Hội Gióng – còn “nguyên vẹn” suốt ngàn năm!

Giữ nguyên những giá trị “gốc” bất chấp những biến động về thời gian và thể chế - đó là một trong những yếu tố quyết định để Hội Gióng nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể từ UNESCO vào ngày 16/11/2010. Vì sao Hội Gióng có thể làm được điều này, khi mà nhiều lễ hội cổ truyền Việt Nam đang có xu thế biến dạng và mai một?

Theo TS Từ Thị Loan (Viện VHNT VN) tại Phù Đổng và Sóc Sơn, người người dân địa phương rất có ý thức lưu giữ các văn bản cổ liên quan tới việc “luật lệ” tổ chức 2 Hội Gióng.

Từ bảo tồn bằng chữ...

Điển hình, tại núi Bia (Sóc Sơn), các văn bia có quy định rõ các lễ vật cúng tiến trong ngày Hội Gióng Sóc Sơn phải là giò hoa tre, voi trận, cỏ voi, trầu cau... Đồng thời, văn bia cũng “phân công” trách nhiệm chuẩn bị cụ thể từng món lễ vật cho từng làng như Dược Thượng (tết hình voi), Vệ Linh (làm giò hoa tre)...

Rước voi tại hội Gióng Sóc Sơn
Rước voi tại hội Gióng Sóc Sơn

Tương tự, qua bao ly tán, loạn lạc của chiến tranh, dân làng Phù Đổng vẫn giữ được sổ hội lệ của Hội Gióng từ đầu thế kỷ 20 tới nay. Trong sổ hội lệ có ghi rõ hàng loạt “luật lệ” tổ chức Hội Gióng Phù Đổng như thời gian, lịch, các bước tập luyện, lắp ráp, diễn tập và hành hội. Thậm chí, tài liệu này có giải thích rất rõ ý nghĩa, vai trò của các biểu tượng trong lễ hội, kèm theo đó là những quy định nghiêm ngặt về trang phục, độ tuổi, cách thực hiện nghi lễ của những người nhập vai như ông Hiệu, cô tướng, xướng xuất, phù giá, làng Áo Đỏ, làng Áo Đen, phường Ải Lao, xe long mã...

“Đây là trường hợp đặc biệt và rất đáng khâm phục của người dân Phù Đổng” - bà Loan cho biết - “Sổ hội lệ luôn được dùng làm căn cứ chính thống khi tổ chức Hội Gióng Phù Đổng để tránh các hiện tượng “tam sao thất bản”, “chín người mười ý” như nhiều lễ hội dân gian khác”.

Tới bảo tồn bằng “truyền miệng”...

Nói rộng hơn, trước khi được sao thành văn bia hoặc hội lệ, các quy tắc “bất thành văn” về Hội Gióng đã được người dân nơi đây ghi nhớ và truyền miệng qua từng thế hệ. PGS-TS Lê Thị Hoài Phương, người tham gia dàn dựng lễ hội Gióng Sóc Sơn 2010 cho biết: Có rất nhiều quy ước không có trong văn bia nhưng luôn được người dân tại các làng quanh Sóc Sơn thành kính tuân theo một cách tự nguyện. Chẳng hạn, khi rước lễ vật vào đền Thượng, trật tự của các làng đã được quy định, trong đó giò hoa tre thôn Vệ Linh luôn đi trước và được dâng lên Thánh đầu tiên...

Rước giò hoa tre tại hội Gióng Sóc Sơn
Rước giò hoa tre tại hội Gióng Sóc Sơn

Khi xây dựng hồ sơ đệ trình lên UNESCO, các nghiên cứu viên của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (VHNT VN) đã có sự đối chiếu giữa kết quả khảo sát thực địa với hàng loạt nghiên cứu về Hội Gióng được tiến hành từ 1839 tới nay bởi những học giả Pháp và Việt Nam. Theo đó, cho dù có lúc bị gián đoạn (không tổ chức từ 1945- 1982), cả Hội Gióng Phù Đổng và Hội Gióng Sóc Sơn vẫn duy trì được hầu hết những yếu tố làm nên giá trị văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng của mình. Nôm na, đó là một hệ thống rất phong phú và độc đáo về những biểu tượng, nghi lễ diễn xướng hay tính linh thiêng của lễ hội...Đáng chú ý, toàn bộ hệ thống này đều được cộng đồng người dân chủ động thực hiện như một vinh dự và trách nhiệm cá nhân.

TS Từ Thị Loan cho biết: “suốt lịch sử tồn tại, người ta không thể tìm thấy sự xuất hiện của những “diễn viên chuyên nghiệp” tại Hội Gióng, bản thân mỗi người dân làng đã được giảng giải và cảm nhận tốt về các giá trị văn hóa trong lễ hội. Bởi thế, họ luôn tham gia diễn xướng thật nhiệt tâm, thành kính với các động tác thật thuần thục đầy tính nghệ thuật”.

Sự thành kính và nhiệt tình ấy không có gì khó hiểu, bởi theo các sử liệu, việc phụng thờ Thánh Gióng có từ thời Hùng Vương thứ 6 và chính thức trở thành lễ hội lớn từ đầu thế kỷ 11 tới nay. Giải thích về điều này, PGS-TS Trần Lê Bảo cho biết: Dòng tâm thức dân gian ngay từ rất sớm đã có ước nguyện được ngợi ca và sùng bái hình tượng một vị anh hùng chống giặc ngoại xâm. Rồi theo thời gian, xuất phát từ nhu cầu có thật của lịch sử, các vương triều phong kiến đều tiếp tục tôn vinh và “thiêng hóa” hình tượng Thánh Gióng. Bởi vậy, Hội Gióng trong lịch sử gần như đã trở thành Quốc lễ và nhận tới 27 đạo sắc phong khác nhau.

Muốn bảo tồn tốt, hãy “để yên” cho Hội Gióng

Một khi di sản được ghi nhận để bảo vệ ở cấp độ quốc tế người ta sẽ nghĩ ngay đến chuyện phát triển quy mô, làm cho nó hoành tránh hơn. Trong khi đó, giá trị cơ bản của Hội Gióng là tính cộng đồng trong việc sáng tạo và duy trì di sản. Cần để Hội Gióng tồn tại bình yên trong cộng đồng bé nhỏ của nó, để cộng đồng tự tổ chức và điều hành lễ hội của họ chứ không thể Nhà nước hóa lễ hội, “nâng tầm” thành “sự kiện” của toàn xã hội, thành lễ hội của quốc gia.

Đặc biệt, Hội Gióng là di sản văn hóa tâm linh, nếu coi Hội Gióng là điểm đến của du lịch, lập tức di sản này sẽ bị ảnh hưởng, vì du lịch đại trà rất khó song hành cùng việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Chùa Hương hiện nay là ví dụ rõ về sự biến dạng của di sản mà chưa có giải pháp cứu vãn.

TS Lê Thị Minh Lý - Phó Cục trưởng Cục di sản văn hóa

Theo thethaovanhoa.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast