Di sản Hán - Nôm, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa

(Baohatinh.vn) - Di sản Hán – Nôm là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại. Những thông điệp qua hệ thống các di sản này vừa tạo nên sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, vừa gìn giữ cho muôn sau những giá trị văn hóa, lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, nguồn tài liệu cổ xưa, hiếm quý này vốn đã bị hao hụt bởi yếu tố thời gian, lại chưa được chú trọng gìn giữ nên chưa thực sự phát huy giá trị trong đời sống…

Di sản quý đang bị mai một

Thế kỷ thứ X, nhất là sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc đã được mở ra khi đất nước thoát khỏi ách đô hộ của giặc Tàu. Cũng từ thế kỷ này, chữ Hán và đặc biệt là chữ Nôm trở thành chữ quốc ngữ ở Việt Nam cho đến khi những ký tự La tinh xuất hiện và thay thế hoàn toàn chữ Nôm vào năm 1920. Hiện nay, di sản Hán – Nôm còn lưu lại ở rất nhiều tài liệu và rất đa dạng về hình thức, kiểu loại như: sắc phong, gia phả, hoành phi, câu đối, địa bạ, sách thuốc, văn cúng, chúc ước, đại tự… Tuy nhiên, di sản Hán - Nôm về mặt kiến thức cũng như văn tịch cổ đang ngày càng bị mai một, có nguy cơ mất hẳn.

Di sản Hán - Nôm, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa ảnh 1

Đền Võ Miếu (phường Tân Giang - TP. Hà Tĩnh) là một trong những di tích hiện đang lưu giữ các di sản Hán Nôm có nguy cơ bị hư hỏng nặng.

Mảnh đất phên dậu Hà Tĩnh tuy phải chịu nhiều khắc nghiệt của thiên tai, giặc dã nhưng từ thế hệ này qua thế hệ khác đều có những anh hùng hào kiệt và danh nhân văn hóa. Chính họ đã để lại cho đời sau một kho tàng di sản văn hóa độc đáo, trong đó, có rất nhiều tư liệu Hán - Nôm. Thống kê đến thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh có hơn 17.000 tư liệu văn tự lịch sử Hán - Nôm, đạo sắc, chiếu chỉ các triều đại phong kiến Việt Nam phong tặng cho các địa phương, gia phả các dòng họ và các danh nhân lịch sử văn hóa đã có công trong quá trình dựng nước và giữ nước. Tuy nhiên, ngày nay, rất ít người còn đọc được văn bản chữ Nôm nguyên tác.

Theo thống kê của Hội Bảo tồn di sản Nôm Việt Nam thì ngày nay, trên thế giới chưa đến 100 người đọc được chữ Nôm. Riêng phần chữ Hán, tuy có nhiều người biết đọc và dịch hơn nhưng cũng không phổ biến trong đời sống. Điều đó khiến một phần quan trọng của lịch sử và văn học Việt Nam không được người dân biết đến.

Ở Hà Tĩnh, có rất nhiều đình, chùa, miếu, đền và nhà thờ họ có sử dụng chữ Hán và lưu giữ nhiều đạo sắc, các loại tư liệu Hán - Nôm khác nhưng người đọc được hầu như rất ít. Phổ biến là tình trạng người người đến đền, chùa mà không hiểu ý nghĩa lịch sử cũng như nghĩa những chữ Hán khắc trên đại tự. Con cháu các dòng họ có nhiều sắc phong, câu đối, sách thuốc… của cha ông để lại nhưng không hiểu các văn bản đó chứa đựng giá trị gì… Trước thực trạng đó, bước đầu, Sở VH-TT&DL đã có chương trình hành động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quý này.

Ông Nguyễn Trí Sơn – Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài một số văn bia bước đầu đã được sưu tầm, chỉnh lý, dịch chú và xuất bản năm 2007, hiện nay, chúng tôi đang sưu tầm, biên dịch và số hóa các sắc phong – một di văn quan trọng, góp phần gìn giữ mang đến những tư liệu quý về lịch sử, văn hóa địa phương”.

Theo Tiến sỹ Võ Hồng Hải (nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL), Hán - Nôm là những cổ vật có giá trị đặc biệt trong hệ thống các di sản văn hóa, trong đó, sắc phong là một cổ vật có giá trị độc bản. Qua các sắc phong, người ta có thể biết thông tin về hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính cụ thể. Sắc phong Hà Tĩnh hiện có trên vài nghìn bản nhưng chủ yếu được viết trên giấy bản nên nguy cơ hư hỏng, mất mát là rất lớn, cần có sự vào cuộc quyết liệt của ngành văn hóa nhằm “cứu” nguồn di sản quý này.

Số hóa tư liệu Hán - Nôm, giải pháp bảo tồn hiệu quả

Trước nguy cơ di sản Hán - Nôm bị hao hụt theo thời gian, năm 2013, Sở VH-TT&DL đã giao Bảo tàng Hà Tĩnh phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp TP Hồ Chí Minh và Thư viện tỉnh Thừa Thiên - Huế từng bước sưu tầm, biên dịch, chú giải và số hóa nguồn di sản này.

Di sản Hán - Nôm, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa ảnh 2

Sách thuốc là một di sản Hán Nôm quý nhưng chưa được sao chụp và dịch nghĩa nhiều.

Qua 2 đợt, đoàn số hóa đã trực tiếp làm việc tại 52 xã thuộc 5 huyện Lộc Hà, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Khê và TP Hà Tĩnh. Đoàn đã khảo sát và sưu tầm tại 294 chi họ, 26 di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh, 2 di tích chưa được xếp hạng và các đơn vị đang lưu trữ tài liệu Hán - Nôm là Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh và UBND xã Thạch Bình.

Đến nay, tư liệu Hán - Nôm đã được số hóa gồm: 1.273 đạo sắc, chế, chiếu chỉ, 317 cuốn gia phả, 208 bằng cấp và 972 tài liệu khác như sách thuốc, văn tế, văn cúng, địa bá, khế ước ruộng đất… với tổng số hơn 35.134 trang. Đặc biệt là đã sao lưu gần như đầy đủ 375 mộc bản của dòng họ Nguyễn Huy (Trường Lưu - Can Lộc) với 800 trang chụp âm bản có thể chuyển thành dương bản bất kỳ lúc nào.

Điều đáng mừng là hầu hết các tài liệu Hán - Nôm, nhất là các sắc phong của các triều đại nhà Lê, Nguyễn, sắc chỉ của triều Nguyễn… còn được bảo quản chu đáo ở các dòng họ, đền, chùa. Trong đó, có nhiều dòng họ đang lưu giữ bộ gia phả gốc của nhiều đời tương đối đầy đủ như dòng họ Dương (xã Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh) có 10 tập gia phả hay dòng họ Nguyễn Quốc (xã Thạch Bằng, Lộc Hà) có 9 quyển gia phả… Đặc biệt, dòng họ Lê Hữu (xã Thạch Liên, Thạch Hà) còn lưu giữ được 4 tờ chế của thời vua Bảo Đại cho 3 người (hai cha mẹ và con có công trạng)…

Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu, cũng phát hiện nhiều tài liệu Hán - Nôm bị mục nát hoặc có nguy cơ hư hại rất cao. Tại đền Tam Lang (xã Xuân Lộc, Can Lộc) trước đây, khi lập hồ sơ xếp hạng di tích, đã thống kê được 70 sắc phong nhưng đến thời điểm hiện nay, chỉ còn 29 sắc phong. Các sắc phong ở Võ Miếu (phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh) cũng đã bị hư hỏng nặng nhưng chưa có phương án bảo quản tốt nhất. Một số sắc phong được nhân dân bảo quản bằng cách ép plastic hoặc cất trong ống nhựa cũng đang làm hư hỏng dần số tài liệu này. Sắc phong dài nhất ở dòng họ Nguyễn Văn Giai ở xã Ích Hậu bằng lụa cũng đã bị hư hỏng, mất phần niên hiệu. Đặc biệt là tại đền Cả (Thạch Trị) và đền Thượng Hải (Thạch Hải – Thạch Hà), số lượng sắc phong bị hư hỏng quá nhiều.

Ông Nguyễn Trí Sơn cho biết: “Trong quá trình thực hiện số hóa, chúng tôi gặp khá nhiều thuận lợi, tuy nhiên, do nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa của việc số hóa tư liệu Hán – Nôm nên nhiều cá nhân đang lưu giữ sắc phong, sách thuốc… của dòng họ vì sợ mất bản quyền nên không cho cán bộ số hóa tiếp cận sao chụp và dịch tư liệu của họ. Ngoài ra, một số dòng họ đã mang số di sản đó đi lưu giữ ở xa quê nên quá trình số hóa vẫn còn khó khăn. Hiện nay, Hà Tĩnh đã xuất bản được 1 cuốn sắc phong Hà Tĩnh nhưng tư liệu cần sao chụp và dịch còn rất nhiều, trong khi đó, cán bộ chuyên trách về Hán - Nôm lại thiếu và yếu. Ngành văn hóa cũng chưa có sự quan tâm đúng mức cho việc sưu tầm, dịch và xuất bản sách về tư liệu Hán – Nôm”.

Di sản Hán – Nôm ở Hà Tĩnh được đánh giá là khá nhiều và đang trong tình trạng cần được bảo tồn khẩn cấp. Để nguồn tư liệu quý này phát huy tác dụng trong đời sống, cần sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành liên quan cũng như các chương trình, dự án cụ thể nhằm bảo quản, phục hồi những tài liệu Hán – Nôm đang bị hư hỏng, mục nát.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast