Quyết liệt lập lại trật tự thị trường

(Baohatinh.vn) - Có lẽ, chưa bao giờ công tác quản lý thị trường (QLTT) được quan tâm và tổ chức thực hiện quyết liệt như năm 2014. Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cùng những giải pháp mới của lực lượng chức năng đã từng bước đưa lại một thị trường hàng hóa ổn định, lành mạnh.

Siết chặt công tác quản lý

Theo ông Nguyễn Cự Dũng - Phó Giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT, năm 2014, toàn lực lượng “gồng mình” để lập lại trật tự thị trường, mặc dù điều kiện về nhân lực, phương tiện, kinh phí còn nhiều khó khăn so với yêu cầu công việc. Đơn vị thường xuyên duy trì chế độ trực và tổ chức kiểm tra, kiểm soát trên khắp địa bàn từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong năm, lực lượng QLTT đã kiểm tra, xử phạt 3.671 vụ vi phạm, tăng 180% với số tiền 5,238 tỷ đồng, tăng 108% so với năm 2013.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra hoạt động kinh doanh tại chợ Hội

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kiểm tra hoạt động kinh doanh tại chợ Hội

Điển hình là Đội QLTT số 1, trong năm đã kiểm tra, xử lý 620 vụ (tăng 200%); tiền xử phạt và giá trị hàng tịch thu lên đến 1,6 tỷ đồng (bằng 350% so với năm 2014). Đội trưởng Nguyễn Đình Khoa cho biết, bên cạnh tăng cường kiểm tra, xử phạt, đội đã vào cuộc xử lý một số vụ khá phức tạp: 2 hộ kinh doanh hàng đa cấp; 2 cửa hàng xăng dầu không giảm giá đúng quy định; một số hàng mỹ phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ…

Nét mới trong công tác QLTT năm nay phải kể đến việc siết chặt kiểm soát hộ kinh doanh. Trong năm 2013-2014, Chi cục QLTT đã xử phạt trên 1.600 trường hợp không có giấy đăng ký kinh doanh; đồng thời, tuyên truyền, vận động và đứng ra làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh cho từng hộ. Với cách làm này, đến nay, toàn tỉnh đã cấp được trên 20.000 giấy đăng ký kinh doanh. Điển hình, tại chợ huyện Kỳ Anh và Khu du lịch Thiên Cầm, tỷ lệ cấp đăng ký kinh doanh đạt gần 100%.

Ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, cho biết: “Nhận thức được vai trò của chính quyền địa phương trong công tác QLTT nên thời gian gần đây, chúng tôi đã nỗ lực giúp các hộ kinh doanh trong việc cấp đăng ký kinh doanh và thực hiện rất hiệu quả. Đầu năm 2014, toàn huyện mới chỉ 400 hộ có đăng ký kinh doanh, nhưng đến nay, đã đạt gần 2.500 hộ”.

Chuyển biến ý thức người tiêu dùng

Sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, ngành đã kéo theo sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương đối với công tác QLTT, từ đó, tạo chuyển biến trong ý thức người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đã sử dụng hóa đơn, chứng từ khi nhập hàng, chú ý đến nhãn mác, nguồn gốc hàng hóa.

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được lực lượng chức năng triển khai quyết liệt và tạo sự chuyển biến tích cực

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được lực lượng chức năng triển khai quyết liệt và tạo sự chuyển biến tích cực

Chị Nguyễn Thị Vân, chủ siêu thị Vân Dũng trên đường Hải Thượng Lãn Ông, cho biết: “Sau khi các cơ quan tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, chúng tôi đã thực hiện đầy đủ các thủ tục liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ; niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... Qua đó, nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động kinh doanh, từng bước xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường”.

Tại chợ trung tâm của các địa phương, việc niêm yết giá được 100% hộ kinh doanh chấp hành nghiêm túc, chuyển từ bảng niêm yết chung thành niêm yết trực tiếp lên từng sản phẩm. Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình nâng cao văn hóa kinh doanh, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, thu hút khách hàng đến với các chợ truyền thống.

Tín hiệu đáng mừng là người tiêu dùng ngày càng thông thái khi chú trọng đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng của hàng hóa… Những điểm bán hàng tin cậy, như siêu thị, hệ thống bán lẻ có uy tín, các cửa hàng thực phẩm, nông sản sạch của Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh… ngày càng thu hút đông đảo người dân đến mua sắm. Các giải pháp mạnh của ngành chức năng cùng tâm lý lựa chọn hàng nội chất lượng cao của người tiêu dùng đã khiến các loại hàng hóa nhập lậu trôi nổi, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng… ngày càng “thiếu đất sống”. Đây chính là kết quả quan trọng, tạo nền tảng để ngành chức năng và chính quyền các địa phương làm tốt hơn nữa công tác QLTT đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng và góp phần thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast