Bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Điều cần bàn là giải pháp nào để ví, giặm nói riêng, dân ca Nghệ Tĩnh nói chung tồn tại và phát triển? Đặt vấn đề riêng và chung bởi lẽ: ví, giặm chỉ là 2 loại hình âm nhạc tiêu biểu cho dân ca Xứ Nghệ. Xung quanh ví, giặm còn nhiều thể cách khác như: ngâm thơ, trò Kiều, sắc bùa, ca trù...

Đặc biệt, từ những năm 70 của thế kỷ XX đến nay còn có nhiều làn điệu, nhiều thể cách dân ca được nâng cao, phát triển. Nhiều làn điệu mới đã nhanh chóng đi vào phong trào văn nghệ quần chúng như: hát khuyên, hát giận thương, con cóc, tứ hoa, vui hội làng Sen, xẩm thương, xẩm thuốc bắc... Trong quá trình thể nghiệm, đưa dân ca lên sân khấu những năm 1978-1984, chúng ta cảm ơn các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân đã có công nâng cao, phát triển dân ca Nghệ Tĩnh lên một tầm vóc mới để nó thực sự có giá trị bền vững.

Bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ảnh 1

Bảo tồn, phát huy, phát triển ví, giặm là việc làm hết sức cần thiết, đòi hỏi phải có những chủ trương, chính sách phù hợp thực tiễn. Ảnh: QS

Công việc cụ thể hiện nay là tiếp tục sưu tầm, khai thác, bảo tồn những câu hát giặm còn lưu lại trong dân gian. Các hội thi, hội diễn liên hoan văn hóa - văn nghệ cần chú ý quan tâm, động viên những tác phẩm mang hồn cốt ví, giặm Nghệ Tĩnh, ngành văn hóa phải thường xuyên chăm lo đào tạo, phát triển lực lượng dân ca. Bên cạnh đó, thường xuyên mở các lớp đàn - hát dân ca cho cán bộ văn hóa – nghệ nhân, thanh niên ở cơ sở và quan tâm động viên những nghệ nhân, nghệ sĩ có bề dày về đàn hát dân ca. Họ là lực lượng trao truyền, hướng dẫn phong trào dân ca cơ sở.

Mặt khác, để dân ca tồn tại và phát triển, Nhà nước nói chung, ngành văn hóa nói riêng phải đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, phát triển đội ngũ những người soạn lời mới cho dân ca. Qua thực tế nhiều năm, đội ngũ này thường bị lãng quên. Ngay việc xét công nhận các danh hiệu văn hóa cũng thường ít nhắc tới những con người có công sáng tạo ban đầu.

Bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ảnh 2

Một tiết mục ví, giặm do các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh biểu diễn. Ảnh: Tuệ Mẫn

Bảo tồn di sản ví, giặm là việc làm cần thiết nhưng hình thức và không gian diễn ca, diễn xướng thì phải thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội đương đại. Ví dụ, không còn nhiều làng nghề để khôi phục không gian diễn xướng, thì từ lâu, người dân Nghệ Tĩnh đã đưa hát dân ca lên sân khấu. Đó còn gọi là “rượu cũ, bình mới”. Điều cần bàn hiện nay là nên đưa dân ca ví, giặm vào các lễ hội để thu hút sự thưởng ngoạn của khách du lịch. Bảo tồn, thừa kế, phát huy ví, giặm không khó vì hợp lòng dân. Nhưng phát huy, phát triển ví, giặm thế nào để vừa nâng cao đời sống tinh thần, vừa gắn phát triển văn hóa với kinh tế, văn hóa, du lịch thì đây là việc cần thiết, phải có những cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học, không nên phát huy theo lối tự phát rồi dẫn đến việc thương mại hóa ví, giặm.

Bảo tồn và phát huy di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ảnh 3

Một tiết mục ví, giặm do gia đình nghệ nhân Vũ Thanh Minh biểu diễn. Ảnh: AH

Gần đây, có người nêu vấn đề: “Đưa ví, giặm vào hát karaoke”. Ý kiến này được nhiều người nhắc đi, nhắc lại, có người cho là một “tư duy” mới. Riêng tôi, vẫn còn nhiều lấn cấn.

Xin được nêu lên một suy nghĩ cá nhân. Bảo tồn, thừa kế, phát huy, phát triển ví, giặm là việc làm hết sức cần thiết, đề nghị Đảng, Nhà nước, ngành văn hóa có chủ trương, chính sách thích hợp để dân ca thực sự là dân hát, hát đúng với xu thế phát triển của xã hội văn minh mà dân làm chủ. Điều chắc chắn là dân biết phát triển có lành mạnh, có văn minh, có nhân văn thì mới tồn tại bền vững, mới có giá trị tinh thần khi ví, giặm của dân đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại.

(Chi hội VHNT Nghi Xuân)

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast