Chuyển biến tích cực sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU

(Baohatinh.vn) - Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TU, những năm qua, nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao mức sống cho nhân dân...

Ngày 20/3/2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Cụ thể hóa các nội dung chỉ thị, Ủy ban nhân dân tỉnh ra Quyết định 31/QĐ-UBND, ngày 6/7/2012 về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

chuyen bien tich cuc sau 4 nam thuc hien chi thi 20 ct tu

Chỉ thị 20 đi vào cuộc sống, việc cưới, việc tang, lễ hội được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, văn minh

Theo số liệu thống kê, sau 4 năm triển khai thực hiện chỉ thị Tỉnh ủy và quyết định của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 45.527 đám cưới tổ chức theo nếp sống văn hóa mới... Một số mô hình đám cưới văn minh, tiết kiệm do đoàn thanh niên tổ chức tại hội trường UBND xã, tại nhà riêng, trước lễ cưới, cô dâu, chú rể đến dâng hương, hoa, trồng cây lưu niệm tại đài tưởng niệm hoặc nghĩa trang liệt sỹ, gửi thiếp báo hỷ thay cho thiệp mời cưới… Tiêu biểu như: phường Tân Giang, Thạch Linh, Đại Nài, Văn Yên (TP Hà Tĩnh); phường Sông Trí, xã Kỳ Ninh, Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh); xã Kỳ Hải, Kỳ Phú, Kỳ Tiến, Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh)...

Việc tang được tổ chức chu đáo, trang nghiêm; nghi thức gọn gàng, vệ sinh và tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện kinh tế của từng gia đình. Hầu hết các địa phương vận dụng, đưa vào các quy ước, hương ước khu dân cư để cùng nhau thực hiện như sử dụng đội trống kèn, mở băng nhạc tang, không sử dụng nhạc tang kéo dài sau 22h đêm và trước 5h sáng…

Các hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm các sự kiện cấp quốc gia, cấp tỉnh, kỷ niệm ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo Đảng, ngày mất, ngày sinh của các danh nhân... được tỉnh và các địa phương cơ sở tổ chức trọng thể, tiết kiệm, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ như: Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú, 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập, lễ vinh danh và đón nhận bằng UNESCO công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Mộc bản Trường Lưu được UNESCO vinh danh là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới; kỷ niệm 225 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Hải Thượng Lãn Ông…

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng được mục đích, yêu cầu đặt ra. Một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc, thiếu các giải pháp đồng bộ, thiếu kiểm tra, đôn đốc và chưa quyết liệt trong việc phê bình, chưa có chế tài đối với những cá nhân, đơn vị vi phạm các quy định trong cưới, tang, lễ hội. Việc bình xét công nhận các danh hiệu gia đình, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa... ở đa số các địa phương chưa áp dụng triệt để các tiêu chí về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Một số đám cưới tổ chức linh đình, mời khách đông, hiện tượng thương mại hóa trong tiệc cưới vẫn còn tồn tại... Trong việc tang, việc để thi hài người chết dài ngày vẫn còn diễn ra ở một số địa phương; các hiện tượng mê tín dị đoan: cúng ma, đốt, rải vàng mã vẫn diễn ra ở một số đám tang... Tình trạng thương mại hóa trong các lễ hội vẫn tồn tại; một số lễ hội truyền thống chưa được quan tâm khôi phục, hoặc đã được khôi phục nhưng chưa được tổ chức thường xuyên và đúng tầm với giá trị nhân văn của nó; hiện tượng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan: rút quẻ, xem bói, lên đồng, cầu hồn... vẫn còn diễn ra ở một số đền, chùa tại các địa phương trong tỉnh.

Để lành mạnh hơn nữa việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian tới cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU và các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh với việc nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; thực hiện nghiêm Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ... Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội; thường xuyên kiểm tra việc tổ chức cưới, tang, lễ hội ở các địa phương, hộ gia đình, khu dân cư...; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, những việc làm sai trái, những hiện tượng tiêu cực. Đặc biệt, cán bộ, đảng viên cần đi đầu trong thực hiện chỉ thị để nêu gương, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast