Dấu ấn Kinh Bắc trong hồn thơ Nguyễn Du

(Baohatinh.vn) - Cốt cách và văn chương siêu việt của Đại thi hào Nguyễn Du là sự hội tụ, kết tinh của nhiều giá trị, trong đó, nổi bật là giá trị miền Kinh Bắc văn hiến quê mẹ và vùng văn hóa sông Lam - Hà Tĩnh quê cha với sự hào hoa, thanh lịch của đất Thăng Long kinh kỳ - nơi ông chào đời và gắn bó suốt thời thơ ấu.

Dấu ấn Kinh Bắc trong hồn thơ Nguyễn Du ảnh 1
Thị xã Từ Sơn, quê ngoại Đại thi hào Nguyễn Du ngày càng phát triển.

Tinh hoa quê mẹ

Thân mẫu của Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần (vợ ba của Nguyễn Nghiễm), con gái thứ ba của một vị quan trông coi việc sổ sách kế toán dưới quyền Nguyễn Nghiễm, tên là Trần Ôn, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc (nay là thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc, TX Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Dòng dõi “Trần gia” của thân mẫu Nguyễn Du được xếp vào hàng “danh gia vọng tộc” có nhiều bậc túc nho, khoa bảng, tiêu biểu là Tiến sĩ Trần Ngạn Húc và Tiến sĩ Trần Phi Nhỡn.

Người con gái xứ Kinh Bắc thông minh, xinh đẹp, nết na Trần Thị Tần đã được quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm đất Hà Tĩnh yêu quý lấy làm vợ và sinh ra Nguyễn Du. Trai Tiên Điền - tinh anh Hồng Lĩnh/ Gái Kinh Bắc - thanh sắc Tiêu Tương thật đẹp duyên, môn đăng hộ đối. Vì vậy, Đại thi hào Nguyễn Du không chỉ được thừa hưởng những gen tốt của cha mẹ mà còn thừa hưởng cả những tinh hoa văn hiến của 2 vùng đất Bắc Ninh - Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Khắc Bảo - Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, người đã có hơn 20 năm sưu tầm, nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều cho biết: “Ở quê ngoại Bắc Ninh, ngoài thân mẫu Trần Thị Tần thì Nguyễn Du còn có 2 người mẹ kế, một chị dâu, một em dâu, một anh rể và một em rể đều là người Kinh Bắc”.

Vì thế, khi bàn về ảnh hưởng của văn hóa Kinh Bắc trong hồn thơ Nguyễn Du, các nhà Kiều học đều cho rằng: Có mối liên hệ mật thiết, hữu cơ giữa Truyện Kiều và lời ca quan họ, bởi lẽ, Nguyễn Du được sinh thành và nuôi dạy bằng tất cả tình thương yêu bao la của người mẹ hiền là con gái vùng quan họ. Hơn nữa, suốt thời niên thiếu, Nguyễn Du đã sống ở đất Bắc, hít thở không khí và thụ hưởng nếp sống, phong tục, ngôn ngữ của văn hóa Thăng Long – Kinh Bắc. Khoảng thời gian đó đủ để ông thấm đẫm văn hóa xứ Bắc trong quá trình sáng tác sau này.

Bắc Ninh bảo tồn và phát huy di sản Nguyễn Du

Từ mối quan hệ sâu đậm và phong phú trên, Đại thi hào Nguyễn Du và gia tộc của ông đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa trên quê hương Bắc Ninh với những di sản tiêu biểu hiện đang được gìn giữ. Đó là nhà thờ họ Trần ở thôn Kim Thiều. Tài liệu quý còn lưu giữ ở đây là cuốn gia phả bằng chữ Hán cùng nhiều câu đối ca ngợi truyền thống khoa bảng và gia phong của Trần gia. Nhà thờ này đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.

Dấu ấn Kinh Bắc trong hồn thơ Nguyễn Du ảnh 2

Các tầng lớp nhân dân tham quan phòng trưng bày di vật của gia tộc Nguyễn Du tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh.

Ngôi nhà cổ ở thôn Hưng Phúc (xã Tương Giang, thị xã Từ Sơn) được xem là nhà thờ chi họ Nguyễn Tiên Điền tại Bắc Ninh. Chính Nguyễn Trừ (con trai Tể tướng Nguyễn Nghiễm, anh trai khác mẹ với Nguyễn Du) đã lập ra chi họ Nguyễn Tiên Điền trên quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Tại nhà thờ gia tộc còn lưu giữ được bản Kiều nôm khắc vào cuối đời Thiệu Trị, đầu thời vua Tự Đức, là một trong những bản cổ nhất hiện nay. Ở thôn Hưng Phúc, cùng với nhà thờ họ còn có di tích mộ tổ họ Nguyễn. Một di tích khác là nhà thờ họ Nguyễn Gia ở làng Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, Thuận Thành. Đó là dòng họ của bà Nguyễn Thị Nguyện, vợ của Nguyễn Điều – anh ruột Nguyễn Du.

Quê mẹ Kinh Bắc – Bắc Ninh còn bảo tồn và phát huy Truyện Kiều với nhiều hình thức phong phú và độc đáo. Các nghệ nhân làng tranh dân gian Đông Hồ đã sáng tác những bộ tranh Truyện Kiều bằng nghệ thuật hội họa dân gian độc đáo. Các nghệ nhân dân ca quan họ, trống quân thì vận dụng câu thơ, ý thơ trong Truyện Kiều để sáng tác thành những làn điệu quan họ, các bài hát trống quân.

Trên quê hương quan họ, việc bảo tồn và phát huy di sản Truyện Kiều cùng với những di vật của gia tộc Nguyễn Du luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các ban, ngành, đoàn thể và đông đảo tầng lớp nhân dân. Hàng chục bản Kiều nôm cổ được giới nghiên cứu Bắc Ninh sưu tầm, khảo cứu và phổ biến trong cộng đồng. Các di tích, di vật liên quan đến Nguyễn Du được quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo nhằm gìn giữ lâu dài. Đặc biệt, để tưởng niệm sâu sắc danh nhân, tại thành phố Bắc Ninh, đã có một ngôi trường THPT và một tuyến đường đẹp mang tên Nguyễn Du.

Nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh và đón nhận danh hiệu Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du, tháng 10/2015, Hội Kiều học Việt Nam phối hợp với một số đơn vị của tỉnh tổ chức Tuần văn hóa, du lịch Đại thi hào Nguyễn Du tại Bắc Ninh với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Hội thảo khoa học “Ảnh hưởng của quê ngoại Kinh Bắc - Bắc Ninh với Nguyễn Du và Truyện Kiều”; triển lãm “Đại thi hào Nguyễn Du và các di vật của gia tộc tại Bắc Ninh”; nói chuyện về Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều tại các cơ quan, trường học trong tỉnh… Đây là dịp để nhân dân 2 tỉnh Hà Tĩnh - Bắc Ninh nói riêng cùng với cả nước và thế giới hướng về người con tiêu biểu của Việt Nam, của nhân loại.

Báo Bắc Ninh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast