Đẹp thêm hồn cốt quê hương…

Hà Tĩnh từ ngàn xưa đã là một trong những cái nôi của văn hoá của đất nước. Văn hoá Hồng Lam hội tụ nhiều tinh hoa văn hoá của dân tộcViệt. Theo dòng chảy của thời gian, các giá trị văn hoá ngày càng được gìn giữ và bồi đắp thêm.

Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: TL
Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: TL

Bước vào công cuộc đổi mới của đất nước, nhân dân Hà Tĩnh đã làm đẹp truyền thống quê hương bằng những phong trào, cuộc vận động có sức sống mãnh liệt và đầy lan toả. 20 năm qua, phong trào xây dựng Làng văn hoá (LVH), Khu phố văn hoá (KPVH), Gia đình văn hoá (GĐVH) ở Hà Tĩnh đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành cuộc vận động lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội các địa phương, góp phần củng cố hệ thống chính trị, giữ vững quốc phòng an ninh, làm thay đổi diện mạo các thôn, làng, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Sự kết hợp nhuần nhuyễn, có hiệu quả với các phong trào, cuộc vận động của MTTQ, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân... trong quá trình triển khai chỉ đạo đã tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Với tổng số 262 xã, phường, thị trấn, 2.831 thôn xóm, khối phố, trong đó có 836 làng, xóm, thôn, bản đã được công nhận danh hiệu LVH, 133 khối phố, tổ dân phố được công nhận KPVH, Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những tỉnh có phong trào xây dựng LVH, KPVH phát triển khá toàn diện.

Với những định hướng chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, sau 20 năm xây dựng phong trào, đến nay hầu hết các làng, khối phố sau khi được công nhận danh hiệu văn hóa đã trở thành đơn vị tiên tiến toàn diện, là điểm sáng, hạt nhân thúc đẩy phong trào cơ sở phát triển. Lễ đón nhận danh hiệu làng, khối phố văn hóa ở nhiều địa phương được tổ chức trang trọng, trở thành ngày hội lớn ở nhiều làng quê, phố phường. Nhiều đơn vị như Thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Kỳ Anh, Hương Khê, Đức Thọ, Can Lộc.v.v… hàng năm đều tổ chức lễ đăng ký và ra quân xây dựng các danh hiệu văn hóa với khí thế sôi động, thu hút đông đảo nhân dân tham gia

Đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa chùa Vĩnh Phúc (Thái Yên - Đức Thọ). Ảnh: TL.

Trên nền tảng truyền thống văn hoá và cách mạng, những năm qua, nhờ đẩy mạnh phong trào “TDĐKXDĐSVH” nói chung, phong trào xây dựng LVH, KPVH nói riêng, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng ổn định, nội bộ đoàn kết thống nhất, hệ thống chính trị cơ sở, kỷ cương phép nước được giữ vững; kinh tế phát triển.Tình trạng vi phạm pháp luật, sinh con thứ 3, tệ nạn xã hội ít xảy ra trong các LVH, KPVH. Nhân dân phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước, quy chế dân chủ cơ sở ngày càng được nâng cao.

Đặc biệt, gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", các phong trào thi đua yêu nước như"xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm", “uống nước, nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa", "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo" phong trào đã được nhiều làng xã, khối phố, thôn, bản phát động một cách mạnh mẽ và thu được những kết quả tích cực, làm chuyển biến sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần,trở thành chất keo gắn kết tình làng nghĩa xóm trong các cộng đồng dân cư. Theo thống kê, từ năm 1989 – 1995, tỷ lệ hộ nghèo trong các LVH, KPVH tỉnh ta chiếm khoảng 25-27% nhưng đến năm 2007 - 2008 đã giảm xuống còn 16%. Số hộ giàu đạt từ 25-30%, số hộ khá từ 35-40%, số hộ trung bình từ 15-20%, đặc biệt không có hộ đói trong các LVH, KPVH.

Đã có hàng trăm hộ gia đình trong các LVH, KPVH ở Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh mỗi năm thu lợi từ sản xuất nông lâm, ngư nghiệp, dịch vụ đạt từ 30 - 70 triệu đồng. Đặc biệt có nhiều hộ gia đình ở Nghi Xuân, Hồng Lĩnh, TP.Hà Tĩnh mỗi năm thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng. Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, từ năm 1988 đến nay, các LVH, KPVH trên toàn tỉnh đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng vào quỹ xoá đói giảm nghèo nhằm giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn, thiên tai bão lụt. Tính từ năm 2000 đến năm 2008, các LVH,KPVH đã đóng góp 389 tỷ đồng xây dựng đường làng ngõ xóm, 660 tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá, hội quán, 164 tỷ đồng xây dựng các sân chơi thể thao, 12 tỷ đồng xây dựng 693 cổng làng, 1.497 cổng chào và biển tường…

Phong trào xây dựng LVH, KPVH đã tập trung vào việc củng cố, nếp sống văn hoá, văn minh từ nông thôn đến thành thị, tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc,

Khởi công công trình tu bổ, nâng cấp di tich chùa Thiên Tượng (TX Hồng Lĩnh). Ảnh:TL

Tính đến năm 2008, toàn tỉnh đã có 100% LVH, KPVH có hương ước, quy ước. Hơn 90% số LVH, KPVH có quy chế về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; hầu hết các LVH, KPVH đều triệt để thực hành tiết kiệm chống xa hoa, lãng phí, không phô trương; mô hình cưới theo nếp sống văn hoá được các LVH, KPVH khuyến khích, nhân rộng, hỗ trợ thực hiện. Công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được các LVH, KPVH hết sức chú trọng. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở các LVH, KPVH được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Song song với phong trào xây dựng LVH, KPVH, phong trào xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao cũng rất được chú trọng. Đến nay, đã có 100% số LVH, KPVH có hội quán với diện tích từ 70m2 đến 100m2, đặc biệt có những hội quán xây dựng lớn từ 150 - 250m2 như ở Kỳ Anh, thị xã Hồng Lĩnh, Nghi Xuân… Nhiều địa phương quan tâm sử dụng quỹ đất cho khuôn viên hội quán làng, khối phố như Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, có nơi diện tích khuôn viên từ 500 - 1000m2.

Theo báo cáo của các huyện, thành phố, thị xã, đến hết năm 2008 toàn tỉnh có 155 nhà văn hoá xã, phường, thị trấn; 2.367 hội quán xóm, thôn, khối phố; 693 cổng làng; 1.704 cụm panô, ápphích; 1.497 cổng chào, biển tường; 1.407 tủ sách, thư viện; 5.197 sân chơi thể thao. 297 cụm truyền thanh, 2.359 bộ loa máy; 994 đội văn nghệ, 887 câu lạc bộ văn hóa, 670 CLB TDTT

Với sự nỗ lực của BCĐ từ tỉnh đến cơ sở, sự tự giác chủ động của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, ban ng ành, đoàn thể sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, sau 20 năm phát động phong trào, đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình về xây dựng LVH, KPVH như làng Hưng Mỹ, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên; làng Kim Chuỳ, xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà; làng Xuân Dục, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh; làng Kỳ Trúc xã Thanh Lộc, làng Mật Thiết xã Kim Lộc, huyện Can Lộc; làng Vĩnh Thành, xã Hà Linh, huyện Hương Khê; Làng Trường Thành, xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân; làng Bằng Châu xã Thạch Châu, thôn Yên Bình xã Thạch Bằng, thôn Giang Hà xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà; làng Gia Ngãi 1 xã Thạch Long, làng Hoà Bình xã Phù Việt, làng Tân Tiến xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà; Khối phố 1, khối phố 8 phường Nam Hồng, khối phố 4, khối phố 7 phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh; khối phố 9, 10, 13 phường Bắc Hà, khối phố 5, khối phố 6 phường Nam Hà, khối phố 3, 12 phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh… Hầu hết các LVH, KPVH trên đạt các tiêu chí văn hoá một cách thực chất, bền vững.

Có thể nói, trong gần 2 thập niên qua, không chỉ các LVH, KPVH mà nhiều cụm dân cư, tổ liên gia trong toàn tỉnh đã âm thầm góp sức vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, tạo nên đời sống tinh thần lành mạnh, mang đậm bản sắc Việt Nam trong các làng quê, thôn xóm, khối phố, giúp mỗi người dân gắn kết hơn với cộng đồng, với quê hương, đồng lòng chung sức tạo nên diện mạo mới của tỉnh nhà trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, khắc đậm dấu ấn của một miền quê thơ, quê nhạc, của tình đất tình người, lắng sâu hồn đất nước quê hương.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast