Trật tự thị trường Hà Tĩnh chuyển biến tích cực

(Baohatinh.vn) - Nhờ siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý thị trường (QLTT) nên thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trật tự thị trường được thiết lập, ý thức người kinh doanh, người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt, từng bước hướng tới mục tiêu xây dựng thị trường hàng hóa lành mạnh.

Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu ngoại tại TP Hà Tĩnh.
Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra các cơ sở kinh doanh rượu ngoại tại TP Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Cự Dũng - Chi cục trưởng Chi cục QLTT cho biết: “Nhằm góp phần đưa lại một thị trường lành mạnh, ổn định, thời gian qua, Chi cục đẩy mạnh công tác xây dựng lực lượng, trong đó, chú trọng việc luân chuyển cán bộ địa bàn để tránh tình trạng nể nả, quen biết, khó làm việc. Bên cạnh đó, chúng tôi tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; phân công các đồng chí lãnh đạo Chi cục phụ trách đội thường xuyên bám sát, nhắc nhở, đôn đốc anh em trong quá trình triển khai hoạt động và dành nhiều thời gian xuống tận cơ sở để chỉ đạo, cùng cán bộ, công nhân viên thực hiện kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, Chi cục phối hợp các địa phương và BQL các chợ trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về QLTT; phổ biến các quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, niêm yết giá, nhãn hàng hóa, hóa đơn, chứng từ và nguồn gốc hàng hóa lưu thông trên thị trường; tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền đến tận các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; đối thoại với 150 doanh nghiệp, nhà phân phối các mặt hàng thiết yếu và ký cam kết không cung cấp ra thị trường các mặt hàng không đảm bảo ATVSTP, không rõ nguồn gốc, hàng cấm, hàng vi phạm về đo lường…”.

Giữa tháng 4/2014, Chi cục QLTT mở đợt cao điểm đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm, tập trung một số nội dung trọng điểm. Thời gian đó, Chi cục đã tăng cường kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn, chứng từ hàng hóa tại các tuyến phố chính, chợ trung tâm trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, phát hiện, xử lý 187 vụ kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hành chính trên 400 triệu đồng; tịch thu hàng hóa tổng trị giá 700 triệu đồng; kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm về sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với 6 nhóm mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công thương và đã xử lý 278 vụ vi phạm, phạt hành chính 230 triệu đồng, tịch thu buộc tiêu hủy hàng hóa tổng trị giá 200 triệu đồng; xử lý 311 vụ vi phạm các quy định về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử phạt hành chính trên 50 triệu đồng; tích cực tham gia ngăn chặn việc đưa gia súc, gia cầm chưa qua kiểm dịch vào tiêu thụ tại các chợ…

Tính từ đầu năm đến hết tuần thứ 3 của tháng 7/2014, Chi cục đã xử lý 1.257 vụ, thu nộp ngân sách lên đến 3 tỷ đồng (cả năm 2013 xử phạt 1.343 vụ, thu nộp 2 tỷ 509 triệu đồng).

Ông Nguyễn Cự Dũng cho biết thêm, bên cạnh nỗ lực của lực lượng chuyên trách, thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương đã tăng cường phối hợp trong công tác QLTT. Các ngành, địa phương cũng đã xây dựng chương trình hành động và tích cực triển khai các giải pháp như: tổ chức nhiều cuộc họp bàn về công tác QLTT; ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan, đặc biệt là tuyên truyền, giám sát công tác niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Điển hình là TP Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh và Đức Thọ…

Đội trưởng Đội QLTT số 1 Nguyễn Đình Khoa cho rằng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng QLTT và các địa phương, ngành chức năng nên ý thức của người kinh doanh, người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây đã nâng lên rõ rệt. Hầu hết các hộ kinh doanh đã chú ý đến vấn đề sử dụng hóa đơn, chứng từ đầy đủ. Đối với thực phẩm, cơ bản đều có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận ATVSTP. Người tiêu dùng hiện nay cũng đã nhận thức cao về việc mua, sử dụng hàng hóa. Đa số người tiêu dùng quan tâm tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ, thương hiệu các sản phẩm trước khi mua. Hàng hóa trôi nổi, hàng kém chất lượng ngày càng “khó sống”. Bên cạnh đó, lực lượng QLTT cũng tập trung kiểm tra, xử phạt nghiêm nên hàng kém chất lượng hạn chế rất nhiều so với trước.

Anh Nguyễn Quốc Trị, hộ kinh doanh đồ điện ở TP Hà Tĩnh cho biết: “Kinh doanh thực hiện theo khoán thuế nên trước đây hầu như chúng tôi không lấy hóa đơn khi mua hàng. Tuy nhiên, sau khi được các lực lượng chức năng kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở, chúng tôi đã thực hiện đúng quy định về hóa đơn, chứng từ. Việc có đầy đủ hóa đơn, chứng từ là minh chứng về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, nên người tiêu dùng tin tưởng, yên tâm hơn…”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast