Đất và người cùng viết thiên hùng ca

Tháng 7, ở Việt Nam có một ngày lễ khiến con người ta hướng thiện, ấy là ngày thương binh liệt sỹ 27/7. Và không chỉ đợi đến ngày đó, ngay từ đầu tháng, hàng triệu trái tim Việt Nam đã không hẹn mà hội ngộ nhau tại những địa chỉ đỏ của tinh thần cách mạng kiên trung, của ý chí quật cường, quên mình vì hòa bình của non sông và nhân loại. Trong dòng xúc cảm thiêng liêng ấy, thế hệ trẻ trên quê hương Hà Tĩnh chúng tôi lại tìm về Can Lộc – vùng quê cách mạng kiên cường với những tên đất, tên người đã viết nên những trang sử oai hùng…

Can Lộc – miền quê với bề dày truyền thống không chỉ tự hào bởi những danh nhân văn hóa nổi tiếng mà còn là nơi tiếng nói của lòng yêu nước nồng nàn được cất lên từ những người con anh dũng, kiên trung. Ngay từ thế kỷ XIV – XV, cha con Đặng Tất, Đặng Dung (quê ở xã Tùng Lộc) đã trở thành tấm gương sáng về lòng yêu nước, căm thù giặc.

Phong trào đấu tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 30 của thế kỷ trước
Phong trào đấu tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh những năm 30 của thế kỷ trước

Với lý tưởng và ý chí kiên cường, Đặng Tất đã nhẫn nhục chịu đựng mọi trái ngang, cay đắng để nuôi lớn hoài bão của mình. Về sau cùng với con trai Đặng Dung và vua tôi nhà Trần, vị tổng chỉ huy Đặng Tất đã làm nên chiến thắng Bô Cô lẫy lừng. Chiến thắng ấy không chỉ làm cho giặc Minh khiếp sợ mà còn là mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Về sau, cha con ông, người bị giặc giết hại, người vì giữ trọn nghĩa khí mà tuẫn tiết nhưng tên tuổi thì lưu danh muôn đời và trở thành những bài học lớn cho thế hệ muôn sau.

Tiếp nối truyền thống quý báu ấy, ở những làng quê nhỏ bé trên đất Can Lộc từ đời này sang đời khác đều xuất hiện những tên tuổi làm rạng danh quê nhà. Điều này thể hiện rõ nhất trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Trong những thời kỳ lịch sử đó, ở Can Lộc đã không chỉ xuất hiện những cá nhân anh hùng mà còn xuất hiện những địa danh anh hùng đi vào lịch sử dân tộc bằng ánh sáng của lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên trung.

Trong cao trào Xô viết 30 – 31 đến Cách mạng tháng Tám, những cái tên như Nghèn, Đỉnh Lự, bến đò Thượng Trụ đã trở thành nơi ghi dấu rất nhiều sự kiện lịch sử trọng đại. Trong đó Ngã ba Nghèn – trung tâm huyện lỵ Can Lộc nay đã trở thành một trong những địa chỉ đỏ nổi tiếng của Hà Tĩnh. Đó không chỉ là nơi ra đời của chi bộ Trảo Nha – 1 trong 4 chi bộ Đông Dương Cộng Sản liên đoàn được thành lập đầu tiên trong tỉnh, không là nơi diễn ra liên tục những cuộc biểu tình quy mô toàn huyện trong cao trào Xô viết hay những cuộc mít tinh, biểu tình đầy khí phách của nhân dân trong cao trào đấu tranh Cách mạng tháng Tám mà còn là nơi ghi dấu ý chí quật cường, anh dũng, tinh thần cách mạnh kiên trung của nhân dân ta.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Nghèn (Can Lộc)
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Nghèn (Can Lộc)

Ngày nay, tại Nghèn đã có một khu di tích xứng tầm – là nơi mà khách thập phương có thể dễ dàng cảm nhận được tinh thần Cách mạng quật cường của nhân dân Hà Tĩnh để nghiêng mình kính cẩn tưởng nhớ công lao của tiền nhân. Và tôi, mỗi lần ngang qua Nghèn, ngước nhìn lên bức tượng đài khắc tạc dáng vóc oai dũng của thế hệ trước, lòng lại thêm bồi hồi. Nỗi xúc động thẳm sâu phút chốc trào dâng rồi cũng lắng lại nhưng tâm hồn sẽ được bồi đắp thêm những ân tình sâu nặng với non nước, quê hương, với thế hệ đã viết nên những trang sử hào hùng.

Đất anh hùng đã sinh ra những con người anh dũng hay những con người quả cảm làm rạng danh quê nhà. Chẳng ai dám quả quyết điều đó. Chỉ biết rằng, ở Can Lộc có những miền đất anh hùng với rất nhiều cá nhân anh hùng. Dù được vinh danh hay không thì họ đều đã cùng nhau tô đậm thêm truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta từ ngàn đời trước.

Trong kháng chiến chống Mỹ, làng K130 xã Tiến Lộc đã đi vào lịch sử của dân tộc như một mốc son chói lọi của bản anh hùng ca, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng quyết tâm quả cảm, của sự hy sinh cao cả và cả sức mạnh vĩ đại của thế trận lòng dân, để viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta trong những năm cuối thế kỷ XX. Không có tên những cá nhân được vinh danh anh hùng từ trong những tháng ngày “xe chưa qua, nhà không tiếc ấy” nhưng hẳn là trong lòng hậu thế, những cư dân làng Hạ Lội xưa chính là những anh hùng đích thực khi khảng khái nói rằng: “Nhà tan cửa nát cũng ừ/ Đánh thắng giặc Mỹ cực giừ sướng sau”.

Tượng đài chiến thắng trong tiếng chuông Đồng Lộc vang ngân
Tượng đài chiến thắng trong tiếng chuông Đồng Lộc vang ngân

Khốc liệt hơn và đậm dấu ấn anh hùng hơn chính là Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại. Nơi đây không chỉ chứng kiến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc mà còn là nơi ghi danh hàng loạt những anh hùng lẫm liệt đều là những người con của miền quê Can Lộc. Từ trong lửa đạn, đất nước này, tổ quốc này đã có những anh hùng áo vải. Nhắc đến ngã ba Đồng Lộc, người ta không thể không nhắc tới người con của quê hương Vĩnh Lộc - anh hùng La Thị Tám.

La Thị Tám gia nhập đội thanh niên xung phong và vào đơn vị chủ lực Đại đội 2- Giao thông vận tải từ tháng 12-1967 đến tháng 8-1968, đóng tại xã Đồng Lộc. Bà được giao nhiệm vụ đứng trên một quả đồi cao, phía trái của ngã ba Đồng Lộc vào những lúc máy bay Mỹ ném bom để đếm số lượng bom kẻ thù trút xuống. Sau khi máy bay Mỹ vừa đi là La Thị Tám chạy xuống cắm tiêu đánh dấu cho công binh đến phát nổ. Suốt 200 ngày đêm ròng rã, bà đã đếm và cắm tiêu được 1205 quả bom. Ngày 22/12/1969, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 20 tuổi. Với người Can Lộc, bà là biểu tượng của sức mạnh vô song, vừa gần gũi lại vừa vĩ đại.

Tới ngã ba huyền thoại này, người ta cũng không thể nhắc đến anh hùng Nguyễn Tri Ân – công nhân rà phá bom mìn thuộc tổng đội TNXP Ty giao thông Hà Tĩnh. Qua 293 trận bom của địch, bị vùi 15 lần song người con kiên trung của mảnh đất Sơn Lộc vẫn tiến lên cắm tiêu rà phá bom. Ông là một người lính dũng cảm, sáng tạo, vượt khó, đã từng ôm bộc phá để phá bom nổ chậm, tự chế tạo ra dụng cụ phá bom. Dù bom loại gì, rơi ở đâu ông đều phá được với một lượng thời gian rất nhanh. Suốt thời gian chiến đấu ở Đồng Lộc, ông đã phá được 545 quả bom các loại và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương “ Anh hùng lao động” năm 1972 khi mới 27 tuổi.

Đặc biệt hơn, tại ngã ba huyền thoại này, có những người con gái mong manh đã viết nên những bản anh hùng ca bất tử. 10 cô gái Đồng Lộc nhỏ bé mà lẫm liệt đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí đấu tranh quật cường, của tinh thần cách mạng son sắt. Biết bao nhiêu mùa tri ân đã đi qua, biết bao lượt người đã đến đây không chỉ một lần mà mùa nào cũng rưng rưng niềm thương nỗi nhớ, lần thăm viếng nào cũng ngậm ngùi xúc động. Những xúc cảm ấy không chỉ được tạo nên bởi những hiện vật hay những thước phim tư liệu còn được lưu giữ mà đó còn là những nhận cảm riêng tư trước mỗi cuộc đời, mỗi số phận đã làm nên lịch sử, được tạo nên từ lịch sử.

Tháng 7 thiêng liêng, trở lại những địa danh lịch sử của Can Lộc, nghiêng mình trước những tên tuổi và hành động anh hùng của những người con lỗi lạc trên vùng đất này, tôi nghe như lời non sông vọng về đâu đó trong từng làn khói nhang tưởng niệm, trong gió núi trên bạt ngàn đồi sim tím, trong tiếng chuông linh thiêng ngân vang… Và trong dòng suy tưởng miên man, tôi tin rằng, những người đang từng ngày đến với Can Lộc ấy cũng giống như tôi, trở về để tri ân, để bồi đắp tâm hồn và để khẳng định với lòng mình ý chí, lập trường kiên định trước mọi diễn biến phức tạp của thế giới hiện nay.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast