Cần thận trọng với "ngôn tình"

Với sự xuất hiện ngày càng dày đặc các tiểu thuyết “ngôn tình” nhiều năm gần đây, có lẽ đã đến lúc các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục cần quan tâm và có những định hướng trong công tác quản lý dòng văn học không chính thống này.

Vì sao “ngôn tình” hấp dẫn người đọc

Ngôn tình là một thể loại văn học bắt nguồn từ Trung Quốc, song song với dòng văn học chính thống. Nhiều năm nay, tại đất nước này “ngôn tình” được coi như một thứ đặc sản, không chỉ có vậy nó còn lan sang các quốc gia khác trong khu vực trong đó có Việt Nam. Từ năm 2006 đến nay, tốc độ phát triển của “ngôn tình” tại Việt Nam có thể nói đã đạt đến đỉnh điểm. Điều này dễ dàng nhận thấy khi dòng văn học không chính thống này luôn luôn chiếm vị trí lớn tại các nhà sách, hiệu sách lớn nhỏ. Bên cạnh đó, trên các diễn đàn, các web đọc sách online, cũng thấy sự xuất hiện tràn lan của “ngôn tình”.

Những từ ngữ bay bổng, những câu truyện không thật của "ngôn tình" dễ khiến người đọc mụ mị, ảo tưởng
Những từ ngữ bay bổng, những câu truyện không thật của "ngôn tình" dễ khiến người đọc mụ mị, ảo tưởng

Trong hơn một thập kỷ qua, văn học mạng Trung Quốc đã đi từ thể loại văn học “thực tế” sang thể loại “ngôn tình”, đậm chất lãng mạn, mang nhiều yếu tố giả tưởng, siêu thực, để đáp ứng thị hiếu của số đông độc giả trẻ Trung Quốc.

Mặc dù khi mới ra đời, tiểu thuyết ngôn tình trên các trang web văn học của Trung Quốc không được tin là sẽ tồn tại lâu dài, nhưng hiện tại nó đã chứng minh điều ngược lại và đang thống trị đời sống văn hóa đọc của giới trẻ Trung Quốc. Sở dĩ, “ngôn tình” phát triển nhanh và mạnh như vậy là bởi bất kỳ ai cũng có thể đăng ký làm người sáng tác trên các trang web văn học. Trên các trang web văn học đã đăng ký, người sáng tác có thể giới thiệu những tác phẩm của mình. Theo tính toán của trang văn học Shanda - một trang văn học mạng lớn nhất Trung Quốc - mỗi quý, có khoảng 1,5 triệu người đăng ký làm tác giả trên trang của họ và viết ra hơn 4 triệu kỳ truyện. Trong số hơn 4 triệu kỳ truyện đó, những truyện đạt lượt truy cập cao sẽ được quảng cáo rầm rộ và trở thành tác phẩm ăn khách…Với đội ngũ “sáng tác” hùng hậu như vậy, dễ hiểu vì sao “ngôn tình” lại phát triển nhanh đồng thời có sức lan tỏa lớn.

Bên cạnh đó, nội dung của ‘’ngôn tình” thuyết phục được người đọc bởi nó biết đánh vào tâm lý của đám đông. Đặc biệt là lứa tuổi từ 15 đến 25, rất nhiều người chọn ngôn tình để giải trí, mặc dù cũng chính họ công nhận rằng nó “sến” và "tẻ nhạt". Dù có nhiều quan điểm khác nhau, song không thể phủ nhật rằng “ngôn tình” là thứ dễ đọc và nhẹ đầu. Trong cuộc sống hàng ngày vốn đã có quá nhiều gánh nặng, áp lực và vô số tin tức bủa vây thì dường như những thứ “nhẹ nhàng” dễ được chấp nhật. Có lẽ, thực tế càng khốc liệt và trần trụi thì càng cần những thứ phi phàm, ảo giác như một giải pháp để cân bằng tâm lý.

Tình yêu trong truyện ngôn tình là thứ tình yêu mà ai cũng ao ước trong đời, và dường như càng mệt mỏi với những phong ba trong đời thực, người ta càng cố làm nó thăng hoa trong văn chương như để khỏa lấp những ước mơ và mộng tưởng. Mặc dù, đó chỉ là văn chương thiên về giải trí và không thật. Cứ như vậy, giới trẻ thì say mê “ngôn tình”, người lớn hơn thì lên tiếng phê phán, cho rằng nó trở thành một thứ “bệnh dịch”, thứ văn chương này đang “làm hỏng” tâm hồn non nớt của những người trẻ. Các cơ quan quản lý của Trung Quốc cũng không ít lần phải đưa vấn đề này ra các hội thảo, hội nghị để tìm hướng giải quyết song vẫn chưa có hồi kết.

Cần thận trọng với “ngôn tình”

“Bệnh dịch” này đã lan sang Việt Nam và bám rễ khá lâu đủ để lan truyền trong một cộng đồng không hề nhỏ giới trẻ, nó sẽ tiếp tục lan rộng nếu như các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục không có sự định hướng trong khâu quản lý thể loại văn học này.

Không như suy nghĩ đơn giản của nhiều người đọc chỉ đọc để giải trí, thực tế “ngôn tình” có khả năng gây hại bởi nó gây nhiều ảo tưởng tâm lý. Những chuyện tình đẹp lung linh, những nhân vật đẹp hoàn hảo, dễ khiến người trẻ vì quá “thần tượng” nhân vật và thế giới trong truyện mà buông mình trong thế giới ảo. Khi rời trang sách để trở lại với thế giới thực, người đọc lại dễ cảm thấy thất vọng, tự ti vì cuộc sống xung quanh mình và cả bản thân mình không đẹp như tiểu thuyết. Từ thực tế đó sẽ dẫn tới sự chán nản, buông xuôi, và dẫn đến những hành động tiêu cực.

Bên cạnh đó, để câu khách, nhiều nhà văn đã đưa những yếu tố “người lớn’’ vào truyện khiến cho các tiểu thuyết chẳng khác gì truyện khiêu dâm ( Chuyện cũ của Lịch Xuyên). Đáng lo ngại hơn nữa là những nội dung lệch lạc cũng được đưa vào truyện ví như việc người có thể yêu thú ( Bạn trai tôi là Sói), hay những tên sát nhân máu lạnh thích uống máu nạn nhân của chính mình (Cuốn đề thi đẫm máu)… Đây chính là mầm mống cho những hành động thiếu đạo đức, là tác nhân gây ra những sự việc đáng tiếc, đồng thời làm mất đi ý niệm về tình yêu đẹp trong sáng của người đọc.

Có thể nói tiểu thuyết ngôn tình không dành cho những ai dễ có cảm giác buồn chán, tính cách có phần bi lụy. Bởi nếu không có đủ bản lĩnh, không xác định rõ sự “không thật” của truyện, người đọc sẽ khó lòng từ bỏ thế giới ảo, từ bỏ sự u mê mà “ngôn tình” đã vẽ ra…về lâu về dài, ảo tưởng này sẽ ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt, đời sống, các mối quan hệ của người đọc và dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Chính vì vậy, để “ngôn tình” không thể gây hại và làm ảnh hưởng tới cuộc sống của một bộ phận giới trẻ Việt Nam, các nhà quản lý văn hóa, giáo dục cần quan tâm và có những định hướng trong việc xuất bản cũng như cho lưu hành dòng văn học này. Nhưng trước hết, chính các bạn trẻ - những độc giả yêu thích thể loại văn học “made in China” cần tỉnh táo và thận trọng trước lời lẽ, cũng như nội dung của “ngôn tình”.

Theo Cinet

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast