Làng tôi mê Kiều

(Baohatinh.vn) - Nếu thuở xưa, ở huyện Hương Sơn có cuộc thi người mê Kiều thì thể nào bác tôi - Phan Đình Trương (xóm Tàu Sơn, xã Sơn Thủy) cũng giành giải nhất. Ông lại là người có vốn liếng về chữ Hán nên hiểu sâu về các điển tích...

Tôi nhớ làng tôi hồi đó rất hiếm sách, Truyện Kiều lại càng hiếm. Nhưng bác tôi lại có hẳn cuốn Truyện Kiều được in khá đẹp với bản dịch của cụ Bùi Kỷ. Đáng quý hơn, cuốn sách này từ chương đầu đến chương cuối đều có những trang minh họa tài hoa của họa sĩ. Cuốn Truyện Kiều có lẽ cũng “độc nhất vô nhị” đối với miền sơn cước quê tôi hồi ấy vì bác tôi được người con trai cả mang từ Hà Nội về tặng...

Làng tôi mê Kiều ảnh 1

Soi bóng Ngàn Phố

Từ khi có Truyện Kiều, căn nhà bác tôi rôm rả hẳn. Cứ mỗi tối, hết tốp nọ đến tốp kia lại kéo nhau đến nhà bác vừa vui thú tổ tôm, vừa đàm đạo Truyện Kiều. Bên bát nước chè xanh bốc khói, anh Hiệp - con trai út học lớp 5 có giọng đọc ấm áp, truyền cảm được bác giao nhiệm vụ đọc Truyện Kiều cho mọi người nghe. Cứ mỗi đêm chỉ đọc vài trăm câu, đọc đến đâu, bác tôi lại giảng giải cho mọi người nghe đến đó. Xóm tôi hồi ấy, ông Lịch, ông Lê, ông Thế đều không biết chữ nhưng được thưởng thức nhiều lần Truyện Kiều ở nhà bác tôi, thành thử, ai cũng thích và người ít nhất cũng thuộc vài chục câu, nhưng nội dung cốt truyện họ đều nhớ vanh vách. Thuở ấy, tôi mới chỉ là một cậu bé học lớp 2 nhưng nhiều đêm cũng bỏ cuộc chơi trốn tìm và kéo lũ bạn hay nghịch ổ rơm đến nhà bác nghe đọc Kiều. Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ như in gương mặt ông Lê. Ngày nào ông cũng vô rú đốt than đem bán lấy tiền đong gạo, nhưng đêm nào trăng thanh, gió mát, ông cũng tham gia sinh hoạt “hội Kiều” ở nhà bác tôi.

Một bữa, khi nghe anh Hiệp đọc đến đoạn: “Thúy Kiều mắc mưu Hồ Tôn Hiến” và viên quan tổng đốc này ép Kiều gảy đàn:

Hỏi rằng này khúc ở đâu?

Nghe ra muốn oán ngàn sầu lắm thay

Thưa rằng bạc mệnh khúc này

Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ

Cung cầm lựa những ngày xưa

Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây.

Bên ngọn đèn dầu tù mù, tự nhiên, tôi thấy ông Lê chảy nước mắt. Không khí lúc ấy càng im ắng hơn. Tôi nghe bác giảng giải cho mọi người hiểu quan tổng đốc Hồ Tôn Hiến dưới triều phong kiến là người đứng ở ngôi thứ nào? Vì sao Kiều mắc mưu Hồ Tôn Hiến để dụ Từ Hải ra hàng. Hồi lâu tan cuộc, tôi thấy ông Lê đốt bó đuốc nứa rồi đi ra ngõ, miệng vẫn lẩm bẩm “Chết đứng như Từ Hải mà mình vẫn thấy thương”. Trời ơi! Một người không biết chữ, quanh năm rau cháo qua ngày mà vẫn mê Kiều, lẽ nào bác mình có Truyện Kiều mà mình lại không tranh thủ đọc, tranh thủ ghi.

Làng tôi mê Kiều ảnh 2

Thuý Kiều

Một bữa, hai đứa cùng nhau ra vườn ông Túc trèo hái ổi ăn, tôi nói với thằng Dùng: “Ở nhà bác tau có cuốn Truyện Kiều của Nguyễn Du hay lắm. Hai đứa ta cùng chép lại toàn bộ cuốn sách ấy được không?”. Thế là chúng tôi cùng chép. Thằng Dùng chữ đẹp như chữ viết giấy khen mà lại viết nhanh, nên tôi đọc cho nó chép. Hồi ấy, anh trai tặng tôi những 5 xếp giấy trắng và 2 lọ mực Cửu Long nên tôi không phải lo việc sắm giấy mực. Mỗi tối, Dùng lại xách cặp tới nhà tôi học, sau khi làm xong các bài tập thầy ra, chúng tôi dành hơn một tiếng để chép Truyện Kiều.

Khó nhất là đoạn minh họa các trang nhưng Dùng vẫn vẽ được, nào cảnh chị em Thúy Kiều đi chơi xuân gặp chàng Kim Trọng, rồi hình ảnh Hoạn Thư đánh ghen Kiều, đến anh hùng Từ Hải “Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”. Tuy còn bé tẹo nhưng thằng Dùng đã nghĩ ra những ý tưởng rất độc đáo. Nó giải thích: “Đối với Thúy Kiều thì phải dùng bút chì đỏ tô môi hồng, má hồng cho nàng đẹp lên; còn đối với Từ Hải lại dùng bút chì đen tô lông mày dài và thật đậm vì nhân vật này thuộc diện “Râu hùm hàm én mày ngài” mà.

Chẳng thể ngờ, chính nhờ đọc Truyện Kiều bằng bản chép tay này mà tôi và Dùng đứa nào cũng thuộc gần như trọn quyển sách, dù nhiều điển tích chúng tôi còn phải mò mẫm suốt cả cuộc đời. Nhưng có một điều tôi khẳng định rằng: chúng tôi yêu văn học, yêu tiếng Việt và yêu quê hương, bè bạn, xóm làng bắt đầu từ Truyện Kiều. Được chép Truyện Kiều từ hồi nhỏ và được học Truyện Kiều, 2 đứa tôi khoan khoái như “trúng tủ” đề thi. Mỗi lần làm văn về đề tài này, tôi và Dùng đều được điểm 8, là mức điểm xuất sắc thời ấy. Học xong phổ thông, vào bộ đội, mỗi lần gửi thư về cho gia đình hay bạn bè, cả tôi và Dùng đều không quên nhắc hay họa vài câu Kiều. Có lần Dùng đưa cho tôi một tấm ảnh của bạn gái rất thân hồi học phổ thông, sau bức ảnh đen trắng nhỏ xíu ấy, Dùng đề 2 câu Kiều:

Tiếc thay một đóa trà mi

Con ong đã tỏ đường đi lối về.

Tôi hỏi: “Sao cậu lại đề thế?”. Dùng buồn bã đáp: “Tao đang định tấn công nhưng nó đã có người bỏ trầu rồi”.

Rằm tháng bảy năm nay đúng là duyên kỳ ngộ, sau bao nhiêu năm xa cách, cả hai tóc đã bạc, chúng tôi gặp lại nhau. “Hội đọc Kiều” ở nhà bác tôi thuở xưa đều trở thành “người muôn năm cũ”. Tôi và Dùng thành kính thắp nén nhang trước bàn thờ bác. Thật ngạc nhiên, cuốn Truyện Kiều năm xưa vẫn được đặt trên bàn thờ. Anh Hiệp cho biết: “Lúc còn sống, ông dặn, khi ông mất, cứ đặt cuốn Truyện Kiều này lên bàn thờ”.

“Từ khi ông mất, tưởng xóm làng vắng bóng người mê Kiều, nhưng không, làng này vẫn có tới hàng chục thanh niên thuộc Truyện Kiều. Hôm vừa rồi liên hoan văn nghệ xóm, ai ngờ nam nữ thanh niên dựng vở “Kim Kiều gặp nhau” hay lắm. Hôm đó, chú mà về xem thì biết văn hóa Kiều đã ăn sâu vào tiềm thức con người Việt Nam như thế nào” - anh Hiệp xúc động kể thêm.

Tháng 10/2015

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast