Làn điệu cải biên tứ hoa

(Baohatinh.vn) - Dân ca Nghệ Tĩnh với tính chất trữ tình, nhẹ nhàng, tha thiết, thường được dùng trong hát đối đáp giao duyên. Xét về các làn điệu gốc, hát giặm là có tiết tấu phức tạp hơn cả. Tuy nhiên, giặm cũng mang giọng điệu đều đều, kể lể, ít có tính đối đáp kịch liệt.

Bởi vậy, việc thể hiện tính cách nhân vật, tình tiết với những mâu thuẫn đối kháng, tâm trạng gay cấn, giải quyết các tình huống kịch trong quá trình sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh đòi hỏi soạn giả phải sáng tạo những làn điệu mới. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 200 làn điệu cải biên và Tứ hoa là một trong những làn điệu cải biên được sử dụng phổ biến nhất.

Làn điệu cải biên tứ hoa ảnh 1

Một tiết mục trong liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ 2, năm 2013. Ảnh: Anh Hoài

Với những người yêu sân khấu kịch, hẳn khó có thể quên vở diễn “Mai Thúc Loan” của nhà viết kịch Phan Lương Hảo đã được Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh dàn dựng năm 1984. Trong vở kịch này, để thể hiện tâm trạng buồn bã khi phải chia ly cũng như khoảnh khắc mừng mừng, tủi tủi trong ngày đoàn tụ của Mai Thúc Loan và cô Vải, Nghệ sỹ ưu tú Đình Bảo, người chịu trách nhiệm phần âm nhạc đã sử dụng làn điệu dân ca hoàn toàn mới - điệu hát Tứ hoa. Làn điệu mới này có lối hát đổ dài như sự tuôn trào của cảm xúc, luôn mang đến cho người nghe những rung cảm thẩm mỹ sâu sắc. Các soạn giả khi viết lời mới cho các tổ khúc dân ca, thường sử dụng điệu hát cải biên này như một thế mạnh nhằm chuyển tải tâm trạng, cảm xúc dồn nén của nhân vật trữ tình.

Nói về sự ra đời của làn điệu cải biên này, Nghệ sỹ ưu tú Đình Bảo cho biết: “Lần đầu tiên, dân ca Nghệ Tĩnh dựng một vở 3 tiếng đồng hồ, mà lại có kịch tính cao, ở đó có một tình huống không thể sử dụng toàn bộ làn điệu gốc. Khi đó, tôi mới nhớ đến lối ngâm thơ Trung và ý định cải biên làn điệu cũng bắt đầu từ đó. Việc cải biên là cần thiết, cũng bởi dân ca nguyên gốc cứ sàn sàn, đều đều, mà nói đến kịch là nói đến mâu thuẫn, xung đột, cao trào, là cái chất bốp chát của nó, người ta gọi là cái chất đá - răm”.

Làn điệu cải biên tứ hoa ảnh 2

Không gian diễn xướng dân ca ví, giặm ở xã Phù Việt (Thạch Hà)

Sở dĩ gọi là Tứ hoa bởi Nghệ sỹ ưu tú Đình Bảo đã sử dụng 4 làn điệu ghép vào nhau. Đó là làn điệu ví, giặm, thơ Trung và quân tử vu dịch trong chèo, trong đó, lối hát ngâm thơ miền Trung đổ dài được sử dụng làm chất liệu chính. Giai điệu tha thiết, man mác của ví, thơ Trung; tính chất tự sự, kể lể, phân trần, khuyên răn của giặm; sự dùng dằng nhớ thương của quân tử vu dịch... được kết hợp trong điệu hát Tứ hoa. Qua đó, lột tả được diễn biến tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trong thời khắc biệt ly cũng như khi chiến thắng khải hoàn.

Cùng với các làn điệu gốc, các làn điệu cải biên đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng dân ca Nghệ Tĩnh. Đặc biệt, Tứ hoa đã trở thành điệu hát phổ biến, được sử dụng nhiều trong các tổ khúc, các vở kịch, nhất là ở những trường đoạn thể hiện nội tâm giằng xé hay mâu thuẫn căng thẳng đối kháng... Khi buồn, lời hát mênh mang, sâu lắng; khi vui, lại sôi nổi, mạnh mẽ... Thông qua đó, các soạn giả có thể soi chiếu những vấn đề của cuộc sống bằng nhiều góc độ, bằng cái nhìn đa diện và tinh tế hơn.

Thực tế, cuộc sống hiện đại với sự thay đổi nhanh chóng của phương thức sản xuất đã làm cho môi trường diễn xướng truyền thống dần mai một. Thế nhưng, câu hát dân ca vẫn luôn là suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn và cốt cách của con người Nghệ Tĩnh, vẫn là nơi gửi gắm tâm tư, ước vọng. Khi buồn, người dân có thể tìm về câu hát ví đò đưa tha thiết. Khi cảm xúc dồn nén thăng hoa thì tìm về với lối hát Tứ hoa. Sự đa dạng trong tiết tấu, phong phú, tinh tế ở phong cách trình diễn, dân ca ví, giặm thực sự đã đáp ứng hơi thở của thời đại.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast