Mô hình thâm canh vườn cam chanh Khe Mây đạt chuẩn VietGap
Từ đầu năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng mô hình: Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGap gắn với sản phẩm OCOP tại HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm, xã Hương Đô (Hương Khê).
Mô hình trên có quy mô 20 ha cam của 19 hộ dân cho sản lượng ước đạt 360 tấn/năm.
Mô hình có diện tích 20 ha, sản lượng dự kiến 360 tấn/năm
Mô hình triển khai trên cơ sở quy trình sản xuất quả tươi an toàn thực phẩm nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến an toàn chất lượng sản phẩm, môi trường, sức khỏe, an toàn lao động và phúc lợi xã hội của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch.
Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh trao chứng nhận đạt chuẩn VietGap cho HTX Nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm.
Sau khi Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh chuyển giao công nghệ và hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật, các hộ tham gia thực hành sản xuất trên vườn cam theo tuần tự từng nội dung công việc, từng giai đoạn để tạo ra vườn cam chanh có năng suất, chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm;
Phát triển sản xuất cây cam chanh Hà Tĩnh theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới; góp phần thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã xây dựng thành công các mô hình trình diễn về sản xuất cây ăn quả có múi đạt tiêu chuẩn VietGap tại các vùng trọng điểm sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm như cam Khe Mây (Hương Khê), cam Đức Lĩnh (Vũ Quang), cam Sơn Mai (Hương Sơn), cam Ngọc Sơn (Thạch Hà),… Các mô hình trên từng bước gắn vào chuỗi các sản phẩm OCOP của tỉnh để cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Trong đó, mô hình “Thâm canh vườn cam đạt tiêu chuẩn VietGap gắn với sản phẩm OCOP” đã đạt được những kết quả nhất định. |