Sôi động dịch vụ ngân hàng ở vùng kinh tế trọng điểm

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, hoạt động tài chính ngân hàng ở Kỳ Anh ngày càng trở nên sôi động cùng nhịp độ phát triển của khu kinh tế trọng điểm quốc gia Vũng Áng. Với 11 chi nhánh và phòng giao dịch (PGD) của 7 ngân hàng cùng 7 quỹ tín dụng nhân dân (TDND) cơ sở, Kỳ Anh đã trở thành địa bàn phát triển dịch vụ tài chính ngân hàng lớn thứ 2 sau TP Hà Tĩnh.

Địa bàn chiến lược của 4 “ông lớn”

Từ những năm 2002-2004, sau đơn vị truyền thống là Agribank, các “ông lớn” Vietcombank, Vietinbank và BIDV đều sớm triển khai chiến lược đón đầu cơ hội phát triển dịch vụ ngân hàng ở địa bàn giàu tiềm năng. Riêng Agribank, từ một ngân hàng huyện đóng ở thị trấn Kỳ Anh, đến nay, đã có thêm 2 đơn vị là Voi và Vũng Áng với 7 điểm giao dịch; trong đó, Chi nhánh Vũng Áng đã vươn lên dẫn đầu toàn hệ thống về nhiều chỉ số kinh doanh.

Giám đốc Agribank Vũng Áng - Đoàn Thị Phương Loan cho biết: “Phát huy thế mạnh của ngân hàng đã gắn bó với người dân 6 xã vùng dự án, chúng tôi tập trung triển khai hiệu quả các hướng kinh doanh, trong đó nổi bật là thu hút nguồn vốn nhàn rỗi dân cư khá lớn trong giai đoạn nhiều địa phương thực hiện GPMB các dự án lớn, từ đó đưa lại kết quả cao trong huy động vốn. Bên cạnh đó, nắm bắt nhanh nhu cầu khách hàng để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ. Riêng doanh thu dịch vụ trong 2 năm gần đây của chi nhánh đã đạt cao nhất trong toàn hệ thống (1,6-2 tỷ đồng/năm)”.

Sôi động dịch vụ ngân hàng ở vùng kinh tế trọng điểm ảnh 1

Đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, tận tình là thế mạnh để Phòng giao dịch Techcombank Kỳ Anh thu hút khách hàng.

Trong chiến lược phát triển mạng lưới, Vietcombank Hà Tĩnh cũng đã chọn Kỳ Anh là điểm mở PGD đầu tiên (năm 2002). Đón đầu sự phát triển sôi động của trung tâm kinh tế phía Nam tỉnh, PGD Kỳ Anh đã phát huy thế mạnh của một thương hiệu lớn, thu hút hàng ngàn khách hàng tiền gửi, tiền vay và sử dụng dịch vụ. Trong đó, có hàng chục khách hàng là doanh nghiệp nước ngoài bước đầu đã sử dụng các sản phẩm dịch vụ như trả lương qua tài khoản, SMS, thẻ, gửi tiền. Tổng số vốn huy động và quản lý của PGD Vietcombank Kỳ Anh đến thời điểm này đạt gần 900 tỷ đồng. Trên lĩnh vực tín dụng, đơn vị đang có trên 500 khách hàng với tổng dư nợ 226 tỷ đồng.

BIDV, Vietinbank cũng đã nhanh chân tiếp cận những đối tượng khách hàng giàu tiềm năng ở Kỳ Anh. Những PGD hoạt động ở địa bàn sôi động này đều mang lại doanh thu khá, chiếm khoảng 1/3 tỷ trọng nguồn thu của toàn chi nhánh.

Cơ hội chia đều

Sau các ngân hàng thương mại lớn, VPbank, Techcombank, Oceanbank đều mở PGD ở Kỳ Anh. Cùng với quỹ TDND Kỳ Anh hoạt động tại địa bàn thị trấn, có thể thấy, sự cạnh tranh đang diễn ra khá gay gắt. Tuy nhiên, trên thị trường rộng lớn với sự phân khúc nhiều đối tượng khách hàng, mỗi ngân hàng đã tìm cách tiếp cận riêng.

Giám đốc PGD Techcombank Kỳ Anh Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Tháng 7/2010, Techcombank đã xây dựng được mối quan hệ thường xuyên với hơn 3.000 khách hàng là doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Thế mạnh của một trong những ngân hàng đứng hàng đầu về công nghệ và quy trình hoạt động chuẩn quốc tế, với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp đã giúp PGD

Techcombank Kỳ Anh tiếp cận được số lượng khách hàng là các nhà thầu thi công dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương. Các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan rất hài lòng khi cán bộ Techcombak có thể sử dụng tiếng Anh và tiếng Trung trong thực hiện giao dịch. Bên cạnh đó, họ cũng đánh giá cao chất lượng dịch vụ thanh toán, chuyển tiền quốc tế của Techcombank. Doanh số thu được từ các đối tượng khách hàng này chiếm tới 70% tổng thu nhập của PGD”.

Sự phát triển sôi động của KKT Vũng Áng không chỉ tác động tích cực đến hoạt động của các ngân hàng thương mại mà còn lan tỏa đến các quỹ TDND cơ sở. Quỹ TDND thị trấn Kỳ Anh đóng ở khu vực trung tâm đã đổi mới phong cách phục vụ, năng động tìm thị trường, nhờ đó luôn giữ được mức huy động vốn 80-100 tỷ đồng và mở rộng hoạt động tới những xã lân cận. Các đơn vị quỹ TDND Kỳ Khang, Sơn Lâm, đã trở thành các đơn vị tín dụng liên xã với hoạt động huy động nguồn và cho vay được đẩy mạnh.

Giám đốc Quỹ TDND Sơn Lâm cho biết: 3 năm gần đây, đơn vị có bước tăng trưởng rất nhanh, đồng đều trên các lĩnh vực kinh doanh. Đặc biệt, khi thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn nhiều, bà con có nhu cầu vốn lớn để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Yêu cầu từ thực tiễn và sự trưởng thành của quỹ đã hội đủ điều kiện để Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho phép đơn vị mở rộng hoạt động từ xã Kỳ Sơn sang Kỳ Lâm vào tháng 8/2013. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động và quản lý của đơn vị đạt 30 tỷ đồng; tổng dư nợ 25 tỷ đồng.

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch - Tài chính huyện Kỳ Anh, đến thời điểm cuối năm 2014, tổng nguồn vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện đạt 4.737 tỷ đồng; dư nợ trên 2.527 tỷ đồng. Con số này sẽ có sự tăng trưởng cao hơn trong những năm tới với sự phát triển của KKT Vũng Áng và một số ngân hàng thương mại tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để mở PGD ở Kỳ Anh trong năm nay.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast