Cho những câu hò, điệu ví bay xa…

Một đêm ở trời Nam xa xôi, nghe tiếng đàn ca vọng cổ vọng lên trên sông nước mênh mang chợt thương câu hát quê nhà. Chẳng biết đến khi nào dân ca xứ Nghệ mình mới được khôi phục đủ tầm để có thể trở lại trong đời sống nhân dân phổ biến như thế và đến khi nào thì nó sẽ trở thành một sản phẩm du lịch níu bước khách lãng du…

Dân ca xứ Nghệ là một thổ sản cổ truyền lâu đời rất đặc biệt. Từ xa xưa, nhân dân Nghệ Tĩnh đã coi nó là phương tiện văn nghệ tự túc để vui chơi giải trí, qua đó còn gửi gắm tâm tư, tình cảm, quan niệm về đời sống, cái nhìn về nhân tình thế thái… hết sức sâu sắc. Tuy nhiên, cùng với sự đổi thay của xã hội, các thể hát của dân ca Xứ Nghệ đã xa rời sinh hoạt của nhân dân.

Mới đây, một hội thảo về dân ca xứ Nghệ đã được tổ chức nhằm tìm hiểu những giá trị của nó và trình TT Chính phủ cho lập hồ sơ gửi UNESCO ghi danh ví, giặm và hò Xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Trước đó, 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng đã có nhiều hoạt động nhằm tích cực khơi dậy sức sống của dân ca Xứ Nghệ trong đời sống nhân dân. Đó đều là những động thái tích cực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca xứ Nghệ.

Bà Phan Thư Hiền – Phó GĐ Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Những năm qua, Sở đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm lưu giữ và phát huy vốn di sản này. Đến nay, đã thực hiện 15 dự án cấp bộ, 4 đề tài cấp tỉnh, 4 dự án truyền dạy các loại hình diễn xướng dân gian do các tổ chức phi chính phủ tài trợ. Bước đầu thí điểm đưa dân ca vào trường học và dạy hát trên truyền hình. Ngoài ra, chúng tôi còn xuất bản nhiều cuốn sách về dân ca Nghệ Tĩnh, tổ chức nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn, trại sáng tác và vinh danh nghệ nhân ca trù”.

Dân ca Xứ Nghệ khá phong phú với nhiều thể, điệu hát nhưng ví, giặm và hò được coi là các thể hát thổ phương do nhân dân Nghệ Tĩnh sáng tạo, sử dụng và lưu truyền. Cũng giống như một số địa phương khác, hát ví ở xứ Nghệ là lối hát giao duyên. Loại hình lao động nào của nhân dân cũng có hát ví như ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví ghẹo… Tuy nhiên, không chỉ nhân dân lao động mà ở một số lối hát như ví phường vải, ví đò đưa cũng có sự tham gia của các nhà nho.

Ca từ của hát ví hầu hết được sáng tác theo thể thơ lục bát và song thất lục bát, gắn với đời sống lao động và đậm phương ngữ xứ Nghệ nhưng cũng không kém phần chải chuốt, mượt mà như: “Sự đời nước mắt soi gương/ Càng yêu mến lắm càng thương nhớ nhiều”, “Thấy anh như thấy mặt trời/ Chói chang khó ngó, trao lời khó trao”. Ví thường được hát tự do, ngẫu hứng. Tình điệu nghe man mác, thân thương, bâng khuâng xao xuyến, tha thiết ân tình…

Cùng với sự thịnh hành khắp nơi của hát ví, ở một số huyện phía Nam Hà Tĩnh còn phổ biến loại hình hát giặm với 2 hình thức là giặm nam nữ và giặm vè. Giặm có nhiều làn điệu như kể, cửa quyền, ru, vè, nối, xẩm… Khác với ví, giặm là thể hát có có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh, phách nhẹ, có nhịp nội, nhịp ngoại. Giặm giàu tính tự sự, tự tình, kể lể, khuyên răn, phân trần, giãi bày, cũng có loại giặm dí dỏm, khôi hài, châm biếm, trào lộng và trữ tình giao duyên.

Gắn liền với đời sống lao động của nhân dân còn có lối hát hò, lối này mô phỏng theo các nhịp điệu lao động như hò dô, hò khoan, hò dật, hò xẻ gỗ, hò kéo lưới, hò đi đường, hò trên sông, hò tình tang… Điệu hò thường mang màu sắc sáng và khoẻ. Khúc thức hò thường kết cấu 2 đoạn: đoạn 1 cho người “xướng” tự do theo thể thơ dân tộc, đoạn 2 cho tập thể “dô” bằng các phụ âm như hò, dô với tiết tấu đều để tạo nên xung lực mạnh mẽ trong lao động sản xuất.

Cảnh vở diễn “Lời Người - Lời của nước non” của Nhà hát dân ca Nghệ An
Cảnh vở diễn “Lời Người - Lời của nước non” của Nhà hát dân ca Nghệ An

Những giá trị của nghệ thuật của các lối hát ấy không chỉ làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân lao động mà còn thẩm thấu vào tâm hồn con người, kết tinh nên vẻ đẹp chất phác, mặn nồng, đậm đà trong tình người xứ Nghệ. Hơn nữa nó đã thu hút rất nhiều những nhà thơ, danh sỹ, chí sỹ… tham gia sinh hoạt và nuôi dưỡng tâm hồn họ.

Say sưa trong những đêm hát phường vải Trường Lưu, phường nón Tiên Điền, đại thi hào Nguyễn Du cũng để lại nhiều câu thơ đượm màu tâm sự: “Quê nhà nắng sớm mưa mai/ Đã buồn giở đến nhịp tơi càng buồn/ Thờ ơ bó vọt đống sườn/ Đã nhàm bẹ móc lại hờn đống giang…”, “Thẩn thờ gối chiếc màn suông/ Rối lòng như sợi, ai guồng cho xong”… Và đặc biệt, thi phẩm Truyện Kiều chính là sự kết tinh của tài hoa và tâm hồn được thẩm thấu từ trong tình cảm, thế giới quan… qua những câu hò, điệu ví của quê hương.

Cũng từ dân ca ví, giặm và hò, xứ Nghệ có những hiền tài của đất nước như: tiến sỹ Nguyễn Huy Tự với tập truyện "Hoa Tiên", danh sỹ Nguyễn Huy Hổ với “Mai Đình mộng ký”, những bài hát giặm vè động viên lòng yêu nước của Phan Bội Châu v.v… Và loại hình nghệ thuật này cũng đã để lại những nghệ nhân nổi tiếng hát hay, sáng tác giỏi, ứng đối tài ba như: Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Cả Canh, bà Chánh Diên, O Nhẫn, ông Hàn Sách…

Từ sau cách mạng tháng Tám, các nghệ sỹ sân khấu còn khai thác và sân khấu hóa dân ca xứ Nghệ thành một kịch chủng gọi là kịch hát dân ca. Từ đó dân ca xứ Nghệ đã được chuyển hóa từ hình thức diễn xướng dân gian sang hình thức diễn xướng chuyên nghiệp với kịch bản có tính nghệ thuật cao hơn, có đạo diễn, diễn viên, có ánh sáng, trang phục, thiết bị âm thanh… Có thể kể đến những tác phẩm nổi tiếng như: Cô gái sông Lam (Nguyễn Trung Phong), Đốm lửa núi Hồng (Thế Kỷ), Mai Thúc Loan (Phan Lương Hảo), Bão táp cửa Kỳ Hoa (Phạm Ngọc Côn).

Ngày nay, đoàn nghệ thuật của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đang nỗ lực sáng tác và dàn dựng nhiều vở kịch hát dân ca mang sắc thái thời đại mới.

Hội thi Tiếng hát dân ca giáo viên, học sinh do ngành GD-ĐT Hà Tĩnh tổ chức là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian xứ Nghệ

Hội thi Tiếng hát dân ca giáo viên, học sinh do ngành GD-ĐT Hà Tĩnh tổ chức là hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian xứ Nghệ

Sức hấp dẫn, lôi cuốn của dân ca xứ Nghệ còn được các nhạc sỹ khai thác chất liệu và âm hưởng làn điệu, sáng tác ra nhiều ca khúc nổi tiếng được công chúng yêu mến như: Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ), Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh (Trần Hoàn), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý), Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác (An Thuyên), Trông cây lại nhớ đến Người (Đỗ Nhuận), Câu hát quê hương (Hồ Hữu Thới), Câu đợi câu chờ (Ngọc Thịnh), Người con sông La (Quốc Nam) v.v…

Trong một cuộc trò chuyện gần đây, nhạc sỹ Ngọc Thịnh cho biết: “Dân ca Nghệ Tĩnh có sức lôi cuốn rất lạ kỳ, đã yêu là không rời ra được. Tôi đã tìm được cho những sáng tác của mình những hơi thở, màu sắc dân gian và sẽ gắn bó với con đường ấy âm nhạc ấy”.

Những giá trị của dân ca ví, giặm và hò xứ Nghệ đã có sức ảnh hưởng to lớn đến đời sống tâm hồn và đời sống nghệ thuật của người dân Nghệ Tĩnh. Vậy nên bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa là việc làm vô cùng cần thiết, cấp bách.

Tuy nhiên, nói như nghệ sỹ Hồng Lựu thì: “Việc bảo tồn và phát huy phải vượt ra khuôn khổ của nghệ thuật chuyên nghiệp. Dân ca là của dân gian, cần phải làm sao để dân ca thực sự sống trong đời sống, trở thành máu thịt, thành món ăn tinh thần, thành phương tiện giãi bày cho con người hôm nay. Đó mới đích thực là bảo tồn và phát huy dân ca”. Có như vậy thì dân ca xứ Nghệ mới được tôn vinh để thỏa sức bay đến bè bạn bốn phương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast