Hà Tĩnh trong dòng văn hóa Đông Sơn

Trải qua bao biến cố, đổi thay của lịch sử, vùng đất Hà Tĩnh với thiên nhiên khắc nghiệt này đã chứng minh được sự bắt nhịp của mình trong tiến trình lịch sử chung của đất nước đồng thời cũng khẳng định được những nét văn hóa riêng biệt của vùng đất này. Những hiện vật khảo cổ tìm được trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn là một trong những minh chứng cho điều đó.

Nếu như những di chỉ khảo cổ học tìm được đã chứng minh văn hóa Tiền Đông Sơn chỉ phân bố ở các miền nhỏ hẹp thì văn hóa Đông Sơn lại phân bố rộng trên dải đất hình chữ S. Những di chỉ khảo cổ học được tìm thấy ngày càng nhiều ở Hà Tĩnh đã chứng tỏ sự lan tỏa rộng lớn của nền văn hóa (hay còn được gọi là văn minh) này. Các cổ vật mang dấu vết văn minh Đông Sơn được tìm thấy ở Đức Thọ, Nghi Xuân, Can Lộc, Thạch Hà, Kỳ Anh…và gần đây nhất là di chỉ Phôi Phối – Bãi Cọi (Nghi Xuân) đã khẳng định người Hà Tĩnh trong nền văn hóa Đông Sơn cũng có một trình độ văn hóa, kinh tế không khác gì các vùng khác.

Chiếc rìu đá này được phát hiện tại Can Lộc được xác định thuộc thời kỳ Tiền Đông Sơn với niên đại trên 4500 năm

Chiếc rìu đá này được phát hiện tại Can Lộc được xác định thuộc thời kỳ Tiền Đông Sơn với niên đại trên 4500 năm

Lịch sử chứng minh rằng nghề luyện kim đồng rất phát trển trong văn minh Đông Sơn và những công cụ, vũ khí bằng đồng thau mà các nhà khảo cổ học tìm thấy được ở Hà Tĩnh cũng chứa những thông tin đó. Người ta đã tìm thấy những chiếc rìu bằng đồng thau giống hệt nhau ở Rú Cơm (Nghi Xuân) và Thạch Đài (Thạch Hà). Những chiếc rìu này mang đặc trưng chung của văn hóa Đông Sơn đồng thời cũng có những điểm riêng biệt của văn hóa vùng miền. Nó giống với tất cả những chiếc rìu đồng được phát hiện trên toàn khu vực văn hóa Đông Sơn như đều có họng lưỡi xòe cân, khung hoa văn với các đoạn thẳng cắt chéo nhau nhưng lại có nét riêng mang dấu ấn văn hóa người Hà Tĩnh. Hầu như chiếc rìu nào ở Hà Tĩnh trên vai cũng có thêm gờ tròn, làm tăng độ chắc, bền của rìu. Hẳn rằng cư dân Hà Tĩnh xưa đã biết sáng tạo công cụ lao động để thích ứng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi đây. Đặc biệt, trong bộ đồng thau tìm được ở Sơn Phú (Hương Sơn) người ta còn thấy một chiếc rìu tuyệt đẹp chưa bao giờ thấy ở các di chỉ khác. Chiếc rìu với hoa văn chạm khắc rất tinh xảo một đàn chim cổ dài với các thế đứng khác nhau đã thêm một lần nữa khắc dấu quá trình sáng tạo và những dấu nét văn hóa riêng của cư dân Hà Tĩnh. Điều này giống với những đặc điểm của đồ gốm. Tuy giống đồ gốm ở các di chỉ khác là cứng, mịn và trang trí ít nhưng nồi gốm ở Hà Tĩnh còn có vung được làm bằng tay khá đẹp khắc dấu nét riêng biệt của văn hóa địa phương.

Những hiện vật tìm thấy ở Hương Sơn thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn

Những hiện vật tìm thấy ở Hương Sơn thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn

Bên cạnh những công cụ sản xuất, người ta còn tìm thấy nhiều loại vũ khí bằng đồng thau ở Rú Cơm (mũi tên, dao găm), Đức Đồng (giáo) giống với những hiện vật tìm thấy được ở Quảng Trị. Cùng với chế tác đồ đồng, trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn ở Hà Tĩnh cũng bắt đầu phát triển nghề làm sắt. Các dấu vết lò luyện sắt thời kỳ này được tìm thấy ở Xuân Giang (Nghi Xuân) đều có đặc điểm chung với các lò phát hiện được ở Đồng Mõm, Nho Lâm (Nghệ An).

Giống như các vùng miền khác, trong dòng chảy văn hóa Đông Sơn, Hà Tĩnh cũng không nằm ngoài sự vận động chung. Chính vì thế, nghề làm đồ đá đến giai đoạn này vẫn được duy trì nhưng chỉ chuyên làm đồ trang sức. Chiếc khuyên tai tìm được ở Xuân An (Nghi Xuân) rất đẹp làm bằng đá quắc-dít, có hình vành khăn với một khe hở được mài rất mỏng và giống với khuyên tai Đông Sơn được tìm thấy ở Thanh Hóa và vùng Bắc Bộ. Điều này chứng tỏ sự lam tỏa rộng lớn của văn hóa Đông Sơn trên dải đất Việt Nam và cũng chứng tỏ sự khéo léo, tài hoa của người Hà Tĩnh cổ xưa.

Tương tự như thế, kinh tế Đông Sơn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó vẫn duy trì nghề dệt và Hà Tĩnh cũng vậy. Những dọi xe bằng đất nung tìm được ở Xuân An (Nghi Xuân) cho thấy nghề dệt từng xuất hiện và phát triển ở đây. Cùng với những chiếc rìu tìm được ở đây, các nhà khảo cổ còn tìm thấy những cái chõ xôi kiểu Tiền Đông Sơn vẫn được cư dân tiếp tục sử dụng và các ngôi mộ táng bình nồi có sự giao thoa giữa văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh. Đặc biệt, người ta có thể hình dung ra những xóm làng rộng lớn chạy dài mấy cây số dọc sông Lam mang đậm dấu ấn nền kinh tế nông nghiệp thông qua việc khảo sát lớp đất chứa gốm Đông Sơn.

Ngôi mộ bình nồi táng theo tục lệ văn hóa Đông Sơn có ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy ở Bãi Cọi (Nghi Xuân)

Ngôi mộ bình nồi táng theo tục lệ văn hóa Đông Sơn có ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy ở Bãi Cọi (Nghi Xuân)

Như vậy, cùng với sự phát triển chung của nhiều vùng miền trên dải bao phủ của thời kỳ văn hóa Đông Sơn, Hà Tĩnh với nhiều đặc điểm chung đã dần tạo ra những nét văn hóa mang dấu ấn địa phương của mình. Sự ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn cùng với những nét khác biệt trong cấu tạo địa chất, địa hình, khí hậu đã tạo nên tính cách con người Hà Tĩnh kiên cường, cần cù, sáng tạo trong lao động và không ngừng vươn lên. Những đặc điểm tính cách đó được truyền từ đời này qua đời khác và ảnh hưởng vào quá trình lao động tạo nên những nét văn hóa riêng biệt của vùng đất Hà Tĩnh anh hùng và cũng rất hào hoa. Tồn tại như một bông hoa với hương sắc không thể trộn lẫn và không ngừng phát triển trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast