Dòng mạch văn hóa Thăng Long trong tâm hồn Tố Như

Đã đến nhiều nơi, đã thấy nhiều tượng đài Đại thi hào Nguyễn Du nhưng có lẽ chỉ ở cánh đồng Cùng (Tiên Điền – Nghi Xuân) mới cho tôi nhiều mường tượng về cuộc đời cũng như những tâm tư chất chứa bên trong bức tượng uy nghiêm, thinh lặng ấy. Mỗi lần đến khu lưu niệm Nguyễn Du tôi lại mang về cho mình những cảm nhận khác nhau. Lúc thấy nét nhẹ nhàng, thanh thoát, khảng khái mà hiền hòa của bậc thiên tài; lúc lại thấy rõ nỗi buồn nhân thế ẩn hiện cùng lòng thương mênh mang… Và lần này là nỗi nhớ Thăng Long trong ánh nhìn xa xăm của Người…

Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 11 này, cả nước sẽ hướng về Hà Tĩnh với Lễ hội kỷ niệm 245 năm năm sinh và 190 năm năm mất Đại thi hào Nguyễn Du. Cùng với sự ra đời của bộ phim Long thành cầm giả ca, đó tưởng như là sự tri ân của hậu thế với một “người con” của Hà Tĩnh - Thăng Long.

Nguyễn Du khảng khái, uy nghiêm mà hiền hậu giữa quê nhà Nghi Xuân
Nguyễn Du khảng khái, uy nghiêm mà hiền hậu giữa quê nhà

Nghi Xuân

Nguyễn Du quê ở làng Tiên Điền (Nghi Xuân – Hà Tĩnh) nhưng nơi ông sinh ra lại chính là kinh thành Thăng Long nên có mối quan hệ gắn bó rất sâu nặng với đất đế đô. Trong tâm hồn phong phú của Nguyễn Du luôn luôn có một dòng mạch văn hóa Thăng Long song hành cùng những dòng văn hóa khác. Có được điều đó là bởi người cha tài ba, làm Tể tướng dưới triều Lê đã mang đến cho cậu ấm Nguyễn Du đời sống sung túc suốt thời tuổi nhỏ.

Như một lẽ tự nhiên, uy phong họ Nguyễn Tiên Điền lừng lẫy giữa kinh đô đã thấm vào cốt tủy, trở thành thứ vốn liếng tổng hợp – vừa là gia phong vừa là quốc phong và thông qua văn hóa Thăng Long để quy chiếu, ăn sâu bén rễ trong tâm hồn chàng thiếu niên vốn nhạy cảm và thông minh ấy. Kể cả sau này, khi cha mẹ qua đời, Nguyễn Du vẫn được sống cuộc sống phú quý cùng người anh Nguyễn Khản. Dưới thời Chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Khản được sủng ái, nhờ đó đời sống càng phong lưu với những bữa yến tiệc hào hoa, không ngớt tiếng sênh ca. Chính những cuộc yến tiệc đàn ca thâu đêm tại nhà anh trai - nơi cảnh trí nên thơ giáp quán Bích Câu và chùa Tiên Tích ấy đã in hằn vào tâm trí Nguyễn Du hứng thú nghệ thuật nhiều cung bậc, vỉa tầng, không bao giờ nhạt phai. Ấy là dấu ấn văn hóa Thăng Long đối với Nguyễn Du ở giai đoạn quan trọng nhất trong hình thành nhân cách cũng như tâm hồn – giai đoạn bắt đầu trưởng thành.

Sau này trong những sáng tác của Nguyễn Du, đặc biệt là Truyện Kiều ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh của đời sống phong lưu ấy. Và cho dù tâm hồn Nguyễn Du được kiến tạo bởi nhiều nét văn hóa vùng Kinh Bắc và xứ Nghệ thì về phương diện nào đó, ta có thể khẳng định rằng nếu không được sinh ra ở Thăng Long, nếu không có quãng thời gian đầu đời sống ở Thăng Long và thấm bầu khí văn hóa kinh thành thì sẽ không có một Nguyễn Du tài hoa, tinh tế như vậy. Cái dòng chảy lấp lánh của văn hóa đất kinh kỳ ấy không chỉ hình thành nên cốt cách con người mà về sau còn soi chiếu rất nhiều vào tư tưởng nghệ thuật của Nguyễn Du.

Tháp rùa cổ kính giữa ngàn năm Thăng Long. Ảnh Internet
Tháp rùa cổ kính giữa ngàn năm Thăng Long. Ảnh Internet

Năm 1796 khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, triều đại nhà Lê hoàn toàn sụp đổ, nhiều bề tôi nhà Lê, trong đó có Nguyễn Du phải rời bỏ kinh thành Thăng Long, long đong trên dặm dài đất nước. Những biến cố đổi thay triều đại ấy đã tạo nên những khúc ngoặt trong đời sống nội tâm Nguyễn Du. Và như giáo sư Nguyễn Huệ Chi đánh giá: “Cảnh tang thương dâu bể của nơi phồn hoa đô hội thân thuộc đối với mình, từ nhiều tầng bậc khác nhau, với nhiều số phận bi hài trớ trêu diễn ra trước mắt, lại cũng khía sâu vào tâm trí nhà thơ những ấn tượng khác thường, hình thành nên ở ông một cái nhìn sâu thẳm, đột xuất về phương diện triết học cũng như thẩm mỹ”.

Có thể nói hình ảnh Thăng Long ngày ra đi đã khúc xạ vào tâm hồn thi sỹ thành cuốn phim âm bản và nỗi buồn thương, nuối tiếc cứ dồn ứ theo từng bước chân ông trên chặng đường 10 năm gió bụi không cất nổi thành lời. Thế nên trong 4 bài mở đầu tập Bắc hành tạp lục (Thăng Long I, Thăng Long II, Ngộ gia đệ cựu ca cơ, Long Thành cầm giả ca), đều in đậm dấu ấn tâm trạng hoài vọng quá khứ. Về lại Thăng Long sau mấy chục năm phiêu bạt, Nguyễn Du như tìm thấy mình trong hình ảnh người ca kỹ. Qua hình tượng nghệ thuật này, nhà thơ ngụ ý giữa Thăng Long còn những thứ quý giá chưa mai một giữa bao biến đổi chính trị và ông mặc nhiên coi mình thuộc về cái phần sót lại ấy.

Trong Ngộ gia đệ cựu ca cơ, ông viết: "Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử/ Khả liên do trước khứ thời y" (Nghe nói gả về người khác đã được ba con/Thương thay vẫn còn mặc chiếc áo ngày đi lấy chồng). Hình ảnh chiếc áo ở đây chính là sự tiên cảm bén nhạy của người nghệ sĩ về những gì là cái đẹp và sự sống đích thực vẫn còn ẩn náu trong mảnh đất Thăng Long. Cũng chính qua biểu tượng người ca kỹ ở tuyệt phẩm Long thành cầm giả ca, ta mới thấy được dòng chảy văn hóa Thăng Long thầm lặng trong tâm hồn Nguyễn Du bộc lộ mạnh mẽ. Bài thơ tập trung ánh sáng rọi vào số phận trớ trêu của một người phụ nữ tài sắc mà theo cảm quan nghệ thuật của ông là hiện thân của tài hoa cốt cách Thăng Long.

Nguyễn Du đã vẽ lại khí chất của Thăng Long văn vật nghìn xưa qua chân dung tràn trề sức sống của cô Cầm và bày tỏ nỗi lòng nhớ tiếc của mình qua hình ảnh ấy: "Nhớ xưa ta đã một lần trông/ Hồ Giám đang đêm mở tiệc nồng/ Tuổi nàng lúc ấy vừa ba bảy/Áo hồng óng ánh mặt đào hồng/ Ngà say yểu điệu mê hồn khách/ Một tay đàn dậy suốt năm cung (…) Ba sáu cung xuân dồn hết lại/ Đúc nên vật báu Tràng An này". Nguyễn Du đã khóc cho cô Cầm, khóc cho những tài hoa đất Thăng Long và khóc cho số phận của chính mình nhưng giả như không có cuộc biến thiên ấy, hẳn tâm hồn Nguyễn Du cơ hồ sẽ khuyết thiếu đi một vùng đặc biệt tạo nên cảm quan nghệ thuật riêng biệt in đậm dấu ấn trong các sáng tác của ông.

Nghi Xuân chiều tháng 10 bời bời gió, từng đàn chim ngói bay về đậu bình yên trên những mái nhà khu lưu niệm Nguyễn Du. Giữa bao la đất trời quê nhà, tượng Đại thi hào trông thật hiền hậu, bao dung. Hôm ấy, đôi mắt Người ẩn giấu nỗi hoài nhớ kinh kỳ thiết tha… Tôi tin rằng, ở phía Thăng Long cũng sẽ có những vật thể, những tâm hồn chờ đón Người về trong ngày hội trùng phùng non sông…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast