Nét đẹp làng Hội Thống

(Baohatinh.vn) - Xuân Hội (Nghi Xuân), trước đây gọi là làng Hội Thống không chỉ nổi tiếng về truyền thống ra khơi, đánh bắt hải sản mà còn ẩn chứa nhiều nét đẹp lịch sử, văn hóa, phong tục, tín ngưỡng ngàn đời.

Nét cổ kính từ những ngôi đền

Đến làng biển cuối huyện Nghi Xuân, khách sẽ ngỡ ngàng khi ở vùng đất cát bao đời nay con người đối mặt với thủy thần, phong ba, nhưng hầu như các đền chùa được cha ông dựng lên vẫn không hề mất hình, biến dạng.

Nét đẹp làng Hội Thống ảnh 1

Bình minh trên biển

Đền Thương Thống được dựng từ đời Lê, theo một số bậc cao niên trong làng: đây là ngôi đền thờ Thành hoàng Lê Phụng Hiểu, làm Đô đốc thượng tướng quân thời Lý Thái Tôn. Đền Cả thờ Thánh mẫu Đại Càn, thờ mẹ con bà Thái Hậu đời nhà Tống (Trung Quốc). Rồi đến những ngôi đền được ngư dân thắp hương bái vọng, cầu an cho những chuyến đi biển tốt lành như đền Cô, đền Cậu và 3 ngôi đền thờ thần Cá Ông.

Đến Xuân Hội, du khách còn có dịp được chiêm ngưỡng đền Thánh (Nhà văn thánh) thờ Khổng phu tử. Ngôi đền này tọa lạc trên cồn đất giữa đồng Hồ Cân và đồng Mối. Đáng chú ý, đây là đền thờ các vị tổ khai cơ, dân ở đây thường quen gọi “đền Ông Nội, Ông Ngoại”, thực chất chỉ là ngôi miếu nhỏ dựng trên cồn Xa Cô. Trong miếu, đơn giản chỉ có một bục thờ xây gạch, kiểu hương án và tấm biển đề họ tên 8 vị tổ ông, 8 vị tổ bà.

Nhưng nhắc đến nét văn hóa tâm linh ở Xuân Hội, du khách vẫn ấn tượng nhất khi bước đến đình Hội Thống. Theo một số sách thì thời Lê, xã Hội Thống được vua ban tên là xã Kiến Nghĩa, dân làng phấn khởi dựng ngôi đình và đặt tên là đình Kiến Nghĩa; về sau, đổi thành đình Hội Thống. Đình được khởi công xây dựng năm Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2 (1659), kiến tạo theo hình chữ “nhị”. Mặt đình ngoảnh về hướng Tây, nhìn ra cánh đồng Sú Rào, mé sông Lam, bên trái là dãy Ngàn Hống. Tháng 2/1979, đình được nhân dân xã Xuân Hội và chính quyền huyện Nghi Xuân trùng tu, xây thêm 2 tòa giải vũ thành chữ “quốc”, sau là nội tẩm, trước là bái đường. Ngôi nhà chính gồm 7 gian với 4 hàng cột ngang, 8 hàng cột dọc. Các hạ ngang trên đình được chạm đầu rồng ngậm ngọc với kỹ nghệ điêu khắc tài hoa. Ngắm các con rồng, ta có cảm tưởng như chúng ẩn chứa linh hồn và sức mạnh bất diệt của làng. Từ xa xưa, cứ đến ngày lễ hội, đình Hội Thống nườm nượp người rước kiệu, dâng hương. Tục truyền, vào lễ hạ điền hàng năm, dân làng Hội Thống sau khi vào đình cung kính tế thần, chức sắc, hào lão xuống cấy ở chân ruộng làng mình trước, rồi dân làng mới ra đồng sản xuất.

Phong tục ở làng Hội Thống

Làng Hội Thống có những phong tục mà người dân sùng bái và tín ngưỡng từ bao đời nay. Trước hết là tục rước đồ mã: Hàng năm, làng có lệ “thay áo cho thần”. Cứ tới đầu tháng chạp, chức sắc trong làng cử người đi đặt các mặt hàng mã như áo, mũ, giày dép và một số đồ trang sức khác để gửi về “thế giới bên kia” cho các vị thần tổ. Bắt đầu từ ngày 24-25, dân làng rước kiệu từ nhà ông tiên chỉ tới nhà hàng đặt mua đồ mã, nhận hàng, rước về đình, làm lễ cáo thần. Lễ xong, chức sắc, hào lão chia ra nhiều đoàn đưa tất cả áo, mũ thần đến đền miếu, nhà thờ tiến sĩ Võ Thời Mận, cử nhân Võ Duy Huề, đốc binh Nguyễn Liêm... Sau khi làm lễ khấn nguyện xong thì thay áo, mũ trên long ngai; sau đó, đưa phóng hỏa.

Nét đẹp làng Hội Thống ảnh 2
Lễ hội cầu ngư của ngư dân vùng biển

Lễ trung nguyên: Phong tục này ở làng Hội Thống về cơ bản cũng giống như các làng quê khác, vào rằm tháng bảy, chùa Yên Phúc dùng cháo, nổ để cúng cô hồn trong lễ “thí thực”. Nhưng Hội Thống có nét đặc biệt hơn là lễ này được duy trì thường xuyên và dân làng chuẩn bị lễ rất chu đáo. Năm nào cũng lập đàn, dựng tích “Mục Liên cứu mẹ” và tụng bài “Văn tế thập loại chúng sinh”. Dường như đến ngày ấy, già trẻ, gái trai đều tạm gác tất cả mọi việc riêng, lũ lượt kéo nhau đi dự lễ.

Lễ cầu ngư có từ hàng ngàn đời nay, được tổ chức cả trên cạn lẫn dưới thuyền với rực rỡ màu cờ sắc áo, hấp dẫn và vui tươi; kinh phí do dân tự nguyện đóng góp. Người làng Hội Thống dựng rạp dài trên bờ biển, mái rạp lợp vải buồm, hai bên căng buồm che kín, ở giữa đặt bàn thờ, trên bày biện nhiều lễ vật và treo một số tranh thờ. Dưới nước, ngư dân dùng 4 con thuyền lớn kết lại, trên thuyền được xếp các mảnh ván để tạo nên một mặt phẳng đủ đặt bàn thờ. Lễ vật gồm 1 mâm xôi, 1 con gà và 1 con lợn luộc… Ngoài ra, mỗi chủ thuyền còn sắm thêm 1 mâm oản. Mâm cúng ở hướng Đông, thầy cúng ngồi hướng Tây, chiêng trống, nhã nhạc nổi lên, bắt đầu “cầu đồng”, huyên náo cả làng. Hàng trăm cặp mắt đều mong chờ “con đồng lên”, “xiên lình” trổ tài... Sau khi thực hiện các nghi lễ, màn cuối của lễ cầu ngư là đọc văn tế Thần Ngư.

Ngoài các lễ hội trên, làng biển Hội Thống còn có thêm lễ hạ thuyền. Lễ này thường chọn những trai làng khỏe, có giọng hát hay trình diễn các bài cổ truyền về các điệu hò đẩy... Hàng năm, sau dịp Tết Nguyên đán, tiết trời mát mẻ, cả làng còn tổ chức hội chèo bơi.

Tục “Đón đẳng” (trong lễ rước dâu) là một phong tục rất riêng của làng Hội Thống. Để giải nghĩa cho tục lệ này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thái Kim Đỉnh đã dày công sưu tầm: “Trong ngày rước dâu, phía nhà gái đặt một cái đẳng bên đường, trên bày trầu cau, rượu mừng chú rể. Khi nhà trai đi đón dâu và rước dâu về qua, phải cử người ra đãi tiền cho những người đón và nhận lễ mừng mới đi tiếp. Có khi người ta giăng sợi dây điều qua đường treo bức mành sau đẳng, trên để vế đối. Đám rước dâu dừng lại, cử người ra viết vế đối lại rồi treo bên cạnh vế đối ra trên tấm sáo mới được đi. Nếu không ra câu đối thì có người ra nêu câu đố, nhà trai cũng phải cử người ra giải đáp lại mới tiếp tục đi”.

(Bài viết có sử dụng tư liệu của nhà nghiên cứu văn hóa Thái Kim Đỉnh)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast