Ca trù xanh bóng thời gian

Chúng tôi đến Nghi Xuân giữa một chiều đông dìu dặt gió. Trong miên man, réo rắt, dìu dặt từng khúc cầm phổ, trong buông lơi, níu kéo từng điệu ca trù… nhà thờ Nguyễn Công Trứ như cũng nhuốm màu cổ xưa. Tôi đứng đó, lắng nghe và thoáng rùng mình bởi cảm giác liêu trai giữa buổi chiều tịch mịch. Phút chốc thấy như mình đang trôi về những đêm ả đào xa vắng…Có lẽ chỉ không gian âm nhạc của ca trù mới có sức gợi và sức lay động hồn người đến thế.

Người lữ khách đi cùng tôi đã đứng lặng phắc nghe như nuốt lấy từng thanh âm cổ xưa ngọt ngào trên vùng đất vốn đã đi vào suy nghĩ của chị bằng sự cằn cỗi của gió cát miền Trung.

Tiếng nhẹ như bấc, bác bảo vệ bảo chúng tôi:

- Vào đi các cháu.

- Dạ, xin phép bác cho cho chúng cháu vào – chị bạn đi cùng lúc này mới sực tỉnh.

- Chiều hát nào cũng có người đến nghe, các cháu đừng ngại.

Dường như những giọt thanh âm trong trẻo của thể hát ca trù đã lẫn trong gió cát Nghi Xuân, lẫn trong bầu sữa thơm của mẹ mà chảy tự nhiên trong thanh quản bao người dân quê nên đến cả bác bảo vệ cũng có một chất giọng riêng, vừa thanh trong vừa níu kéo.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ
Một buổi sinh hoạt định kỳ của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ

Trước khi đến đây nghe hát, tôi đã có buổi trò chuyện với chị Trần Thị Cảnh – Phó GĐ trung tâm văn hóa huyện Nghi Xuân. Chị Cảnh từng là chủ nhiệm CLB ca trù Nguyễn Công Trứ và hiện vẫn đang là thành viên sinh hoạt rất tích cực tại đây. Chị cho biết: “Sau khi nhà thờ Nguyễn Công Trứ được tu bổ và đưa vào sử dụng thì chúng tôi cũng đổi tên thành CLB ca trù Nguyễn Công Trứ, đó vừa là sự tri ân với công lao của cụ Nguyễn đối với không gian ca trù ở Nghi Xuân lại vừa như đề ra một trách nhiệm, một mục tiêu phấn đấu đối với mỗi thành viên”.

Đúng như niềm mong mỏi của những người làm công tác văn hóa ở đây, những thành viên cốt lõi của CLB đã hoạt động rất tích cực. Những ngày đầu, cách đây mười mấy năm, họ đã phải lặn lội đạp xe xuống tận nhà 2 nghệ nhân Phan Thị Mơn và Phan Thị Nga để nghe các cố hát rồi chép lời, thu thanh sưu tầm các điệu hát cổ để về học và truyền dạy cho các thành viên khác. Những ngày gian khổ ấy, có khi họ phải cơm đùm, cơm nắm xuống học tại nhà các ca nương. Và trời đã không phụ công họ, lứa học trò đầu tiên của phong trào khôi phục không gian ca trù Cổ Đạm ấy đã học được từ các nghệ nhân các tuyệt kỹ của ca trù. Trong đó chị Trần Thị Cảnh là người có công lớn trong việc khôi phục các điệu múa cổ, chị Đặng Thị Thùy Vân thì sưu tầm điệu hát còn anh Bùi Thanh Tuấn thì chú trọng đến âm nhạc trong không gian ca trù. Còn bây giờ thì họ vừa sưu tầm vừa truyền dạy các thể cách ca trù đã được phục dựng đầy đủ.

Tiết mục hát múa "Chúc hổ" của đoàn Hà Tĩnh đạt giải A tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2012
Tiết mục hát múa "Chúc hổ" của đoàn Hà Tĩnh đạt giải A tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2012

Trong sân nhà thờ, đang ngồi trên chiếu là ca nương Đặng Thị Thùy Vân, cạnh bên là kép đàn Thanh Tuấn. Trời đông dìu dặt gió, chếch chếch trên cao trăng chiều đang lên, khuôn trăng lưỡi liềm như cũng trĩu xuống phía chiếu hát. "Uẩy kìa ai, như mây tuôn, như nước chảy, như gió mát, như trăng thanh, lơ lửng khéo trêu ngươi chi thế mãi...". Thoáng lạnh người, tôi nắm chặt tay chị bạn đi cùng cũng đang rưng rưng xúc cảm. Tuyệt kỹ của ca trù không biết từ đâu cứ theo thanh quản của ca nương mà tuôn ra khi dìu dặt, lúc khoan thai, khi xa vắng, lúc réo rắt, khi níu kéo, lúc đứt lìa... Tôi chợt nghĩ rằng, ai đó nếu một lần, chỉ một lần thôi nghe chị hát cũng sẽ cảm thấy mình như đang sống ở làng Cổ Đạm xưa. Bỏ lại bao lo toan vất vả của cuộc sống thường ngày, đào Vân đã thực sự sống trong không gian âm nhạc vừa dân dã lại vừa sang trọng của ca trù. Dường như trong ánh mắt xa vắng, mênh mông của chị chỉ còn có không gian này với từng nhịp phách, từng khúc cầm phổ và nguồn ca trù tuôn chảy.

- Chị Vân vừa mới được Hội văn nghệ dân gian phong tặng danh hiệu nghệ nhân ca trù đó – Một người đến xem nói rất thông tỏ!

Tôi chợt nhớ đến những huy chương vàng, huy chương bạc mà ca nương Thùy Vân từng đạt trong các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc. Đó là thành quả của những ngày miệt mài theo học các nghệ nhân và mày mò tự học theo băng đĩa. Chị và những người thuộc thế hệ đầu tiên của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ đã bằng niềm say mê của mình từng bước đưa ca trù ra khỏi trí nhớ các nghệ nhân hiếm hoi còn sót lại của làng Cổ Đạm và truyền rộng ra công chúng. Giờ đây với danh hiệu mới, chắc hẳn chị sẽ lại có thêm nhiều đóng góp hơn nữa trong việc bảo tồn vốn quý này.

Hiện nay, đã thành nếp, chiều thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, các thành viên của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ (tiền thân là CLB ca trù Nghi Xuân) lại cùng nhau sinh hoạt tại nhà thờ cụ Nguyễn. Và thế là những anh thợ cày, những chị thợ cấy từ những thôn làng xa xôi lại rũ bỏ những lam lũ đồng ruộng đến đây cùng các cán bộ văn hóa, hóa thân thành những kép đàn thanh nhã, những đào nương tài duyên. Chính họ đã tạo cho Nghi Xuân có một không gian âm nhạc đặc thù, đứng riêng biệt giữa các vùng giàu văn hóa trong tỉnh. Các tiết mục, điệu hát của họ không chỉ phục vụ du khách đến viếng cụ Nguyễn mà còn thường xuyên phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa trong và ngoài tỉnh.

Khác với CLB ca trù Cổ Đạm, CLB ca trù Nguyễn Công Trứ không có được cái nền tảng của đất cổ ca trù, thành viên cũng không có những nghệ nhân ngày xưa như cố Mơn và cố Nga mà chỉ là một số người làm công tác văn hóa say mê ca trù của huyện và chiêu mộ thêm các em trẻ vào để đào tạo. Chính vì thế, CLB còn mời thêm một số ca nương của CLB ca trù Cổ Đạm như đào Xanh, đào Nết vào sinh hoạt và đảm nhiệm công tác truyền dạy. Với ý thức trách nhiệm về giữ gìn vốn văn hóa truyền thống quý báu của quê hương, ngoài việc duy trì tập luyện các điệu hát, các thành viên kỳ cựu của CLB như chị Trần Thị Cảnh, anh Bùi Thanh Tuấn còn chú trọng tìm hạt nhân từ các phong trào văn nghệ quần chúng về kèm cặp. Rất nhiều thế hệ các bạn trẻ đã đến đây sinh hoạt và thấm nhuần những câu chữ, cách luyến láy, nẩy hạt, ngân hạt và nhịp phách của lối hát ca trù. Chẳng những thế mà từ chiếu hát này, đã có những giọng ca trẻ vút bay, chói sáng trong các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc như Phương Anh (huy chương vàng Liên hoan ca trù toàn quốc 2008), Thu Hà - 9 tuổi (ca nương triển vọng tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011).

Ca nương Thu Hà biểu diễn bài Hát nói "Hồng hồng tuyết tuyết" tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011
Ca nương Thu Hà biểu diễn bài Hát nói "Hồng hồng tuyết tuyết" tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011

Trong các buổi sinh hoạt, thành viên của CLB còn thực hiện công tác truyền dạy các thể cách ca trù cho thế hệ trẻ. Và trong buổi chiều hôm ấy chúng tôi còn được nghe bé Thu Hà hát điệu Tứ quý: “Khuyên ai đừng đến cuộc ly bi/Trân trọng lấy hương đời cho trọn vẹn/Huê với khách như đà có hẹn/Ưa màu nào màu ấy là xinh/Trăm huê cũng hái một ngành”. Với độ tuổi của mình hẳn là đào Hà chưa hiểu hết ý nghĩa lời hát nên cảm xúc chưa chín nhưng với giọng hát thanh cao, kỹ thuật nẩy hạt, nhả chữ của em cũng khiến người nghe nổi gai ốc. Chính tôi cũng đã nghe như nuốt lấy từng đoạn, từng đoạn khoan nhặt, mềm mại rơi trong chiều đông quạnh quẽ. Hiện tại Thu Hà đang được các cô chú trong CLB kèm cặp và hướng đến đào tạo hát chuyên sâu. Hy vọng trong tương lai em sẽ trở thành một ca nương thanh sắc của miền đất ca trù một thời vang danh.

Nói về công việc truyền dạy ở CLB ca trù Nguyễn Công Trứ là nói đến những công việc âm thầm rất đáng trân trọng. Những thành viên ở đây đều hoạt động một cách tự nguyện. Quả thật nếu không có tình yêu đặc biệt với ca trù, không có tình yêu quê hương thì hẳn là những ca nương, những kép đàn ấy chẳng cất công đi vận động các em tham gia CLB rồi truyền dạy không thù lao miệt mài bao năm nay. Hiện, các thành viên CLB vẫn đang tiếp tục công việc sưu tầm và phục dựng các thể cách cổ như chúc hổ, đại thạch trong không gian cửa quyền… Chỉ có niềm say mê vô hạn mới có thể nuôi lớn khát vọng hồi phục không gian ca trù một cách chân thành và mạnh mẽ như thế.

Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới là một điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của không gian ca trù nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn của đời sống thường nhật chen lẫn trong niềm say mê. Đó cũng chính là khó khăn mà các CLB ca trù ở Nghi Xuân đang gặp phải. Anh Bùi Thanh Tuấn – Chủ nhiệm CLB ca trù Nguyễn Công Trứ cho biết: “Chúng tôi đã đào tạo rất nhiều thế hệ học viên nhưng phần lớn các em đều không gắn bó dài lâu với bộ môn nghệ thuật này mà rẽ sang con đường khác để kiếm kế sinh nhai. Trong đó có nhiều trường hợp rất triển vọng như Phương Anh cũng đã rẽ sang con đường khác, để lại cho chúng tôi rất nhiều tiếc nuối”. Âu đó cũng là lẽ thường. Và với một người ngoại đạo như tôi đó cũng là một khía cạnh của thành công vì biết đâu, theo cách ấy lại hình thành một xã hội ai cũng biết hát ca trù. Tuy không chuyên sâu nhưng biên độ phổ biến lại rộng.

Rời Nghi Xuân khi trời chiều đã ngả sang màu tối, chúng tôi ra về trong những xúc cảm chưa dứt của những khúc cầm phổ. Và tôi tin, trong muôn nẻo đời sống, từ chiếu hát của CLB ca trù Nguyễn Công Trứ sẽ có một thế hệ tiếp nối sống với ca trù bằng niềm say mê vô điều kiện, bằng trách nhiệm với vốn văn hóa truyền thống quý báu của quê hương. Cho không gian âm nhạc của ca trù sẽ xanh mãi giữa dòng thời gian vô thủy vô chung.

Bút ký

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast