Đền thờ Biện Hoành đón nhận di tích văn hóa cấp tỉnh

UBND xã Cẩm Mỹ (Cẩm Xuyên) cùng dòng họ Biện tộc vừa tổ chức đón nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh cho đền thờ Biện Hoành.

Biện Hoành tên thật là Biện Oanh, quê ở xã Mỹ Duệ, tổng Mỹ Duệ, nay là xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Ông là người có tên đứng thứ 15 trên bia tiến sỹ tại Văn miếu Quốc Tử Giám.

Biện Hoành nổi tiếng thanh liêm chính trực. Vào đời vua Lê Trung Tông, ông được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy triều đình. Năm 70 tuổi, măc dù sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn được Vua coi trọng và ban quan phẩm Thanh hình hiến sát sứ đạo Thuận Quảng.

Lễ rước Bằng công nhân Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Biện Hoành
Lễ rước Bằng công nhân Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đền thờ Biện Hoành

Mặc dù làm quan trong hoàn cảnh đất nước rối ren, loạn lạc nhưng Biện Hoành vẫn giữ được phẩm chất trong sạch, được sỹ phu trọng vọng, được người đời tôn kính. Ông luôn sống hòa đồng với nhân dân, quan tâm đến cuộc sống khó khăn, đói kém của nhân dân, cùng với người dân khai hoang, trồng trọt, lập nên nhiều làng xóm yên bình, trù phú tại vùng đất Hoa Duệ thời bấy giờ. Đặc biệt, ông đã chia 500 mẫu ruộng do Vua ban cho người dân cấy cày kiếm sống.

Còn về cái chết của ông, sử sách đã chép lại rằng, trong một lần vào tỉnh Quảng Nam, vùng đất mới được Chúa Nguyễn Hoàng khai phá để kiểm tra tình hình nhưng chẳng may gặp bọn phản loạn chống phá triều đình, một mình ông thân cô thế cô nên bị bao vây. Trước tình thế nguy hiểm, ông đã bí mật gửi thư về nhà khuyên vợ con hãy tìm cách lánh nạn, còn ông quyết đương đầu với kẻ thù. Và rồi, không ai rõ, ông mất lúc nào. Tưởng nhớ ông, nhân dân đã lập đền thờ ông ở nhiều nơi, trong đó nhiều nhất là ở tổng Mỹ Duệ.

Đền thờ Quan Nghè Biện Hoành ở xóm Nam Mỹ, xã Cẩm Mỹ được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa là đền thờ được nhân dân ở đây thường xuyên thành tâm hương khói từ bao đời nay. Trước đây, đền rất đơn giản, chỉ có một nhà thờ bằng gỗ nhưng hết sức trang nghiêm. Thời gian gần đây, cùng với sự quan tâm của địa phương, con cháu Biện Tộc trong cả nước đã đóng góp tôn tạo, xây dựng mới đền thờ và khuôn viên theo hướng bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh thuộc khu vực du lịch Hồ Kẻ Gỗ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast