế Hà Tĩnh năm 2013 (quy mô 500 gian hàng của trên 250 tổ chức, DN trong và ngoài nước) nhằm kích cầu thương mại, quảng bá hình ảnh cũng như ký kết các hợp đồng giữa các DN.

Là DN lớn trong tỉnh nhưng khi hỏi về việc tham gia các hội chợ, ông Nguyễn Viết Ngân - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lý Ngân Vina, Chủ tịch Hội DN thành phố Hà Tĩnh thừa nhận không được thông tin hay mời gọi tham dự các hội chợ. Ông Ngân bức xúc: Việc giao lưu hợp tác, ký kết làm ăn giữa các DN tham gia hội chợ thì không thấy mà chỉ thấy những cơ sở kinh doanh còi kẹp, bán mũ bò, nón lá, đá mài, bóng đèn… Vì thế, các DN trong tỉnh không mặn mà tham gia”.

Không muốn kéo dài tình trạng đứng ngoài “sân chơi”, ông Nguyễn Viết Ngân hy vọng tỉnh sẽ tổ chức các hội chợ thương mại với quy mô lớn, bài bản, thiết thực với SXKD. “Khi tổ chức hội chợ thì cần thông báo rộng rãi, quảng bá trên truyền thông để DN có kế hoạch cụ thể tham gia và thu hút người dân tham quan, mua sắm. Hội chợ cần liên kết với DN tỉnh bạn, thậm chí, với nước ngoài để mang các sản phẩm có thương hiệu, tầm cỡ, thiên về sáng tạo khoa học - kỹ thuật như máy móc phục vụ sản xuất, từ đó, quảng bá sản phẩm trong tỉnh, đồng thời, liên kết hợp tác giữa DN trong tỉnh với các tỉnh cũng như với DN nước ngoài” - ông Ngân bày tỏ.

Ông Hoàng Trung Thông - Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh nhấn mạnh: “Tổ chức hội chợ nhằm giúp các DN giới thiệu sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy SXKD. Tuy nhiên, DN lại không tiếp cận được nguồn ngân sách hỗ trợ tham gia hội chợ nên chưa mặn mà. Tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí để thu hút các DN trong tỉnh tham gia hội chợ”.

“Đá bóng” trách nhiệm

Trở lại với hội chợ thương mại vừa tổ chức tại TP Hà Tĩnh, khi được hỏi về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì phóng viên nhận được câu trả lời từ lãnh đạo Sở Công thương là sở chỉ cấp phép, việc tổ chức hội chợ do UBND thành phố Hà Tĩnh chủ trì.

Mang câu hỏi đến UBND thành phố thì phóng viên chỉ được cung cấp thông báo kết luận tổ chức hội chợ, còn các vấn đề liên quan, lãnh đạo thành phố cho đó là thuộc trách nhiệm của Sở Công thương vì sở cấp giấy phép. Thậm chí, hỏi lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, chúng tôi nhận được câu trả lời là “không nằm trong ban tổ chức hội chợ nên không biết”. Đó là chưa nói, với các sản phẩm hàng hóa bày bán trong hội chợ, nếu tiến hành kiểm tra tùy theo mặt hàng, phải liên quan đến rất nhiều ngành chuyên môn.

Để tổ chức một hội chợ cần có sự phối hợp của rất nhiều cơ quan liên quan. Theo đó, Sở Công thương cấp giấy phép. Hội chợ tổ chức ở địa phương nào thì chính quyền địa phương nơi đó sẽ đứng ra chủ trì, khâu nối các ngành chuyên môn như: thuế (thu thuế DN), quản lý thị trường (kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa), ATVSTP (kiểm tra chất lượng ATVSTP), KH&CN (liên quan đến sở hữu trí tuệ), y tế (kiểm nghiệm sản phẩm y dược), công an (kiểm soát an ninh trật tự)…

Ông Nguyễn Đình Khoa - Đội trưởng đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh thừa nhận: “Việc kiểm tra hàng hóa tại các hội chợ đang gặp những khó khăn vì số lượng mặt hàng nhiều, khi tiến hành kiểm tra, chúng tôi phải phối hợp với các đơn vị liên quan”.

Theo đó, việc kiểm tra thị trường cần sự phối hợp liên ngành. Đơn cử như với mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cần phải lấy mẫu test, đòi hỏi thời gian; hay như mặt hàng quần áo, đồ gia dụng, cơ quan chức năng không kiểm chứng được hóa đơn giá trị gia tăng nên việc kiểm tra niêm yết giá đã đúng hay chưa hầu như không thực hiện được... là một trong những khó khăn trong quá trình kiểm tra hàng hóa, chất lượng tại các hội chợ.

Hàng năm, trung ương và tỉnh đều dành một nguồn ngân sách không nhỏ để hỗ trợ công tác tổ chức hội chợ. Tuy nhiên, kết quả mang lại là những hội chợ “nghiệp dư”, các DN trong tỉnh thì đứng ngoài “sân chơi” còn người tiêu dùng là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi phải sử dụng hàng kém chất lượng. Đấy là chưa kể việc kê khai và nộp thuế của các DN tổ chức hội chợ vô cùng khiêm tốn.

Thậm chí, có những hội chợ sau khi kết thúc, DN không thực hiện nộp thuế như đã quy định. Đơn cử như năm 2013, ngoài Hội chợ quốc tế Hà Tĩnh đóng nộp ngân sách tỉnh 29,5 triệu đồng; còn lại, toàn tỉnh tổ chức 5 hội chợ cấp huyện, trong đó, chỉ có 3 hội chợ thực hiện đóng nộp ngân sách 30,2 triệu đồng. Còn hội chợ tại huyện Kỳ Anh và thị trấn Phố Châu (Hương Sơn), theo báo cáo của chi cục thuế huyện thì DN đã tổ chức thành công nhưng không kê khai, nộp thuế theo quy định.

Báo cáo của Sở Công thương năm nào cũng nêu kết quả tổ chức thành công bao nhiêu hội chợ nhưng thực tế cho thấy, các hội chợ được tổ chức trong thời gian qua vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập. Trong lúc cơ quan chức năng và địa phương đang “đá bóng” trách nhiệm lẫn nhau thì người tiêu dùng vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi quyền lợi không được bảo vệ. Rõ ràng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị cấp giấy phép cho các DN tổ chức hội chợ.

Đáng nói, hội chợ là chương trình xúc tiến thương mại, cầu nối cho DN giới thiệu, quảng bá sản phẩm nhưng việc kêu gọi, thu hút DN trong tỉnh tham gia lại không hiệu quả. Điều này cần sớm được chấn chỉnh để hội chợ thương mại mang đúng ý nghĩa của nó.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast