Bồi hồi chạm bóng thủ đô

Một sớm mùa thu se lạnh, bảng lảng hơi sương, tôi trở lại giữa lòng Hà Nội trong nỗi nhớ vơi đầy...

Tưởng như bao nhiêu dịu êm, thanh khiết của đất trời đều nhằm ngày đó cùng tôi trở về giữa phố phường thủ đô. Hà Nội vì thế trở nên êm đềm, huyền ảo và đậm sắc thu hơn bao giờ hết.

Tháp rùa bình dị mà thiêng liêng, cổ kính
Tháp rùa bình dị mà thiêng liêng, cổ kính

Cái ngày chia xa từng góc phố thân quen, tôi chẳng bao giờ ngờ tới những lúc lòng lại chơi vơi niềm nhớ nhung đến thế. Từ thuở ấy tôi không nhớ đã về - đi bao lần, lúc vội vã, lúc thảnh thơi nhưng chưa bao giờ trái tim lại dâng lên xúc cảm bồi hồi như lần trở lại này. Có lẽ càng gần đến đại lễ 1000 Thăng Long – Hà Nội, tất thảy những người con đất Việt đều mang cảm giác bồi hồi như vậy khi hướng lòng mình về phía “trái tim hồng” thiêng liêng của Tổ quốc.

Hà Nội rực rỡ với những con đường hoa...

Hà Nội rực rỡ với những con đường hoa...

Sáng ấy trời Hà Nội vời vợi màu hồ thủy, nắng như tơ thả voan xuống mặt Hồ Gươm óng ánh và từng sợi len lỏi qua những tán cây tìm hương hoa mùa thu. Gốc lộc vừng xù xì ven hồ đã thả những chuỗi dài lấm tấm hoa đỏ tỏa thơm ngai ngái. Chẳng biết cây đã bao tuổi trời mà lúc nào cũng đứng lặng phắc như một chỗ bám víu đầy tin cậy cho những đứa con ly hương níu bóng quay về.

Tôi lặng lẽ ngồi bên những con sóng nhỏ nhìn những cành liễu rũ mềm bay bay trong heo may, nhìn Tháp Rùa trầm mặc giữa làn sương lãng đãng, ngắm những cụ già bình thản dạo phố thả mặc cho lòng mình trôi trong miền êm ả, thanh bình ấy. Chợt mơ màng nhớ những chiều hoàng hôn, mặt trời buông tia nắng cuối ngày như nét vẽ trên gác chuông nhà thờ con phố tôi trọ học, nhớ đường Láng xào xạc lá xà cừ rụng vàng như ngàn trăng rơi xuống phố, nhớ Tây Hồ khói sương bảng lảng... Ấy là những chiều thu Hà Nội đẹp mơ hồ và rất quyến rũ…

Cùng với sắc thái cổ kính, lãng mạn ấy, mùa thu này, thủ đô xôn xao hơn bởi các hoạt động hướng về đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Không riêng gì Hà Nội, khắp mọi ngả miền đất nước hiều công trình đang được đẩy nhanh tiến độ, gấp rút hoàn thành để kịp đón chào sự kiện này.

... và đậm đà văn hóa trên con đường gốm sứ dài 4.000 m
... và đậm đà văn hóa trên con đường gốm sứ dài 4.000 m

Mỗi ngày Hà Nội đón nhận rất nhiều tin mừng từ các công trình và cũng đã tiến hành gắn biển 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cho một số công trình. Trên các tuyến phố của Hà Nội, từ những cây cột điện cho đến các hè phố và vườn hoa công viên... mọi thứ đều đang chuyển động và dần khoác lên mình những chiếc áo mới.

Quanh bờ hồ và một số ngả đường những chậu cẩm tú cầu, thu hải đường, cúc vàng, hồng nhung, đồng tiền… đang ngày ngày được chăm sóc kỹ lưỡng. Các trục đường chính dẫn vào thủ đô như Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng... đã được trưng đèn kết hoa rực rỡ.

Hệ thống trang trí chiếu sáng tại một số cầu bắc qua sông Hồng như Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thăng Long cũng đã lắp đặt xong. Các công trình trong khu di tích thành cổ cũng đã hoàn thành để mở cửa đón du khách vào thăm viếng.

Trong dịp này, tất cả các phố trong Khu phố cổ Hà Nội được treo đèn lồng đại lễ. Những ngôi nhà cổ như 38 Hàng Đào, 87 Mã Mây, 51 Hàng Bạc, 28 Hàng Buồm... mở cửa đón khách cả ngày và mỗi tối đều có chương trình ca nhạc cổ truyền. Ngoài ra, tại đây còn trưng bày các tác phẩm nghệ thuật nhà cổ và di sản về Hà Nội xưa.

Từ phương nam xa xôi, các tỉnh như Lâm Đồng, Đắc Lắc, Bến Tre v.v… đã chở những kỷ vật của mình ra thủ đô đón mừng đại lễ. Bức tranh thêu “Uớc nguyện ngàn năm Thăng Long” từ XQ sử quán (Đà Lạt - Lâm Đồng)qua 17 tỉnh đã đến điện Kính Thiên vào cuối tháng 9 này.Các nghệ nhân đúc đồng cũng đã hoàn thành những sản phẩm trống đồng, công, chiêng, rồng thời Lý với chương trình lễ hội vang dậy hào khí Thăng Long.Cả những đứa con xa xứ tận nước người cũng đã chuẩn bị những chương trình nghệ thuật độc đáo hướng về cố hương…

Bước đi trong không khí ấy tôi như thấy lòng mình rạo rực hơn và mùa thu Hà Nội như cũng được điểm tô thêm nhiều sắc thái mới tươi vui, rực rỡ hơn xưa…

Trên công trình Con đường gốm sứ dọc đê sông Hồng, các nghệ sỹ cũng đang hoàn thành những mảnh ghép cuối cùng. Được đánh giá là một trong những công trình lớn nhất mừng đại lễ, Con đường gốm sứ dài gần 4.000m với sự tái hiện chiều dài lịch sử dân tộc và những bức tranh đương đại của họa sỹ Việt Nam, nước ngoài và các em thiếu nhi thật sự là một công trình vừa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vừa chuyển tải thông điệp về tình hữu nghị kết quốc tế.

Ngày 5/10 tới, tổ chức Kỷ lục Guinness Thế giới sẽ có mặt tại buổi lễ khánh thành tổng thể Con đường Gốm sứ và trao bằng chứng nhận bức tranh gốm dài nhất thế giới nhân dịp Hà Nội tổ chức đại lễ kỷ niệm. Bức tranh do 20 nghệ sĩ Việt Nam, 15 nghệ sĩ quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, cùng 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ các làng gốm thực hiện gồm 21 trường đoạn chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp theo các chủ đề: tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các hoạ tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - thành phố vì hoà bình.

Con đê Yên Phụ bê tông xám xịt ngày nào đã khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ sắc màu và chắc hẳn bất kỳ ai đi qua con đường ấy cũng sẽ thêm yêu Hà Nội, yêu Tổ quốc, tự hào về lịch sử - văn hóa của dân tộc.

Đêm Hồ Tây sóng sánh, mùi hoàng lan, mùi hoa sữa ngọt ngào thả hương theo gió la đà khắp mặt hồ loang loáng trăng thu. Sương, nước, trăng, hoa đã trả lại cho mùa thu Hà Nội vẻ tĩnh lặng, bí ẩn cổ xưa…

Tôi đã đi trọn một ngày qua từng góc phố, đã cảm nhận đầy đủ sự đổi thay của sự vật và đêm nay lòng như thực như mơ trước vẻ đẹp liêu trai của đêm thu Hà Nội. Rồi mơ thấy mình lẫn vào bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời, bồi hồi đón chào một trang sử mới của thủ đô ngàn năm văn hiến trong ánh hào quang rực rỡ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast