Sản xuất hương đậu tàn (Bài cuối): Báo động tác hại đối với sức khỏe con người

(Baohatinh.vn) - Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, hóa chất dùng làm một phần nguyên liệu trong sản xuất hương đậu tàn là axít đậm đặc ảnh hưởng không chỉ tới người sản xuất mà cả sức khỏe người sử dụng.

>> Hóa chất sản xuất hương đậu tàn (Bài 1): Càng độc càng… hút khách!

“Thủ phạm” lộ diện

Tiếp xúc với một số cơ sở sản xuất hương khác ở TP Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… được biết, sau khi mua hóa chất nguyên liệu làm hương đậu tàn, các cơ sở này tiến hành pha chế để sản xuất theo hướng dẫn của chị Hậu (100% cơ sở sản xuất hương trên địa bàn mà PV có dịp tiếp cận đều đặt mua hóa chất của người phụ nữ này). Sản phẩm hương sản xuất ra hoàn toàn đạt yêu cầu, khi cháy xong, hương tàn đậu lại và cuộn rất đẹp. Tuy nhiên, rất nhiều người tham gia sản xuất hương khi tiếp xúc với hóa chất thì có những biểu hiện lạ thường.

Nhiều người tham gia sản xuất hương khi tiếp xúc với hóa chất thì có những biểu hiện lạ thường.
Nhiều người tham gia sản xuất hương khi tiếp xúc với hóa chất thì có những biểu hiện lạ thường.

Anh Phạm Văn Tám - Giám đốc Doanh nghiệp Diễm Phát thường xuyên bị đau đầu, choáng váng. Tương tự, những công nhân khác của cơ sở sản xuất này như: Nguyễn Thị Từ, Trần Thị Thành… trực tiếp ngồi máy làm hương, dù không tham gia pha chế hóa chất và đeo khẩu trang cẩn thận, nhưng chỉ sau vài ngày làm hương đậu tàn là có những triệu chứng giống nhau như không còn cảm nhận được vị của thức ăn, không muốn ăn, đau đầu, mệt, trong người khó chịu…

Nghi ngờ thành phần lạ của hóa chất, chỉ sau thời gian ngắn, anh Tám đã dừng hẳn việc sản xuất loại hương này. “Trong cơ sở tôi, lao động hầu hết là người tàn tật, vốn dĩ sức đề kháng kém nên mình không thể tiếp tục sử dụng hóa chất này, hơn nữa, thấy ngoài thùng không hề có nhãn mác mà chị Hậu bảo lấy từ Trung Quốc nên tôi cũng sợ. Giờ cả thùng hóa chất để đấy chứ chưa biết xử lý thế nào” - anh Tám cho biết thêm.

Qua quan sát, hóa chất là chất lỏng có màu vàng nhạt và sóng sánh. Sau khi ngâm lõi tre để sản xuất hương vào hóa chất rồi phơi nắng 20 phút như hướng dẫn, đem đốt thì thấy lửa có màu xanh, khi ngừng đốt thì lõi tre không thể cháy tiếp và uốn cong lại, tàn tro không rụng xuống.

Giới khoa học lên tiếng

Chúng tôi đưa mẫu hóa chất về phòng thí nghiệm của Trường Đại học Hà Tĩnh để xác định. Thạc sỹ Tống Thị Cẩm Lệ - giảng viên bộ môn Hóa học (khoa Sư phạm Tự nhiên) tiến hành một số thử nghiệm phản ứng hóa học. Sau khi cho tác dụng với quỳ tím thì quỳ tím chuyển sang màu đỏ nên đây là một loại axít. Tiếp tục cho axít này tác dụng với muối bạc nitrat (AgNO3) thì tạo ra phản ứng kết tủa màu vàng nhạt, chứng tỏ trong axít này có gốc PO43- nên đây là a xít photphoric (H3PO4) - Thạc sỹ Lệ kết luận. Do có tính ăn mòn kim loại nên người cung cấp mới lưu ý việc sử dụng hóa chất phải bằng đồ nhựa. Vốn dĩ, axít photphoric có màu trong suốt nhưng vì để lâu ngày và lẫn với những tạp chất khác nên đã ngả sang màu vàng nhạt.

Sau khi tiến hành thử nghiệm phản ứng hóa học, Thạc sỹ Tống Thị Cẩm Lệ kết luận đây là axít photphoric (H3PO4) rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Sau khi tiến hành thử nghiệm phản ứng hóa học, Thạc sỹ Tống Thị Cẩm Lệ kết luận đây là axít photphoric (H3PO4) rất nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Theo Viện Vệ sinh y tế công cộng Hồ Chí Minh thì “axít photphoric gây độc cho máu, gan, da, mắt, tủy xương. Sự tiếp xúc liên tục, kéo dài và nhiều lần hóa chất này có thể gây kích ứng mắt và da mãn tính, kích ứng phổi dẫn đến cuống phổi thường xuyên bị tổn thương. Nếu tiếp xúc nhiều lần ở nồng độ cao có thể làm giảm sức khỏe do hóa chất tích tụ trong cơ thể và nguy cơ gây ung thư phổi rất cao. Nếu tiếp xúc với mắt thì sẽ rất nguy hại, dung dịch hay hơi hóa chất có thể phá hủy mô trên màng mắt và gây bỏng mắt, triệu chứng như mắt đỏ, chảy nước mắt và ngứa. Đặc biệt, vô tình nuốt phải những chất này, hóa chất gây bỏng vòm miệng, nguy hại cho tính mạng; nếu hít phải hơi dung dịch hóa chất có thể gây kích ứng hệ hô hấp, gây triệu chứng ho, khó thở, thở ngắn, trong trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong”.

Axít photphoric không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe những người tiếp xúc với chính nó. “Khi đốt hương sẽ xảy ra phản ứng cháy của axít photphoric (H3PO4) sẽ tạo ra P2O5” - Thạc sỹ Tống Thị Cẩm Lệ cho biết thêm. P2O5 tồn tại trong không khí, khi tác động lên da sẽ làm da bị mòn; tác động lên hệ hô hấp gây khó thở; tác động lên giác mạc gây ngứa mắt. Về lâu dài, nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ làm mắt ngày càng mờ đi, thị lực giảm, thậm chí có thể gây mù lòa. Lo ngại hơn, khi hít phải khói hương có sử dụng H3PO4 trong quá trình ngâm lõi tre, các chất độc hại sẽ không tác động ngay mà tích lũy dần, gây nguy hại từ từ cho con người.

Đưa những trăn trở này đến các cơ quan quản lý, chúng tôi nhận được một câu trả lời khá chung chung: việc quản lý các cơ sở sản xuất hương đến nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn; việc làm hương còn mang tính tự phát và hầu hết là sản xuất nhỏ nên khó quản lý. Ông Bùi Phong An - Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Hà Tĩnh cho biết, các cơ sở sản xuất hương quá lẻ tẻ, hơn nữa, quá trình sản xuất còn mang tính gia truyền nên sẽ rất khó quản lý về mặt chất lượng.

Trên địa bàn Hà Tĩnh có không ít gia đình, cơ sở sản xuất hương nhưng về mặt thương hiệu riêng còn quá ít. Hương Diễm Phát là một trong số ít cơ sở có thương hiệu riêng. Chính anh Tám trước đây từng được các cò mồi liên hệ việc mua lại bao bì của các thương hiệu hương nổi tiếng khác, song anh đã từ chối và từng bước xây dựng cho cơ sở mình một thương hiệu riêng. Điều quan trọng hơn, sau khi không tham gia sản xuất hương đậu tàn bằng hóa chất lạ mà sản xuất theo các phương pháp truyền thống, sản phẩm của Diễm Phát ngày càng được khách hàng xa gần tin dùng…

Chưa rõ, hương đậu tàn có mang lại may mắn với người sử dụng hay không nhưng xét trên khía cạnh khoa học thì nó đã ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cả người sản xuất lẫn người sử dụng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast