Tăng cường quản lý vận tải, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bến xe

(Baohatinh.vn) - Chiều tối nay (21/4), Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự chủ trì cuộc họp với các ngành, địa phương về việc chuyển đổi mô hình quản lý, hoạt động bến xe trên địa bàn tỉnh theo hình thức xã hội hóa đầu tư và công tác chuẩn bị đưa Bến xe Hà Tĩnh vào khai thác, sử dụng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng dự.

Tăng cường quản lý vận tải, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bến xe ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự yêu cầu Công ty cổ phần Bến xe Hà Tĩnh tiếp tục đầu tư để hoàn thành các thiết bị, hạng mục, công bố tuyến mới trước ngày 10/5 tới để đi vào hoạt động hiệu quả, an toàn

Hiện trên địa bàn tỉnh có 10 bến xe đang khai thác và đang sử dụng 49 cán bộ, công nhân viên. Theo đánh giá, hiện có 4 bến đạt tiêu chuẩn loại 4 (đủ tiêu chuẩn để khai thác các tuyến liên tỉnh từ 300 km trở lên), 4 bến đạt loại 5, 1 bến đang xây dựng và 1 bến đã ngừng hoạt động.

Ngoài bến xe Tây Sơn, các bến còn lại đều do Ban quản lý Bến xe Hà Tĩnh quản lý, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, là đơn vị cấp 2 của Sở Giao thông Vận tải. Trong thời gian qua, Ban quản lý Bến xe đã thực hiện tốt chức năng khai thác và quản lý nhà nước về hoạt động vận tải, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn…

Tăng cường quản lý vận tải, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bến xe ảnh 2

Đại diện Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh phát biểu

Theo quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, toàn tỉnh có 18 bến xe từ loại 1 đến loại 5. Hiện nay, bên cạnh việc bố trí các tuyến nội tỉnh, Sở Giao thông Vận tải đã phối hợp công bố luồng tuyến đối với các tuyến ngoại tỉnh đến năm 2030 để các nhà đầu tư tính toán hiệu quả trước khi đầu tư xây dựng bến. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa đang gặp khó khăn do hoạt động khai thác bến đạt hiệu quả thấp nên không hấp dẫn các nhà đầu tư; Bến xe Can Lộc đã thực hiện xã hội hóa nhưng thu không đủ bù chi nên phải ngừng hoạt động; số tuyến vận tải và số lượng phương tiện khai thác tuyến cố định không nhiều; dịch vụ kinh doanh ngành nghề khác còn khó khăn nên ít nguồn thu, thu hồi vốn chậm…

Tăng cường quản lý vận tải, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bến xe ảnh 3

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Tĩnh đề nghị cho phép Công ty cổ phần Bến xe Hà Tĩnh mở rộng ngành kinh doanh.

Liên quan đến Bến xe Hà Tĩnh mới, Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát và quyết định đầu tư tại xã Thạch Đài (Thạch Hà) trên diện tích 20.219 m2 với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ đạt tiêu chuẩn bến loại 1.

Sau hơn 9 tháng thi công, đến nay, công trình này cơ bản hoàn thành, đủ điều kiện bàn giao và đưa vào sử dụng (dự kiến ngày 19/5 chính thức khai thác). Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ giải quyết được các vấn đề cấp bách hiện nay của bến xe cũ do quy mô không đảm bảo, nằm ở trung tâm thành phố gây ách tắc, không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và mất mỹ quan đô thị…

Tăng cường quản lý vận tải, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bến xe ảnh 4

Đại diện Sở Nội vụ tham gia góp ý về việc giải quyết chế độ chính sách, tiếp nhận bộ máy, biên chế sau khi tiến hành xã hội hóa hoạt động bến xe

Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự yêu cầu Công ty cổ phần Bến xe Hà Tĩnh tiếp tục đầu tư để hoàn thành các thiết bị, hạng mục, công bố tuyến mới trước ngày 10/5 tới để đi vào hoạt động hiệu quả, an toàn; thực hiện nghiêm các quy định nhà nước về kinh doanh vận tải, đồng thời xây dựng thương hiệu ngay từ đầu, chất lượng phục vụ phải cao hơn; ưu tiên sử dụng số lao động trước đây, nhất là những người có bề dày kinh nghiệm.

Các ngành: GTVT, tài chính, nội vụ, công an và các địa phương liên quan phối hợp xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm soát phương tiện, người lái, hậu kiểm; kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng bến cóc, xe dù; xây dựng các danh mục bến xe trên địa bàn để tiếp tục kêu gọi đầu tư xã hội hóa;

Kiểm tra toàn diện hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn; nghiên cứu mức thu phí bến xe mới phù hợp; hướng dẫn Công ty cổ phần Bến xe Hà Tĩnh mở điểm, mở tuyến mới, tạo điều kiện cho công ty đi vào hoạt động hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng; rà soát tình hình lao động của các bến xe, nhất là Bến xe Hà Tĩnh cũ trước ngày 15/5 và đề xuất hướng xử lý phải dựa trên tinh thần tận dụng tối đa nguồn nhân lực sẵn có; tham mưu cho UBND tỉnh phương án thu hồi đất trước 30/5 và hướng xử lý đất đai, tài sản của bến xe cũ…

Về phía thành phố Hà Tĩnh, cần chủ động vào cuộc, phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng, các sở, ngành để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra phương tiện, niêm yết giá các loại dịch vụ, có các biện pháp chống thất thu trong lĩnh vực này; xem xét phân luồng đường cho xe khách nhưng nhất quyết không cho xe tải vào thành phố; có biện pháp ngăn chặn, khắc phục tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gắn với công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng làm dịch vụ vận tải, chăm sóc, trông giữ, sửa chữa, rửa xe…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast