Bếp lửa đầu xuân

(Baohatinh.vn) - Mẹ tôi từng bảo rằng, bếp lửa không đơn giản là nơi sinh hoạt mà nó còn gắn liền với cuộc đời mỗi người, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và cũng từ lâu, bếp lửa đã gắn chặt với hình ảnh những người mẹ, người vợ đảm đang. Bếp lửa trong ngày tết có vị trí quan trọng hơn, thiêng liêng hơn khi chính nơi đó tạo ra các loại bánh thờ tổ tiên ngày tết. Nơi con cháu quây quần bên ông bà suốt một năm, quay về tìm hơi ấm tình yêu thương người thân. Nơi kết nối yêu thương, hạnh phúc.

Tôi như một cánh chim bay lượn trên bầu trời mà mình đã chọn. Cứ mùa xuân về, tôi không quên nhấc đôi cánh của mình về với quê hương, gia đình. Và mỗi lần quay về, nhìn thấy bếp lửa rực lên ánh than hồng, trái tim tôi như được sưởi ấm và tôi nhận ra rằng, không nơi đâu hạnh phúc, bình yên bằng chính gia đình của mình.

Ảnh minh họa từ internet

Ảnh minh họa từ internet

Ngày trước, bếp lửa được xem là “điều kiện” để kén chọn dâu hiền. Đó là những cô gái dịu dàng, luôn biết giữ lửa cho gia đình, biết cách tạo ra món ăn ngon thì dẫu mẹ chồng khó tính nào cũng thích. Còn ngày nay, tuy tập tục đó đã lùi xa nhưng người phụ nữ Việt Nam vẫn giữ gìn những nét đẹp văn hóa đó. Có điều gì vui bằng sau những buổi làm việc vất vả, họ lại trở về với bếp lửa quen thuộc để chế biến những món ăn cho chồng con. Đặc biệt, trong các ngày có việc trọng đại của gia đình, nhất là mỗi dịp tết đến, xuân về, trong căn bếp nhỏ đều có mặt các chị, các mẹ cặm cụi nấu những món ngon đãi khách. Trong niềm vui sum vầy, bên mỗi bếp lửa xuân, mẹ kể những câu chuyện hay, những điều thú vị mà cuộc đời mẹ đã trải qua. Bếp lửa vẫn cháy rực và sưởi ấm chúng tôi như trái tim của mẹ vậy.

Tôi nhớ nhất là tập tục giữ lửa vào ngày xuân trên quê hương tôi. Đó vừa là phong tục, vừa là nếp nhà có từ lâu đời trên mảnh đất “chưa mưa đã thấm” này. Và người góp phần quan trọng trong việc giữ lửa, đó là những người phụ nữ chân chất thôn quê.

Lâu ngày về đón tết, hình ảnh chái bếp cũ kĩ, đầy rơm rạ với bếp lửa lúc nào cũng hừng đỏ làm tôi thấy hạnh phúc và thêm yêu mẹ. Lúc nào mẹ cũng là người giữ lửa trong gia đình, đem lại tiếng cười, niềm vui hạnh phúc cho những đứa con. Mẹ vẫn giữ thói quen cũ, đó là hay ủ những hũ dưa chua, treo những dây hành, dây tỏi lủng lẳng để tiện nấu ăn. Những xâu tỏi, xâu hành đong đưa vào kí ức của tôi những ngày thơ bé.

Tết đến, mẹ bận bịu hơn với việc nhà, với việc chọn lựa những thanh củi to dành đốt vào ngày tết. Mẹ thường gọi lũ con gái trong nhà ra ngồi quanh mẹ, dặn rằng: Dù giàu hay nghèo, mỗi gia đình cũng phải biết giữ lửa đầu năm. Đây là phong tục từ thời cha ông để lại, là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa. Bởi lửa được xem là “linh khí” trong nhà, có thể xua đuổi tà ma, xua đuổi những điềm xấu. Và theo tín ngưỡng, bếp lửa có thể duy trì được hạnh phúc.

Chiều ba mươi tết, mẹ chọn những cây củi thật to để nấu nướng, làm mâm cỗ cúng tổ tiên. Sau khi nấu xong, mẹ thường dúi những cây củi lửa đó xuống bếp than và sáng mùng một tết dùng lại. Và cứ thế, ngọn lửa trong nhà không bao giờ tắt, nó được thắp sáng liên tục trong những ngày đầu xuân. Vào những ngày đầu năm giá lạnh, con cháu ngồi quây quần bên bếp lửa cùng với ông bà, cha mẹ để chia sẻ những câu chuyện vui, cùng nhau ăn cơm, uống rượu mừng năm mới.

Sự khéo léo, đảm đang của người phụ nữ luôn là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta. Vừa là người biết giữ lửa, nấu những món ăn ngon cho gia đình, mỗi người phụ nữ luôn giữ cho mình ngọn lửa của tình yêu thương, lòng bao dung. Mùa xuân về, hãy để những ngọn lửa trong mỗi gia đình luôn tỏa sáng, ấm áp như tình yêu của những người phụ nữ trên mọi miền quê Việt!

(Thôn Cổ An 3, Điện Nam Đông, Điện Bàn, Quảng Nam)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast