Bồi đắp tình yêu, lòng tự hào quê hương

(Baohatinh.vn) - Dân ca ví, giặm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Tĩnh. Những câu hò, điệu ví không chỉ ăn sâu trong tiềm thức của các thế hệ đi trước mà tuổi trẻ hôm nay vẫn trọn vẹn một tình yêu đối với di sản của quê hương. Các trường học trên địa bàn tỉnh đang đưa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào tiết học ngoại khóa để góp phần gìn giữ và phát huy di sản văn hóa đặc sắc này.

Thầy Dương Văn Lâm - Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: “Nhiều năm nay, các trường tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh đã nỗ lực đưa dân ca vào trường học thông qua nhiều kênh, với hình thức tổ chức đa dạng, phong phú, tạo nên sự hào hứng đối với học sinh. Những bài ca mộc mạc, thấm đẫm tình quê, tình người của người dân Xứ Nghệ đã trở nên quen thuộc với các em, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách”.

Bồi đắp tình yêu, lòng tự hào quê hương ảnh 1

Tiết mục biểu diễn dân ca của học sinh Trường Tiểu học Mỹ Châu (Lộc Hà).

Cô Võ Thúy Hiền - Tổng phụ trách Liên đội Trường Tiểu học thị trấn Thạch Hà chia sẻ: “Việc đưa dân ca vào trường học đã được nhà trường thực hiện khá bài bản, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa - văn nghệ, ngoại khóa … Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với Trung tâm VHTT huyện tổ chức dạy cho học sinh các làn điệu dân ca một buổi/tháng và 4 tháng lại có chương trình biểu diễn”. CLB dân ca của trường được thành lập cách đây 2 năm và ngày càng thu hút đông đảo học sinh tham gia. Điều đáng nói, ý thức được tầm quan trọng của dân ca trong việc bồi đắp tình yêu, lòng tự hào về bản sắc văn hóa của quê hương nên các phụ huynh cũng hết sức quan tâm cả về tinh thần lẫn vật chất.

Việc đưa dân ca vào trường học không chỉ đơn thuần dạy hát mà quan trọng là giúp học sinh nhận ra được những giá trị to lớn của dân ca, để các em biết trân trọng, giữ gìn di sản văn hóa dân tộc. Chính vì thế, dân ca đã đến với học sinh qua nhiều kênh như: giới thiệu bài hát dân ca trên các phương tiện thông tin; thành lập CLB hát dân ca; xen kẽ các tiết mục hát dân ca vào buổi chào cờ đầu tuần, múa hát sân trường, hay những giờ ngoại khóa, tổ chức hội thi tại các trường học.

Tại Trường Tiểu học Kỳ Sơn (Kỳ Anh), từ năm học 2008-2009, thầy Nguyễn Văn Sang - giáo viên tổng phụ trách đội bắt đầu đưa dân ca vào màn múa hát sân trường. Từ mô hình này, đến nay, phong trào đã thực sự lan tỏa khắp các trường học trên địa bàn huyện Kỳ Anh. Thầy Phan Duy Dương - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Dân ca có đặc trưng, sắc thái riêng, lại phù hợp với thổ âm, thổ ngữ của địa phương nên dễ đi vào lòng người. Với trường chúng tôi, điều thuận lợi là có 2 giáo viên dạy nhạc có giọng hát hay và niềm đam mê dân ca nên mặc dù cơ sở vật chất, thiết bị dạy âm nhạc thiếu thốn nhưng thầy và trò vẫn say sưa với những câu hò, điệu ví của ông cha”.

Nghi Xuân là một trong những địa phương sớm phát triển phong trào biểu diễn dân ca lứa tuổi học đường - khoảng năm 1998. Chính vì thế, đối với đội ngũ giáo viên và các thế hệ học sinh ở đây, dân ca đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Em Trần Thị Yến - Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết: “Sau những tiết học văn hóa, chúng em lại được hát những làn điệu dân ca. Từ đó, chúng em biết trân trọng và có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông”.

Dân ca ví, giặm đang trở thành một hình thức sinh hoạt phong phú trong trường học, đặc biệt là bậc tiểu học. Theo thầy Dương Văn Lâm: “Đây là bậc học khởi đầu, nếu phát huy tốt, dòng chảy dân ca sẽ theo các em suốt cuộc đời. Hơn nữa, việc thẩm âm ở lứa tuổi này cũng dễ dàng hơn...”.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Để bảo tồn, phát huy giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Sở GD&ĐT đã lập kế hoạch đưa di sản văn hóa phi vật thể này vào hệ thống các trường tiểu học. Trước mắt, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh sẽ được giảng dạy trong các giờ học ngoại khóa, sau đó, có thể lồng ghép vào một số buổi chào cờ, sinh hoạt đội và mỗi trường tiểu học sẽ thành lập một CLB dân ca ví, giặm của học sinh.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast