Gặp “Hậu duệ” cụ Nguyễn trong Khu di tích Đại thi hào

Đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), du khách thập phương được thưởng ngoạn nhiều điều thú vị về đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hóa thế giới. Nhưng ít ai biết rằng, hơn 10 năm qua, ở khu lưu niệm này, cô cháu gái là hậu duệ đời thứ 8 của cụ đang âm thầm làm công việc hướng dẫn viên và bảo tồn văn hóa tại đây.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du.
Khu di tích quốc gia đặc biệt Nguyễn Du.

Chị tên là Nguyễn Thị Vân Huyền, là cháu gái, hậu duệ đời thứ 8 của cụ Nguyễn Tiên Điền, hiện đang làm công tác hướng dẫn viên kiêm công việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản tại Khu di tích. Vân Huyền hiện đang sống tại số nhà 24, ngõ 4 đường Mai Hắc Đế, Tp Vinh cùng chồng và hai đứa con xinh xắn, ngoan hiền.

“Hậu duệ” đời thứ 8 của cụ Nguyễn Du

Chị Vân Huyền và con trai.
Chị Vân Huyền và con trai.

Chị Nguyễn Thị Vân Huyền sinh năm 1979, trong gia đình có 5 anh chị em ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân. Bố chị là cháu đời thứ 7 của cụ Nguyễn Du, tên Nguyễn Ban, một người rất nặng lòng với văn hóa dân gian vùng miền. Lúc sinh thời, bố chị Vân Huyền là diễn viên sân khấu, chuyên sáng tác các bài hát mô phỏng lại các điệu ví dân gian quê nhà.

Trong thời gian làm trưởng phòng văn hóa huyện Nghi Xuân, ông Ban rất nặng lòng với việc đưa dân ca vào trường học, dù thời điểm ấy, đề án này chưa được chú trọng như bây giờ. Về phần chị Vân Huyền, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành bảo tàng, vào năm 2001, chị xin về công tác tại Khu di tích Nguyễn Du sau khi trải qua một kỳ thi sát hạch nghiêm ngặt, lúc đầu cũng chỉ với ý niệm là công tác gần nhà để đỡ phần đi lại. Thế nhưng, sau những nắm tháng gắn bó, chị đã có nhiều trăn trở, đóng góp xây dựng cho niềm tự hào của dòng họ mình được khang trang, đủ đầy hơn.

Kể lại những việc làm của mình với nơi thờ tự cụ Nguyễn Du, chị Nguyễn Thị Vân Huyền khá khiêm tốn khi cho rằng, mình cũng chẳng làm được gì lớn lao để đóng góp vào quỹ hiện vật của cụ Nguyễn. Dẫu vậy, qua đồng nghiệp của chị, chúng tôi biết chị đã có những khoảng thời gian bỏ ra hàng tháng trời, cất công lặn lội vào Nam ra Bắc để sưu tầm hiện vật đưa về trưng bày tại đây.

Đơn cử như vào năm 2004, khi có thông tin tại Hà Nội phát hiện có cả một tổng tập văn bia về cuộc đời Nguyễn Du, chị đã xung phong đích thân ra thủ đô, làm việc với các ban ngành liên quan để xin đưa kho tàng vô giá này về Hà Tĩnh trưng bày. Đó thực sự là một kho tư liệu quý, với hơn 20 cuốn sách cổ, mỗi cuốn nặng 5kg. Thân gái một mình, chị phải tự xoay xở trong cả hai đợt công tác mới đưa được số hiện vật này về.

Lần khác, vào năm 2010, khi nghe tin ông Nguyễn Bá Lãm ở Hà Nội có trong tay bản dịch Truyện Kiều bằng tiếng Ba Lan của tác giả Roman Koloniecki dịch từ năm 1975. Khi nghe thông tin này, đích thân chị đã tìm mọi cách để liên hệ trước với ông Lãm, hẹn gặp để ngỏ ý được xin lại cuốn sách đưa vào trưng bày tại bảo tàng ở khu lưu niệm. Thật bất ngờ, khi vừa giới thiệu chị là hậu duệ của cụ Nguyễn Tiên Điền, dù chưa biết mặt nhưng từ Hà thành, bác Lãm rất niềm nở và hứa sẽ trao tặng lại cuốn sách. Cũng chẳng cần để chị phải lặn lội ra thủ đô, bác Lãm đã gửi qua đường bưu điện cho chị.

Nguyễn Thị Vân Huyền kể, là con cháu cụ Nguyễn Du, lại công tác tại đây nên chị cũng gặp những thuận lợi nhất định. Trong quá trình sưu tầm hiện vật về trưng bày, đi đến đâu hễ nói đến con cháu cụ Nguyễn là mọi người rất quý trọng và giúp đỡ nhiệt tình. Hay như với công việc là một hướng dẫn viên tại khu di tích, với những đoàn khách không biết chị là dòng dõi cụ thì thôi, chứ với những ai biết về chị khi đến đây đều nhất mực muốn được nghe chị thuyết trình. Nhiều hôm, phải làm việc gần như cả ngày, mệt rã nhưng được tự mình giới thiệu về dòng họ mình, chị rất tự hào, quên cả mệt nhọc.

Tự hào về dòng họ

Chị Nguyễn Thị Vân Huyền lập gia đình vào năm 2003. Chồng chị là anh Nguyễn Lê Huy, nhiều hơn chị 8 tuổi. Sau khi lấy chồng, chị theo chồng định cư ở TP Vinh. Chồng chị, anh Huy tác tại tập đoàn sữa TH true milk, nên cũng ít có thời gian dành cho gia đình. Anh làm bên kinh tế, nhưng lại có sở thích sưu tầm đồ cổ về trưng bày trong nhà mình. Hàng trăm đồ vật quý giá có niên đại từ hàng trăm năm trước đã được anh cất công lặn lội đi sưu tầm, đưa về trưng bày khiến cho ai lần đâu tiên khi mới bước chân vào nhà anh chị cũng có được cảm giác cổ xưa, tôn nghiêm. Hai đứa con của chị, cháu đầu Nguyễn Lê Vy Cầm năm nay 8 tuổi, đang học trường tiểu học gần nhà, còn cháu trai Nguyễn Huy Kỳ cũng đã 5 tuổi.

Qua chị Vân Huyền, chúng tôi được hiểu thêm, họ Nguyễn Tiên Điền là dòng họ nổi tiếng “Trâm anh thế phiệt”, có nhiều người tài năng thành đạt trên con đường văn chương, khoa cử, y học, sử học cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Từ ông tổ đời thứ nhất là Nam dương hầu Nguyễn Nhiệm đến tổ đời thứ 6 là thời cực thịnh của dòng họ, tới tổ đời thứ 7 vẫn có nhiều bậc anh tài nổi tiếng. Kể từ đây, khi ông Nguyễn Mai đậu tiến sĩ nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học thì con cháu nhà hị Nguyễn Tiên Điền không còn ai ra làm quan mà ở nhà dạy học và bốc thuốc.

Hiện tại, dòng họ có trên 300 người bốc thuốc, dạy học thì không kể xiết, nhưng dù trong hoàn cảnh nào bất kể lúc khó khăn nhất thì dòng họ này vẫn giữ được cốt cách thanh cao, trong đó chỉ duy nhất cô cháu gái Vân Huyền là làm việc tại khu di tích.

Tự hào là con cháu dòng dõi Nguyễn Tiên Điền, nên hơn mười năm qua, ngoài việc cố gắng truyền tải tất cả những kiến thức mình biết được về cụ Nguyễn Tiên Điền và dòng họ, chị Nguyễn Thị Vân Huyền còn mải miết sưu tầm hiện vật, tư liệu để làm phong phú thêm khu di tích. Chị yêu thích công việc mình đang làm và nguyện sẽ gắn bó với những việc mình đang làm./.

Báo Công an Nghệ An

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast