Tín hiệu khả quan cho tiêu thụ sản phẩm của Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những năm gần đây, Hà Tĩnh có nhiều mặt hàng đảm bảo chất lượng, số lượng, nhưng đầu ra gặp nhiều khó khăn. Ngành công thương đang nỗ lực để đưa hàng vào hệ thống siêu thị, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Co.opmart Hà Tĩnh luôn ưu tiên tối đa cho hàng hóa sản xuất tại địa phương.

Co.opmart Hà Tĩnh luôn ưu tiên tối đa cho hàng hóa sản xuất tại địa phương.

Theo báo cáo từ Sở Công thương, Hà Tĩnh hiện có 22 mặt hàng đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu nhưng vẫn chưa vào được hệ thống siêu thị. Trong khi đó, các siêu thị trên địa bàn tỉnh lại nhập hàng từ nhiều tỉnh, thành khác. Ngành chức năng đang nỗ lực tìm giải pháp đưa hàng hóa sản xuất tại Hà Tĩnh vào các siêu thị trên địa bàn, tiến tới việc thâm nhập chuỗi hệ thống siêu thị trong cả nước.

Mới đây, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã tổ chức hội nghị giao thương, mời các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sản xuất, kinh doanh tham dự, tạo cơ hội để hàng hóa sản xuất trong tỉnh tiếp cận thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.

Bà Phạm Thị Hiệp Định - Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh cho rằng, quan điểm của lãnh đạo Co.opmart cũng như Co.opmart Hà Tĩnh là ưu tiên tối đa cho hàng hóa sản xuất tại địa phương. Thực tế, những sản phẩm đạt yêu cầu của Hà Tĩnh luôn được siêu thị ưu tiên số 1. Trong đó, các loại thịt lợn, thịt bò, trứng… hầu như chỉ thu mua trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các mặt hàng chưa đạt yêu cầu về thủ tục giấy tờ, Siêu thị Co.opmart đều hướng dẫn, tư vấn nhà cung cấp hoàn chỉnh hồ sơ liên quan để đủ điều kiện tham gia Co.opmart Hà Tĩnh cũng như các siêu thị khác trong hệ thống Co.opmart.

Theo bà Định, nếu hàng đạt chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, Co.opmart sẵn sàng khâu nối để đưa vào hệ thống siêu thị Co.opmart của các tỉnh khác. Trên thực tế, kẹo cu đơ Phong Nga (Thạch Hà), từ điểm khởi đầu ở Co.opmart Hà Tĩnh, đến nay đã thâm nhập các siêu thị khác trong hệ thống Co.opmart.

Chung quan điểm với bà Định, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó phòng Kinh tế Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) cho biết, hiện nay, đơn vị đang tập trung mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp với các sản phẩm như: rau, củ, quả, bò, lợn, nhung hươu. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Mitraco đang triển khai qua 4 kênh, gồm: chuỗi cửa hàng của Mitraco food và cá nhân liên kết; chuỗi các siêu thị; chợ đầu mối lớn trong nước và xuất khẩu. Hiện tại, đơn vị đã khai trương cửa hàng Mitraco food tại TP Hà Tĩnh và Kỳ Anh. Quý I/2015, sẽ mở thêm 2 cửa hàng ở TP Hà Tĩnh và 1 cửa hàng tại Cẩm Xuyên. Công ty tạo điều kiện thu mua sản phẩm sản xuất trong tỉnh, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm thuộc chương trình nông thôn mới…

Tín hiệu khả quan cho tiêu thụ sản phẩm của Hà Tĩnh ảnh 2

Dưa hấu của HTX rau an toàn Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) là một trong những mặt hàng đủ tiêu chuẩn vào siêu thị, tuy nhiên lượng tiêu thụ của siêu thị quá nhỏ so với sản lượng.

Ông Nguyễn Đình Lộc - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ thương mại nông thôn, tiêu thụ sản phẩm sản xuất tại Hà Tĩnh. Sở Công thương thường xuyên chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan hỗ trợ hộ sản xuất, kinh doanh về thủ tục, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tạo điều kiện cho sản phẩm của Hà Tĩnh vào hệ thống siêu thị… Năm 2014, ngành Công thương đã hỗ trợ xây dựng 10 nhãn hiệu sản phẩm và tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm tiêu biểu trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng 22 mặt hàng tiềm năng nhưng chưa vào được hệ thống siêu thị, như: cam Khe Mây; rượu, mật ong Vũ Quang; hồng Thạch Đài; gạo Cẩm Xuyên; Đức Thọ và sản phẩm của các địa phương khác như: chè, trà gừng, nước mắm, mực khô, mực tươi, tôm, gà cỏ, cá diêu hồng, muối bột canh, thịt băm, xúc xích, hàng may mặc, nhung hươu, nước khoáng, dầu lạc…

Cũng theo ông Lộc, đơn vị đang chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, phòng chuyên môn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất các vấn đề liên quan đến mẫu mã, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tiếp tục đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ; đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn để tiêu thụ sản phẩm và tiến tới xuất khẩu.

Cùng với nỗ lực của ngành chuyên môn, một số nhà cung ứng cũng đã có chuyển biến trong tư duy để tìm cách đưa hàng vào siêu thị. Anh Nguyễn Văn Phong, chủ cơ sở cu đơ Phong Nga cho biết, gia đình anh đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất tuân thủ quy định pháp luật và hoàn thiện hồ sơ đạt tiêu chuẩn quốc gia, đủ điều kiện tham gia tất cả các siêu thị. Chị Nguyễn Thị Bính (Thạch Lâm, Thạch Hà) mỗi ngày chỉ nhập vài chục bó rau thơm, nhưng vẫn kiên trì thực hiện tốt quy trình sản xuất, thủ tục liên quan để bán hàng ổn định cho siêu thị.

Từ sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của người sản xuất, nhà cung ứng, hy vọng, thời gian tới, các sản phẩm sản xuất trong tỉnh, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ có mặt ở chuỗi siêu thị, mở rộng đầu ra, thúc đẩy phát triển sản xuất.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast