Hoài nhớ bến sông

Cuối thu. Những luống cải trên bãi ven sông vun vút trổ ngồng nở hoa vàng miên man. Tôi nghe lòng như hoang hoải giữa sắc vàng mê mải ấy giữa lãng đãng sương chiều buổi hoàng hôn. Thời gian qua đi, nhiều thứ đã đổi thay, vậy mà riêng những luống cải ven sông vẫn chưa bao giờ thôi trở về như mùa đã hẹn. Có lẽ những cánh vàng mỏng manh, thiết tha ấy là chiếc neo neo giữ con thuyền tâm hồn những người con xa xứ với bến quê hương.

Bác tôi ly quê từ những năm đói mòn, đói mỏi, quá nửa đời phiêu dạt mới có điều kiện trở về xứ sở tìm lại những kỷ niệm máu thịt của đời mình. Gia đình tôi ở không cách xa quê là mấy nhưng cuộc mưu sinh cũng khiến những lần về quê của chúng tôi trở nên loáng thoáng. Trở về quê cùng bác lần này, tôi đã thật sự được về lại giữa quê nhà một cách thấm đẫm nhất. Đây cũng chính là lúc tôi cảm nhận được rõ nhất những mất mát của vật thể và những điều còn lại mãi mãi trong tâm hồn con người.

Miên man sắc vàng hoa cải
Miên man sắc vàng hoa cải

Nhìn từ xa quê tôi giống như một cánh cung, vòng ngoài cùng được che chắn bởi dãy núi Thiên Nhẫn hùng vỹ - nơi có thành Lục Niên in dấu khí phách của Bình Định Vương Lê Lợi. Bước xuống là dòng Ngàn Phố trong xanh thơ mộng rồi đến bến nước và nhà cửa san sát, cuối cùng là con đê dài cong cong uốn lượn bao quanh. Bến sông làng tôi nằm ngay dưới chân cổng hậu của làng nên lúc nào cũng đông vui tấp nập. Mỗi sáng, mỗi chiều, thậm chí là cả những đêm sáng trăng, bến sông trở thành nơi dân làng gặp gỡ nhau nhiều nhất. Qua những rặng tre kẽo kẹt là gốc bàng cổ thụ, hầu như chẳng ai nhớ nổi tuổi của nó, chỉ biết thân cây lớn lắm, mấy người ôm không xuể, tán xòa rộng phủ mát cả bến sông, chỗ gốc cây không rõ ai đã khéo léo tạc hình chiếc ghế cho người già và trẻ nhỏ ngồi dựa lưng hóng mát. Cây bàng tựa như một chứng nhân lịch sử, chứng kiến bao nếp sinh hoạt thường ngày của ông bà, cô bác…

Sáng tinh mơ, người làng đã đổ ra bến sông, có chị gánh nước trong sương sớm, o thì gồng gánh hàng hóa vượt truông Voi sang Nam Đàn bán, mua, dì thì quang gióng sang sông cắt cỏ, cắt chè, anh vác cày lên núi làm nương, phát rẫy… Từ bến sông này, triệu triệu chuyến đò ngang đã cùng biết bao cuộc đời đi về trong tất tả lo âu, trong buồn, vui cuộc sống. Những trưa đứng bóng, nước lặng và trong, tranh thủ thời gian rỗi, những “đệ nhất câu tôm” lại buông cần trổ tài. Thuở ấy, tôi thường theo chân bác và các anh ra bến câu tôm. Dạo đó tôm cá về bến nhiều lắm nhưng không phải ai cũng câu được nhiều. Thường thì bác và các anh tôi là những người vui nhất vì oi của họ luôn luôn đầy nhất. Tuy nhiên niềm vui đó thường chỉ dừng lại nơi thềm nhà vì ở đó bác gái đã đợi sẵn để mang ra chợ bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Nghĩ lại mà đứt lòng thương bác tôi vì lúc nào cũng là người câu được nhiều tôm nhất mà đến buổi ly hương vẫn chưa một bữa được thưởng thức thành quả của mình.

Bến sông làng tôi thuở ấy còn có những tảng đá to bằng cái phản phẳng lỳ và mát rượi. Không biết người con nào của làng đã mang những tảng đá ấy về đặt ở đó để nó trở thành chỗ để chiều chiều các mẹ, các chị sau buổi làm đồng lại ra bến ngồi giặt giũ, rửa rau, rửa bát... Đã lâu lắm rồi nhưng hình ảnh dải nước vút bay thành vòng cung trên bến và âm thanh đập chiếu trên mặt nước mỗi lần ai đó giặt chiếu vẫn đeo bám như một nỗi buồn âm bản trong tôi về nỗi nhọc nhằn của một thế hệ các mẹ, các chị quê nhà. Còn nhớ, dạo ấy mỗi lần thương lái ghé bến là mỗi lần bến sông thành một cái chợ nhỏ. Những sản vật miền ngược, miền xuôi đều ghé bến sông rồi mới tiếp tục cuộc hành trình xuôi ngược của mình. Suốt những năm tháng tuổi thơ, mỗi cuối chiều tôi thường hay ngồi trên bờ đá, nhìn khói bếp mờ bay từ những ngôi nhà di động trên sông để rồi mỗi lần trời giông gió lại xót thương những cuộc đời phiêu bạt trên sông nước mênh mang…

Bến sông xưa giờ chỉ còn trong nỗi nhớ
Bến sông xưa giờ chỉ còn trong nỗi nhớ

Tất cả cũng chỉ là nỗi nhớ, là ký ức mà thôi, bởi qua thăng trầm thời gian và những biến cố của môi trường cùng muôn vàn đổi thay của cuộc sống, bến sông quê ngày nào giờ đã không còn nữa. Rừng đầu nguồn bị tàn phá khiến con sông quê tôi đang chết dần. Bến cũ trở thành bãi bồi miên man cát, một bến mới được hình thành ở địa điểm khác và được kiên cố hóa bằng bê tông để chống chịu những trận lũ lụt. Chính trận lũ lịch sử năm nào đã làm cây bàng bật gốc mà chết, những tảng đá phẳng lỳ, mát rượi cũng biến mất, bến nước tấp nập là vậy mà giờ chỉ còn là bãi bồi hoang vắng không người lại qua. Nơi bến cũ, dẫu người làng tôi đã trồng một cây bàng mới đúng chỗ gốc bàng cổ thụ năm xưa nhưng vẫn không làm vơi đi sự trống vắng, quạnh quẽ.

Bác tôi ngồi trên bến cũ nhìn sang xanh thẳm núi non nơi ông bà tổ tiên an nghỉ mà mắt mờ đục. Tôi hiểu tâm trạng nhiều vỉa tầng của người có nửa đời gắn bó với bến sông quê, còn một nửa đời hoài nhớ nó nơi đất khách quê người và hiểu nỗi chênh chao trong lòng bác khi ngày trở về không còn nữa bến sông năm nào. Vẫn biết vật đổi sao dời là điều mà con người phải chấp nhận, dẫu vậy vẫn nghe trong lòng mình cồn lên nỗi tiếc nhớ chơi vơi khi một tập quán sinh hoạt văn hóa làng xã đã bị mai một…

Hoàng hôn. Chỗ bác cháu tôi ngồi le the bay ra những làn khói lá tre khô từ góc vườn nhà ai đó. Và cũng từ chỗ ấy, chúng tôi thấy rất rõ vạt hoa cải vàng rực bên kia sông như một vạt nắng cuối chiều còn sót lại, như một thực thể vẫn riêng còn vẹn nguyên giữa bao la thay đổi của thế thái nhân tình. Với tôi, chừng ấy thôi cũng đủ để thức dậy những bến bờ xưa cũ, cho tôi neo lòng mình vào chốn an bình khi phải cơn giông gió của đời…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast