Một dòng sông xanh

(Baohatinh.vn) - Con thuyền xa xưa đã rời bến đỗ tự bao giờ. Sông Lam vẫn còn đấy, dường như tiếng chèo khua trong đêm trăng rằm ấy không bao giờ ngưng lặng trong trái tim tôi. Tiếng chèo khua của người lái đò, tôi nhìn không rõ mặt, nhưng đã neo vào sâu thẳm tâm hồn tôi. Con thuyền ấy, người lái đò ấy đã cho tôi hiểu thêm cội nguồn sâu lắng về con sông dào dạt tình yêu.

Không biết tự ngàn xưa và hôm nay đã có bao nhiêu hành khách ngồi thuyền xuôi ngược dòng Lam tận hưởng đêm trăng thanh, gió mát và ngày rười rượi sóng xanh vỗ man mác đôi bờ…

Non nước Hồng Lam (ảnh: Quang Vinh)
Non nước Hồng Lam (ảnh: Quang Vinh)

Ánh trăng thực trên bầu trời suốt bốn mùa trăng lên rồi trăng lặn theo con nước và ánh trăng trong ca dao để rồi ai cũng da diết, thiết tha, hoài niệm “Chặt đôi câu thơ, bẻ đôi câu thơ... Cho tôi làm con thuyền lướt sóng, đưa tôi về… với người tôi yêu”. Với người nghệ sĩ, sông Lam là thơ, là nhạc, là bức tranh quê xao động trái tim người. Với người dân cày, sông Lam hóa bầu sữa ngọt nuôi đất, nuôi cây. Với ông đồ Xứ Nghệ, sông Lam hóa thành bể mực để gieo vào lòng thế kỷ những di sản văn hóa tinh túy như những hạt ngọc được hình thành từ đáy nước. Dường như sông Lam là cốt cách người Nghệ. Một xứ sở có nét riêng “hết lũ rồi đến hạn” nên sông Lam trở thành túi đựng mưa nguồn, suối lũ. Sông Lam luôn đối mặt và giao chiến với những trận đồ bát quái của thủy tặc. Con người Xứ Nghệ sinh ra và lớn lên trải qua nhiều gian khổ. Nhưng, trong khổ đau, người Xứ Nghệ đẹp hơn nhiều, trong sự thách đố thiên tai, sông Lam càng biếc hơn nhiều:

Ai biết nước sông Lam (răng) là trong là đục

Mới thấy hết cuộc đời (răng) là nhục là vinh

Thuyền em lên thác xuống ghềnh

Nước non là nghĩa là tình ai ơi...

Tình nghĩa nước non ấy được người xưa khẳng định như một chân lý vĩnh hằng:

Bao giờ Ngàn Hống hết cây

Sông Lam hết nước đó đây hết tình.

Đã nhiều lần tôi cảm thấy những câu dân ca này như một chất men say. Lòng tự hỏi: câu dân ca ấy của chàng trai hay cô gái, hay của người lái đò trong đêm khuya, hay là tác phẩm dân gian lưu lại của đêm hát hội giữa “mùa xuân chín”...? Tất cả những điều ấy chưa ai trả lời giùm tôi, bởi họ cũng như tôi, đâu lần được dấu tích thời gian xa thẳm ấy. Thôi cứ đành gọi đây là lời của núi Hồng, đây là lời của sông Lam để “núi cao cho dáng đứng, sông dài cho bước đi” .

Trải qua hàng ngàn năm, ai lớn lên từ đôi bờ dòng sông Lam nước biếc này đều phải tạ ơn dòng sông. Sông Lam đã dạy cho con người biết thân phận mình, biết ăn, biết ở. Với hiếu, lễ, nghĩa của đàn ông và công, dung, ngôn, hạnh của đàn bà đã có đầy ắp trong ca dao, dân ca ví, giặm. Tình yêu trong dân ca ví, giặm không phải là thứ tình yêu chung chung, mơ hồ, tình yêu được trỗi dậy từ người với người, từ người với cảnh. Những cư xử của con cái đối với cha mẹ, ông bà làm sao cho đúng với đạo làm người, nết ăn nết ở vợ chồng ra sao đều được dân ca ví, giặm mách bảo và dặn dò cặn kẽ. Đạo làm người phải bắt đầu từ gốc, cái gốc rễ gia đình sẽ hình thành nhân cách, lẽ sống của mỗi thành viên gia đình, gia nhập vào cái chung xã hội để từ đó mở rộng một khung trời tình yêu bè bạn, tình yêu làng xóm, quê hương.

Tôi nhớ thời phổ thông, khi học đến tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam, thầy giáo đã hát cho chúng tôi nghe vài làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh. Cả lớp học im phăng phắc, bao nhiêu cặp mắt đen tròn theo âm hưởng dân ca Xứ Nghệ của thầy:

Hỡi là bạn tình ơi!

Cơm em ăn bát bưng bát để

Đũa em so đôi đứng, đôi nằm

Ví dù thầy mẹ có đánh đập em chín chục một trăm,

Đập rồi em đứng dậy, em vẫn nhất tâm thương chàng.

Thiên tạo cho dòng sông Lam có chỗ nông, chỗ sâu, sóng sông Lam lúc hiền hòa, lúc ào ạt, dữ dội thì dòng dân ca ví, giặm cũng chảy theo nguồn mạch ấy. Những nghệ sĩ vô danh sáng tạo nên từng làn dân ca, từng điệu ví chính là những người nông dân chân lấm, tay bùn. Họ thổi vào hồn dân ca những câu thật thà, trần trụi hơn cả lúa khoai:

Trước mự nói mự thương...

“Dừ” mự nói mự nỏ thương

….

Bạc tình chi rứa mự?

Răng bạc tình rứa mự?.

Sông Lam còn có tên gọi khác là sông Cả, sông Rum, bắt nguồn từ nước Lào, dài 361 km, thuộc nội địa Việt Nam, chảy qua địa phận 10 huyện của tỉnh Nghệ An, hợp lưu với sông La ở núi Lam Thành rồi chảy về biển cả ở cửa Hội. Bên tả ngạn sông là huyện Nam Đàn, TP Vinh và Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An. Hữu ngạn sông là Đức Thọ, Hồng Lĩnh, Nghi Xuân của Hà Tĩnh. Điều kỳ lạ, sông Lam chảy tới đâu là sinh ra các bậc hiền tài đến đó. Sông Lam chảy qua bến Giang Đình (Nghi Xuân), gần bến nước này là làng Tiên Điền có dòng dõi họ Nguyễn thuộc “trâm anh thế phiệt”.

Thi hào Nguyễn Du sinh ra trong gia đình quyền quý ấy. Tác phẩm Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du đã trở thành “quốc hồn quốc túy”. Phải chăng, hồn quê sông nước với những làn điệu dân ca ví, giặm đã nuôi lớn ông từ lúc cất tiếng khóc chào đời? Thời trẻ, Nguyễn Du thường cùng với đám trai làng sang Trường Lưu hát phường vải. Làng Trường Lưu thời bấy giờ nổi tiếng có nhiều cô gái đẹp người, đẹp nết, giỏi ươm tơ, dệt lụa. Giai thoại kể rằng, người “xuất khẩu thành thơ” như Nguyễn Du cũng phải bái phục khi gặp một cô gái tên Cúc thuộc diện hoa khôi nhưng nhiều tuổi hơn trong nhóm gái hát phường vải đêm hôm ấy. Khi Nguyễn Du buông lời ghẹo:

Trăm hoa đua nở mùa xuân

Cớ sao cúc lại nở về mùa thu?

Chẳng ngờ, cô Cúc ứng tác ngay:

Vì chưng tham chút nhụy vàng

Nên cúc phải đợi muộn màng mùa thu.

Nhà thơ Xuân Hoài đã từng viết: “Nếu không có sông Lam/ Núi Hồng buồn biết mấy”, thì với Nguyễn Du, nếu không có mảnh đất Nghi Xuân sao có thể vẽ nên một bức tranh đẹp trong Truyện Kiều:

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ dầu dầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Có lẽ bao giờ nước sông Lam cạn thì người Xứ Nghệ mới thôi yêu dân ca. Dân ca đã trở thành thứ men nồng chuyển tải từ đời này sang đời khác. Con người Xứ Nghệ càng sáng rỡ về thân thế, sự nghiệp bao nhiêu thì lại càng đậm chất hồn quê bấy nhiêu. Nguyễn Công Trứ - một tướng công ở làng Uy viễn nổi tiếng “đa tài, đa tình, đa đoan” đã từng mê ca trù, mê hát bội, hát phường vải đến tàn canh.

Giang sơn một gánh giữa đồng

Thuyền quyên “ư hự...” anh hùng nhớ không?.

Sông Lam vẫn còn đấy, núi Hồng vẫn còn đây, đồng quê vẫn đầy hương lúa mới, còn Tướng công và cô ả đào xưa đã đi vào cõi xa xăm. Chỉ còn lại thơ ông, chỉ còn lại tên tuổi ông, chỉ còn lại yêu nồng nàn, ghét nồng nàn của ông sáng rỡ như gương trong mà hậu thế đang soi vào.

Đêm nay - đêm tháng ba, những làng quê đôi bờ sông Lam vằng vặc trăng. Không còn những cô gái khăn the, áo chẽn, không còn những áo “mớ bảy mớ ba” với rộn ràng hội trống, với dập dìu tài tử giai nhân theo hát hội phường. Bao giờ cho tới ngày xưa ấy? Sẽ chẳng bao giờ nữa, nhưng người Xứ Nghệ vẫn khát vọng dân ca Xứ Nghệ sẽ nồng ấm lên, đẹp hơn lên, bởi sông Lam vẫn chảy, tình người Xứ Nghệ vẫn còn mênh mang, dào dạt. Hơn hết, dân ca ví, giặm là linh hồn máu thịt của đất quê mình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast