Tiếp tục áp trần giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi trong năm 2015

Dự kiến trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp giá trần (hết ngày 31/5/2015), Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các bộ, địa phương tổng kết đánh giá kết quả thực hiện biện pháp bình ổn giá và đề xuất biện pháp áp dụng cho thời gian tiếp theo.

Dự kiến trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp giá trần (hết ngày 31/5/2015), Bộ Tài chính sẽ đề xuất biện pháp áp dụng cho thời gian tiếp theo.

Dự kiến trước khi hết thời hạn áp dụng biện pháp giá trần (hết ngày 31/5/2015), Bộ Tài chính sẽ đề xuất biện pháp áp dụng cho thời gian tiếp theo.

Siết chặt quản lý

Theo Bộ Tài chính, kể từ khi Chính phủ áp dụng biện pháp bình ổn giá, từ tháng 6/2014 giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm và ổn định. Tỷ lệ giảm hiện đạt khoảng 0,1 - 34% tùy từng chủng loại sữa so với thời điềm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Trong đó, cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 606 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, với 165 sản phẩm do Bộ Tài chính công bố, và 441 sản phẩm do sở tài chính các tỉnh, thành phố công bố.

Trước đó vào đầu tháng 11/2014, Bộ Tài chính đã thành lập 3 đoàn kiểm tra, nắm tình hình quản lý, bình ổn giá sữa tại một số địa phương. Theo báo cáo của các sở tài chính, giá nhập khẩu sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi và giá nhập khẩu một số nguyên liệu chính để sản xuất sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tương đối ổn định.

Thời gian qua, giá một số nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới (Tây Âu và châu Úc) giảm, tuy nhiên đây là giá chào bán cho các hợp đồng tương lai. Do đó, tại thời điểm hiện tại, xu hướng giá một số nguyên liệu sản xuất sữa trên thị trường thế giới giảm thì chưa có tác động lớn đối với thị trường sữa trong nước.

Để công tác quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tiếp tục đạt hiệu quả, trong năm 2015 Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai áp dụng biện pháp quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó Bộ sẽ thường xuyên theo dõi, rà soát, kiểm tra giá nhập khẩu nguyên liệu, giá nhập khẩu thành phẩm sữa của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa để kịp thời có biện pháp quản lý, điều tiết, bình ổn giá phù hợp.

Trường hợp cần thiết, tiến hành tham vấn giá nhập khẩu mặt hàng sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi khai giá cao hơn mặt bằng giá sản phẩm cùng loại tại nước xuất khẩu và các nước trong khu vực để kiểm soát tình trạng tăng giá nhập khẩu đầu vào làm tăng giá bán trong nước của các doanh nghiệp phân phối sữa.

Song song với đó, sẽ phối hợp trao đổi thông tin với hải quan các nước về giá các sản phẩm sữa cùng loại; tiến hành điều tra, xác định các công ty có dấu hiệu giao dịch liên kết.

Biện pháp tiếp theo được Bộ Tài chính chú trọng là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) để rà soát, bổ sung vào danh mục sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, danh mục thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi làm căn cứ thực hiện bình ổn giá.

Đồng thời, tiếp nhận, rà soát và đăng thông tin về các mặt hàng sữa đăng ký mới, thay đổi bao bì, quy cách để các cơ quan quản lý giá, tổ chức, cá nhân biết, thực hiện bình ổn giá.

Giá sữa sẽ còn giảm tiếp sau ngày 1/3/2015

Cũng liên quan đến giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, từ ngày 1/3/2015, Nghị định 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quảng cáo và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ sẽ chính thức có hiệu lực.

Một trong những quy định đột phá của Nghị định này là cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, gồm 3 loại.

Thứ nhất là sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp có thể sử dụng thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 12 tháng tuổi (infant formula).

Thứ hai là sản phẩm dinh dưỡng công thức có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật để sử dụng trong giai đoạn ăn bổ sung dùng cho trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi (follow-up formula).

Thứ ba là sản phẩm dinh dưỡng công thức khác có dạng lỏng hoặc dạng bột được chế biến từ sữa bò hoặc sữa động vật khác với các thành phần thích hợp hoặc có nguồn gốc động vật, thực vật được trình bày hoặc giới thiệu là phù hợp dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, nhưng không bao gồm thức ăn bổ sung trong cơ cấu dinh dưỡng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định nghiêm cấm quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cấm tiếp thị, bán hàng giảm giá, biểu mẫu sản phẩm. Hiện tại việc cấm này chỉ áp dụng trong các cơ sở y tế, sản khoa, nhi khoa, phòng khám. Tuy nhiên, khi Nghị định có hiệu lực, việc cấm tiếp thị, bán hàng giảm giá, biếu mẫu sản phẩm sẽ áp dụng trong toàn xã hội nên sẽ hạn chế tối đa hành động tiếp thị thông qua quảng cáo mẫu, hạn chế việc tiếp cận với các bà mẹ.

Với việc chi phí quảng cáo không bị tính vào giá thành sản phẩm, người tiêu dùng đang hy vọng sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi sẽ giảm giá mạnh kể từ sau ngày 1/3/2015./.

Tại cuộc họp lần đầu tiên của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã đề nghị về lâu dài, Chính phủ xem xét giao Bộ Công thương chủ trì, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Cụ thể, theo Bộ Tài chính, quản lý nhà nước về giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành quản lý sản phẩm sữa của Bộ Công thương, đồng thời gắn liền với công tác bảo đảm cân đối cung cầu và quản lý thị trường. Do đó, đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ Công thương chủ trì.

Theo Hoàng Lâm/Thời báo Tài chính VN

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast