Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn - Đốc trấn tài năng lưu danh cùng non nước

(Baohatinh.vn) - Sáng 14/11, tại Hương Sơn, Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh phối hợp với UBND huyện Hương Sơn và Ban liên lạc dòng họ Đinh Nho Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn, thân thế và sự nghiệp”.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Quốc Vinh cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, lãnh đạo địa phương và con cháu dòng họ Đinh Nho tham dự.

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn - Đốc trấn tài năng lưu danh cùng non nước ảnh 1

Phát biểu đề dẫn của Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Lê Đức Hùng tại hội thảo đã khái quát thân thế, sự nghiệp và những công lao to lớn của vị Hoàng Giáp. Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn (1670 – 1716), hiệu Mặc Trai, người xã An Ấp, nay là xã Sơn Hòa (Hương Sơn, Hà Tĩnh) xuất thân trong gia đình khoa bảng, thân sinh là cụ Đinh Nho Công – Thiêm đô Ngự sử triều vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Chính Hòa (1680 – 1705).

PGS.TS Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Cảnh Thụy và Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Lê Đức Hùng đồng chủ trì hội thảo.

PGS.TS Đinh Quang Hải – Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Cảnh Thụy và Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Lê Đức Hùng đồng chủ trì hội thảo.

Năm 30 tuổi, Đinh Nho Hoàn đỗ Tứ trường trúng cách; vào thi Đình, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức là Hoàng giáp. Quá trình làm quan ông đã trải qua các chức: Hậu bổ Hàn Lâm viện, Tham chính xứ Sơn Tây, Đốc trấn phủ Cao Bình (Cao Bằng ngày nay), Hữu thị lang bộ Công, Thượng bảo tự khanh.

Năm Ất Mùi, Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), vâng mệnh triều đình đi sứ nhà Thanh, ông đã tận trung với nước được Bắc triều khen ngợi về công lao.

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn - Đốc trấn tài năng lưu danh cùng non nước ảnh 3

Đại biểu trao đổi bên lề hội thảo

Năm 1716, ông mất khi đi sứ. Sau khi mất, ông được triều đình phong tặng Tả Thị lang bộ lại và cho lập miếu tôn thờ, đồng thời phong sắc là Đặc Đạt Đại Vương.

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn - Đốc trấn tài năng lưu danh cùng non nước ảnh 4

Nhà thơ Vương Trọng: Chỉ trong một thời gian đi sứ (chừng 7 tháng) mà Đinh Nho Hoàn đã sáng tác được hơn 100 bài thơ hay đến vậy thì tin chắc, trước đó ông đã sáng tác rất nhiều thơ. Chúng ta cần cố gắng sưu tầm những tác phẩm đó và nếu không tìm được thì do thất lạc chứ không phải là không có.

38 tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, con cháu dòng họ Đinh Nho tại hội thảo đã làm rõ thêm về thân thế và sự nghiệp của Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn về quá trình làm quan, các chức vụ Đinh Nho Hoàn từng kinh qua; hoàn cảnh mất, cuộc đi sứ nhà Thanh cũng như các tác phẩm của ông về cả chữ Hán và chữ Nôm và cội nguồn quê hương, gia đình, dòng họ - nơi sản sinh ra bậc danh thần…

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn - Đốc trấn tài năng lưu danh cùng non nước ảnh 5

Đại tá Nguyễn Khắc Thuần: An Ấp (Sơn Hòa, Hương Sơn) là vùng đất “địa linh, nhân kiệt” – yếu tố đầu tiên quyết định cho sự hình thành, nuôi dưỡng và phát triển nhân cách, đức độ, tài năng, cống hiến của Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn.

Hôi thảo này là dịp để giải quyết nhiều vấn đề lịch sử còn bỏ ngỏ, tri ân những công lao, đóng góp của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn đối với lịch sử đất nước, với quê hương Hương Sơn và tỉnh Hà Tĩnh qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết dòng họ, nêu gương học hành khoa bảng cho các thế hệ; đồng thời cũng là để bảo tồn, phát huy các giá trị si sản văn hóa do các thế hệ cha ông để lại. Đây cũng là hoạt động hướng đến kỉ niệm 300 năm ngày mất Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn.

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn - Đốc trấn tài năng lưu danh cùng non nước ảnh 6

Ông Đinh Nho Thanh – đại diện dòng họ Đinh Nho Hương Sơn: Con cháu họ Đinh Nho luôn luôn ý thức phải vươn lên học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để xứng đáng với truyền thống của cha ông đi trước, góp phần xây dựng quê hương, đất nước và làm vẻ vang cho dòng họ.

“Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn đã để lại nhiều ân tình sâu nặng với nhân dân, là hình ảnh nhà nho mẫu mực, vị quan vì nước, vì dân. Ban chổ chức tiếp thu các ý kiến tham luận và sẽ có sự tổng hợp để bổ sung thêm nguồn thông tin về Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn. Thời gian tới, sẽ tập hợp các bài thơ của ông, đặc biệt là thơ chữ Nôm thành “thi tập Đinh Nho Hoàn” để giới thiệu với độc giả trong và ngoài nước. Nhân đây, xin kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh và Cao Bằng đầu tư kinh phí trùng tu khu di tích đền Gôi và nâng đền Gôi từ khu di tích lịch sử cấp tỉnh lên cấp quốc gia; công nhận Khánh đá Mặc Trai ở di tích đền Gôi là báu vật quốc gia…”, PGS.TS Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam kết luận.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Quốc Vinh nhấn mạnh, Đinh Nho là dòng họ đã sản sinh ra nhiều nhân vật nổi tiếng trong văn chương, quan trường và võ bị trong đó không thể không kể đến Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn.

Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn - Đốc trấn tài năng lưu danh cùng non nước ảnh 7

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Quốc Vinh: Tấm gương và công lao sự nghiệp của các bậc tiền nhân đã đi vào trang sử vàng của dân tộc; trách nhiệm của hậu thế hôm nay là phải trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu đó

Qua hội thảo sẽ có thêm nhiều tư liệu, kiến giải mới về Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn cũng như các nhân vật liên quan đến dòng họ Đinh Nho; từ đó thêm một lần nữa khẳng định và đề cao những phẩm chất cao đẹp, công lao và sự đóng góp của ông nói riêng và dòng họ Đinh Nho nói chung đối với quê hương, đất nước.

Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định cấp ủy, chính quyền các cấp ở Hà Tĩnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công tác sưu tầm, nghiên cứu, tổ chức các hội thảo khoa học về danh nhân văn hóa – lịch sử, về các dòng họ và xem đây là một trong những nguồn lực tinh thần góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tấm gương và công lao sự nghiệp của các bậc tiền nhân đã đi vào trang sử vàng của dân tộc; trách nhiệm của hậu thế hôm nay là phải trân trọng, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu đó; qua đó, tiếp tục có những đóng góp xứng đáng cho quê hương trong sự nghiệp đổi mới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast