Thiếu đồng đều trong phát triển hợp tác xã

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là HTX đã có những bước tiến khá nổi bật, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Thế nhưng, thực tế cho thấy, sự phát triển của HTX không đồng đều giữa các địa phương.

“Chân cao, chân thấp”

“Hiện toàn tỉnh có 696 HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực. UBND tỉnh đã có các quyết định 24, 26, 09, 07… ban hành chính sách hỗ trợ HTX phát triển. Nhưng, bức tranh HTX giữa các địa phương chưa có sự tương đồng, có nơi tốt như Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…, trong khi đó, Hương Khê, Thạch Hà, Nghi Xuân… dường như “dẫm chân tại chỗ”, ông Nguyễn Trọng Hảo - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh cho biết.

HTX Thiên Phú (Thạch Kim - Lộc Hà) cho hiệu quả cao
HTX Thiên Phú (Thạch Kim - Lộc Hà) cho hiệu quả cao

Chị Hoàng Thị Châu - Giám đốc HTX Hoàng Châu (Kỳ Anh) vui mừng chia sẻ: “Thành lập từ năm 2010, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, sự nỗ lực của các thành viên, mạnh dạn đầu tư phương thức kinh doanh hiệu quả, nay HTX đã đứng vững trong chăn nuôi, vận tải, dịch vụ tổng hợp. Năm 2013, HTX có 350 lợn nái sinh sản 6.000 con/năm, lợn thương phẩm 1.000 con/năm, chăn nuôi gà, cá và làm đường giao thông, thủy lợi… trừ chi phí lãi 230 triệu đồng/tháng. Hàng năm, số lượng tăng thêm, dịch vụ phát triển, giải quyết việc làm cho gần 50 lao động với thu nhập 4-5 triệu đồng/người/tháng”.

Với kết quả đó, HTX đã được Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh, UB MTTQ tỉnh tặng nhiều bằng khen. Cùng với HTX Hoàng Châu, các HTX ở Kỳ Anh cũng đang từng bước khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.

Cẩm Xuyên nằm trong tốp đầu HTX lớn mạnh, với 114 HTX, nhiều mô hình kiểu mới làm ăn hiệu quả, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm. Số lượng HTX điển hình của tỉnh, có đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới chiếm tỷ lệ cao, như HTX Chăn nuôi Hợp Lực, HTX Minh Lộc, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ tổng hợp Hà Phi, HTX Vận tải Minh Tấn… Đặc biệt, năm 2012, HTX Vệ sinh môi trường thị trấn Cẩm Xuyên được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc.

Những năm gần đây, phong trào HTX ở Lộc Hà cũng khá rầm rộ. Vừa qua, HTX Hùng Mạnh được Liên minh HTX Việt Nam tặng cờ đơn vị dẫn đầu xuất sắc các HTX thủy sản cả nước; HTX Thiên Phú được UB MTTQ tỉnh lựa chọn vinh danh và tặng cúp trái tim vàng nhân ái vì sự nghiệp phát triển cộng đồng. 42 HTX nhìn chung đang dần đi vào ổn định sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.

Mô hình trồng bí xanh 12 ha của HTX kinh doanh DV thống nhất Thạch Ngọc cho năng suất cao
Mô hình trồng bí xanh 12 ha của HTX kinh doanh DV thống nhất Thạch Ngọc cho năng suất cao

Bên cạnh những địa phương điển hình, vẫn còn những đơn vị trì trệ trong phát triển KTTT. Huyện Vũ Quang hiện có 33 HTX với 5 loại hình, nhưng chỉ 13 HTX cho hiệu quả, 20 HTX hoạt động cầm chừng, thậm chí, một số đã ngừng hoạt động và chờ giải tán. Thạch Hà cũng là địa phương mà hoạt động HTX trầm lắng. Theo ông Nguyễn Quốc Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện thì đến nay, huyện có 64 HTX, nhưng chỉ 10-15% HTX hoạt động có kết quả, số còn lại hiệu suất rất thấp”.

Yếu kém do đâu?

Ông Nguyễn Trọng Hảo cho biết: “Tư tưởng bảo thủ, hoài nghi với mô hình HTX kiểu cũ; nhận thức về bản chất, giá trị của HTX kiểu mới chưa đầy đủ, thậm chí có lúc sai lệch. Việc thành lập mới, chuyển đổi HTX còn mang tính hình thức, hoạt động chưa đúng luật HTX, chưa xử lý dứt điểm những tồn tại của HTX kiểu cũ… đã kìm hãm sự đi lên của HTX”.

“Xã Thạch Ngọc (Thạch Hà) có 3 HTX nhưng chỉ có HTX kinh doanh dịch vụ Thống Nhất làm ăn hiệu quả, còn HTX Rượu Trung Thu cũng cầm chừng, HTX Hòa Bình trồng rau sạch đã giải tán ngay sau khi mới thành lập. Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ nội tại HTX, chưa cố gắng vươn lên đáp ứng yêu cầu, chưa xây dựng phương án SXKD, sản xuất phát triển chậm, chưa gắn với thị trường, chưa liên doanh, liên kết. Thậm chí, các xã viên không góp vốn hoặc góp không đáng kể, không đủ hoạt động, quy mô nhỏ, bộ máy quản lý trình độ kém…” - ông Lê Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc cho biết.

Sự phát triển của các HTX chưa tương xứng với tiềm năng, lí giải điều này, anh Trần Tuấn Anh - chuyên viên Phòng Tài chính huyện Vũ Quang cho rằng: “Vì địa bàn miền núi nên chỉ thích hợp phát triển loại hình chăn nuôi, trang trại. Đối với các HTX môi trường, do nhu cầu của người dân chưa cao, đóng phí nhưng không đủ hoạt động, phụ thuộc vào ngân sách xã, huyện… nên “số phận” các HTX rất bấp bênh”.

Bên cạnh đó, một số huyện mặc dù có ban hành nghị quyết, chỉ thị, đề án nhưng việc kiểm tra, đôn đốc, phân công, chỉ đạo thực hiện thiếu cụ thể, có nơi buông lỏng lãnh đạo đối với KTTT. Hương Khê là đơn vị KTTT còn yếu nhưng xem chừng lãnh đạo chuyên môn chưa thực sự quan tâm tới vấn đề này. Khi chúng tôi về Hương Khê tìm hiểu tình hình hoạt động HTX, Phòng Nông nghiệp huyện là đơn vị trực tiếp quản lý, nhưng khi được hỏi thì đồng chí Phó Trưởng phòng không nắm được bất cứ thông tin nào, còn chuyên viên phụ trách thì bảo đang đi kiểm tra cơ sở, qua điện thoại cũng không nhớ rõ. Đầu mối quản lý mà những thông tin tối thiểu cũng mù mờ, liệu rằng, KTTT ở Hương Khê bao giờ mới khởi sắc?

Công tác tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, luật HTX ở các huyện, ngành thiếu quyết liệt, phát triển KTTT chưa được coi là nhiệm vụ trọng tâm; các cấp, ngành liên quan chưa quan tâm tới sự phát triển của HTX… đã khiến loại hình kinh tế này “dẫm chân tại chỗ”.

Xây dựng môi trường phát triển hòa đồng

Việc tạo đà cho các HTX vươn lên phát triển tương xứng với tiềm năng là vấn đề bức thiết. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Quốc Hương cho biết: “Thời gian tới, huyện sẽ rà soát lại các HTX, kiên quyết “khai tử” HTX không hiệu quả, chuyển đổi loại hình phù hợp hơn, củng cố, phát triển bền vững gắn với các tiêu chí nông thôn mới”.

Mô hình trồng nấm 330 m2 cho hiệu quả cao của HTX Kinh doanh DV Thống nhất Thạch Ngọc (Thạch Hà).
Mô hình trồng nấm 330 m2 cho hiệu quả cao của HTX Kinh doanh DV Thống nhất Thạch Ngọc (Thạch Hà).

Còn theo ông Nguyễn Trọng Hảo thì: “Các đơn vị HTX còn yếu kém cần tham khảo kinh nghiệm của những đơn vị có nhiều thành tích trong KTTT; tập trung xây dựng các mô hình HTX phù hợp nhu cầu, điều kiện địa phương; phối hợp với các công ty, tập đoàn đứng chân trên địa bàn để phát triển, nhân rộng mô hình liên doanh, liên kết làm ăn hiệu quả”.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng: “Đã đến lúc các cấp, ngành liên quan phải vào cuộc quyết liệt, tìm giải pháp đồng bộ, giúp HTX tháo gỡ khó khăn. Ngành chuyên môn phải có chiều sâu, nhân rộng mô hình, tiến hành củng cố, phân loại, chỉ ra phương pháp kinh doanh cụ thể. Quan trọng hơn là nội tại HTX phải tự vươn lên, tự đổi mới, nâng cao năng lực quản lí, hoạt động… để có hướng đi hiệu quả”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast