Chứng tích lịch sử - văn hóa từ cây cổ thụ

(Baohatinh.vn) - Xưa nay, cây xanh luôn đóng một vai trò không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần của con người. Cây không chỉ che chở, bảo vệ làng mạc, thôn xóm trước mưa sa, nắng táp mà còn là chứng tích của lịch sử, của các bậc tiền nhân trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Chứng tích lịch sử - văn hóa từ cây cổ thụ ảnh 1

Hai cây đa trên 700 năm tuổi phủ bóng mát trước đền thờ Mai Hắc Đế (Mai Phụ - Lộc Hà).

Ai đã một lần về xã Sơn Phúc (Hương Sơn -Hà Tĩnh), được tận mắt ngắm nhìn cây thị 700 năm tuổi nằm trong khu vườn của gia đình chị Nguyễn Thị Hương, thuộc thôn Kim Sơn 2 sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ cổ kính, kỳ vĩ của nó.

Gốc cây sần sùi, rêu xanh bám quanh, thân cây to, cao khoảng 40m, tán lá rộng trên 21m, đường kính thân cây 5-6 người ôm không xuể và cây thị này được người dân nơi đây xem như “vị thánh” của làng. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, cây thị vẫn sừng sững, đầy sức sống, tỏa bóng mát giữa vùng quê đang từng ngày thay da, đổi thịt.

Mỗi khi đến mùa, cây vẫn ra hoa, kết trái, quả thị khi chín ăn rất ngon và có vị thơm ngào ngạt nên người dân trong thôn đều đến hái quả mang về nhà làm lễ vật thắp hương tổ tiên. Không chỉ tỏa bóng mát, chở che cho dân làng mà theo lời kể của các cụ cao niên trong thôn thì cây thị cổ còn gắn với một sự tích về vua Lê Thái Tổ. Tương truyền, vào năm 1425, khi vua Lê Lợi kéo quân vào vùng đất Đỗ Gia (tức Hương Sơn ngày nay) đã gặp nghĩa quân Cốc Sơn của Nguyễn Tuấn Thiện. Từ lần gặp gỡ đầu tiên đó, Nguyễn Tuấn Thiện và nghĩa quân của mình đã ăn thề phò trợ vua Lê chống giặc Minh, bảo vệ giang sơn, bờ cõi ngay dưới gốc cây thị.

Cũng gắn với dấu tích của các bậc tiền nhân, còn có cây trôi tại chùa Am (xã Đức Hòa, Đức Thọ) và quần thể 8 cây lim (tại xã Trường Lộc, Can Lộc). Dưới tán cây trôi đã diễn ra nhiều cuộc họp trọng đại bàn việc nước, việc làng của các bậc cao niên trong vùng. Trải qua hàng trăm năm lịch sử, cây trôi vẫn vươn mình trong nắng, tỏa bóng mát, che chở cho ngôi chùa Am linh thiêng, cổ kính - nơi gắn với công trạng của chí sỹ cách mạng Phan Đình Phùng.

Còn 8 cây lim đang vươn mình tại vùng đất học Trường Lộc đã gắn liền với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Mặc dù đã không ít lần các thương lái đến hỏi mua nhưng bằng tình yêu cây, tình yêu quê hương, yêu những giá trị văn hóa, lịch sử, người dân Trường Lộc đã ra sức chở che, chăm sóc và bảo vệ quần thể cây lim tốt tươi cho đến ngày nay.

Tại Ích Hậu (Lộc Hà), quần thể 6 cây dổi và chò có tuổi đời gần 500 năm tuổi là biểu tượng cho tinh thần, sức sống mãnh liệt và cốt cách thẳng ngay của con người nơi đây. Cây gắn liền với tên tuổi, công lao to lớn của Hàn lâm biện lý Lại bộ Thượng thư, Thái tế, Tiến sỹ Quận công Nguyễn Văn Giai - một người con của quê hương Ích Hậu nên càng khiến các thế hệ dân làng nơi đây hết lòng bảo vệ, chăm sóc. Dù đã gần 500 năm tuổi nhưng quần thể cây dổi và chò vẫn không ngừng vươn mình, tỏa bóng mát trong khuôn viên của di tích lịch sử văn hóa Đền Cả và trở thành một chứng tích giáo dục, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi con người nơi đây.

Ngoài quần thể 6 cây ở Ích Hậu thì Lộc Hà còn có 2 cây đa trên 700 năm tuổi phủ bóng mát trước đền thờ Mai Hắc Đế (xã Mai Phụ) và trong khuôn viên UBND xã Hộ Độ gắn liền với công trạng của 3 vị vệ úy thủy quân trấn ải vùng Cửa Sót.

Chứng tích lịch sử - văn hóa từ cây cổ thụ ảnh 2

Cây đa ở xã Hộ Độ gắn với công tích của ba vị Vệ úy Thủy quân trấn ải vùng Cửa Sót.

Đặc biệt, cho đến nay, hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên câu chuyện “giải cứu” kỳ diệu 50 cây xà cừ có tuổi thọ gần 100 năm của huyện Đức Thọ. Năm 2012, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 8A đoạn qua TX Hồng Lĩnh lên thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) được triển khai. Đây là một trong những dự án có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của khu vực phía Tây Hà Tĩnh vốn còn nhiều gian khó.

Theo thiết kế ban đầu, 50 cây xà cừ vốn được trồng từ năm 1960 khi hưởng ứng lời kêu gọi Tết trồng cây của Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trong diện phải chặt bỏ để lấy mặt bằng phục vụ dự án. Làm sao vừa giữ được hàng cây cổ thụ có giá trị lịch sử đối với lớp lớp người dân Đức Thọ, vừa đảm bảo bàn giao mặt bằng để thi công đường phục vụ công cuộc phát triển KT-XH là câu hỏi lớn đặt ra cho chính quyền Đức Thọ lúc đó. Tuy vậy, nhờ biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của bà con cũng như thái độ kiên quyết đối với đơn vị thi công nên Đức Thọ đã đưa ra phương án dịch chuyển số cây này qua vị trí khác. Và chính phương án đó đã “giải cứu” thành công 50 cây xà cừ cổ kính mà bao lớp tiền nhân đã dày công chăm trồng.

Đến nay, hàng xà cừ đang vươn mình trong nắng, chở che, tô thắm cho quê hương Đức Thọ yêu dấu.

Chính những giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng, gắn liền với nhiều tên đất, tên làng, nhiều chứng tích lịch sử hào hùng của cha ông nên cây cổ thụ đã trở thành một phần tất yếu, trường tồn trong đời sống xã hội. Và đối với Hà Tĩnh - vùng đất nằm trong dải miền Trung với thời tiết khắc nghiệt thì cây lại càng có vai trò quan trọng trong điều hòa và cân bằng môi trường sống. Vì vậy, việc chăm sóc, bảo tồn cây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và không kém phần nặng nề.

Theo ông Phan Anh Đông - Chánh văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Tĩnh, để góp phần bảo tồn các cây cổ thụ, hội đã không ngừng khảo sát, tìm kiếm các thông tin lịch sử về cây để lập hồ sơ trình Trung ương Hội Sinh vật cảnh công nhận cây di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời, đưa ra các biện pháp bảo vệ, chăm sóc. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, Hà Tĩnh đã có 20 cây gồm: cây thị (chùa Triều Sơn, Mai Phụ, Lộc Hà), 2 cây đa tại đền thờ vua Mai Hắc Đế (Mai Phụ), cây thị (Sơn Phúc, Hương Sơn), cây trôi (Đức Hòa, Đức Thọ), cây đa (Hộ Độ, Lộc Hà), quần thể 6 cây cổ thụ tại đền Cả (Ích Hậu, Lộc Hà), quần thể 8 cây lim (Trường Lộc, Can Lộc) được Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận là cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam. Đây vừa là niềm tự hào, vừa là cơ sở quan trọng để hội tiếp tục đưa ra các biện pháp tích cực hơn để chăm sóc, bảo tồn cây.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast